Hòa Phát ở đâu trên đường đua thức ăn chăn nuôi?
Sẽ không quá lâu để kiểm chứng hiệu quả của những bước đi mới của Hòa Phát trên trận địa thức ăn chăn nuôi.
Để tiến công vào thị trường thức ăn chăn nuôi, tháng 2/2015, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất TACN có vốn điều lệ dự kiến 300 tỉ đồng.
Theo thông tin công bố tại chương trình Gặp mặt Nhà đầu tư quý 2 năm 2015, Hòa Phát cho biết, hiện tại công ty đã kinh doanh thương mại thức ăn chăn nuôi. Dự kiến mảng kinh doanh này góp khoảng 800 tỷ đồng doanh thu năm 2015.
Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát hiện đang được xây dựng, dự kiến đến quý 1 năm 2016 sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.
Cùng nhìn lại những điểm đáng chú ý về thị trường thức ăn chăn nuôi tương quan với những gì Hòa Phát đã làm được và chuẩn bị phải đối mặt:
* Quy mô thị trường
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam trị giá 6 tỷ USD (hơn 120.000 tỷ đồng).
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm. Hiện đạt quy mô khoảng 16 triệu tấn. Ước tính năm 2015 Việt Nam cần khoảng 18-20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Dự kiến, đến năm 2020, quy mô có thể đạt 25 - 26 triệu tấn.
Hòa Phát: Dự kiến mảng kinh doanh này đóng góp 800 tỷ đồng doanh thu năm 2015.
* Số nhà máy
Cả nước hiện có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó doanh nghiệp nội có số lượng nhà máy nhiều gấp 2 lần doanh nghiệp FDI.
+ 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước;
+ 59 nhà máy còn lại là các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp FDI (Số liệu từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi).
Hòa Phát: Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Hòa Phát hiện đang được xây dựng. Dự kiến đến quý 1 năm 2016 sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.
* Thị phần
Dù sở hữu ít nhà máy hơn nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến chiếm 60-65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra. Khối tư nhân và khối nhà nước chỉ chiếm 35-40% trong tổng sản lượng.
Doanh nghiệp chiếm thị phần cao nhất hiện nay là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,4%; kế tiếp là Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,11%; xếp sau lần lượt là các doanh nghiệp như Proconco (8%); Green Feed (5%); Anco (4%)... Như vậy, chỉ riêng hai công ty đầu ngành CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị trường thức ăn chăn nuôi của cả nước.
Tập đoàn Masan (MSN) cũng bắt đầu đầu tư mạnh vào thị trường này. Công ty này công bố đã mua 52% và 70% cổ phần của Công ty cổ phần Việt-Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco).
Hòa Phát: Nhà máy vẫn đang được xây dựng và công suất nhà máy đầu tiên vào khoảng 300.000 tấn/năm. Đặt thị phần mục tiêu sau 10 năm là 10%, với quy mô vốn đầu tư có thể lên đến 8.000-10.000 tỉ đồng.
* Nguồn nguyên liệu & quy trình sản xuất
Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia khi vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh hết sức bài bản tạo thành chuỗi khép kín từ nông trại đến bàn ăn (3F: Farm - Factory - Food).
Các doanh nghiệp trong nước phần lớn chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này.
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam được nhập khẩu phần lớn, khoảng 70%. Thị trường nhập khẩu chủ yếu có thể là Brazil, Argentina, Mỹ, Úc….
Hòa Phát: Hiện vẫn chưa sản xuất mà đang nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ, Brazil, Argentina... Việc làm theo quy trình đủ 3 khâu từ A-Z như C.P. vẫn là kỳ vọng của Hòa Phát.
---
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hòa Phát từng tự tin khẳng định: “Trong tương lai, lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi có thể đóng góp tới 30% lợi nhuận của Hòa Phát. Nếu làm tốt, 5 – 10 năm nữa, ngành này sẽ đóng góp vào doanh thu của Hòa Phát ngang ngửa với ngành thép”.
Theo kế hoạch, quý I năm 2016, sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát sẽ chính thức ra thị trường. Sẽ không quá lâu để kiểm chứng hiệu quả của những bước đi mới này của Hòa Phát.