Ôm gánh nặng quá khứ, nhiều doanh nghiệp sợ cổ phần hoá xong không chịu nổi

24/12/2015 17:16 PM | Kinh doanh

Gánh nặng quá khứ như con người và cơ sở vật chất khiến nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương sợ sau khi cổ phần hóa xong doanh nghiệp không chịu nổi.

Mặc dù là đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn song, hiện nay, Bộ Công Thương lại nằm trong danh sách “đen” cổ phần hoá chậm so với các ngành khác.

Lý giải sự trậm chễ này, theo ông Phan Đăng Tuất, Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn tại các doanh nghiệp ngành Công Thương đã gặp rất nhiều vướng mắc về tài chính, tái cơ cấu, lao động… liên quan tới việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, IPO và thành lập doanh nghiệp.

Thêm một lý do quan trọng nữa là tỷ lệ nắm giữ của nhà nước sau CPH còn rất lớn. Có doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa vẫn nắm 80% nên nhiều nhà đầu tư không quan tâm.

"Nhà nước quyết định chỉ bán hơn 20% cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nhưng nhà đầu tư thường có tâm lý bán dưới 51% thì không mua. Vì họ ném tiền vào đó mà không có quyền gì cả”, ông Tuất nói.

Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị cụ thể, đề xuất các cơ chế đặc thù liên quan đến tài sản thanh lý, xử lý nợ tồn đọng không rõ nguồn gốc, giá nào để thoái vốn sau IPO và về nhà đầu tư nước ngoài.

Khó khăn nhất mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang gánh phải trên đường CPH, theo ông Đặng Hoài An (Tổng Giám đốc) là doanh nghiệp này đang phải gánh nặng quá khứ quá nhiều bao gồm con người và cơ sở vật chất.

Ông Hoài An cho hay, sau khi CPH, EVN đã sa thải hàng nghìn lao động. Hiện nay, thị trường việc làm gặp khó khăn, nhiều người lao động vẫn gửi thư khiến doanh nghiệp lúng túng.

"Gánh nặng còn bao gồm quy định bảo tồn vốn nhà nước, đánh giá lại tài sản. Và nếu phân tích hiệu quả doanh nghiệp sau cổ phần hóa mang lại thông qua đóng thuế thì chưa chắc đã mang lại nhiều tiền hơn cho nhà nước. Với gánh nặng này, nhiều doanh nghiệp vừa cổ phần hóa xong có khi không chịu nổi", ông An khẳng định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đồng tình, cho rằng: Yếu tố quyết định việc bán cổ phần có thành công hay không là tỷ lệ nhà nước chi phối tại doanh nghiệp.

Vì vậy, khi lên phương án CPH, các doanh nghiệp phải đề xuất phương án bán vốn nhà nước xuống dưới 51% ngay từ đầu. Chính phủ có thể quyết ngay việc này hoặc không nhưng phía doanh nghiệp cần gửi thông điệp rõ ràng cho các nhà đầu tư, bất kể việc IPO lần đầu có thể bị ế.

Tiếp nhận ý kiến các doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, để đẩy mạnh tiến trình CPH, năm 2016, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn kêu gọi xúc tiến đầu tư vào các doanh nghiệp đã cổ phần hóa của ngành Công Thương.

Theo báo cáo, tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành và chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, tổng số vốn nhà nước còn nắm giữ ở 8 doanh nghiệp trên đạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Như vậy, trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Công Thương hoàn thành công tác sắp xếp, cổ phần hóa 15 DN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Trong đó số DN cổ phần hóa có nhà đầu tư chiến lược có 5 DN, chủ yếu là các Tập đoàn và các TCT.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM