Giao lộ 4 tầng đầu tiên của Việt Nam vừa chính thức thông xe
Việc chính thức thông xe hầm chui tại nút giao thông 4 tầng đầu tiên của Việt Nam là nút giao Thanh Xuân và nút giao Trung Hòa (Hà Nội) đã mở ra một tuyến đường mới, giảm ùn tắc cho người dân thủ đô.
8g sáng nay, 8/1, nút giao Thanh Xuân và Trung Hòa chính thức được mở cửa thông xe.
Ghi nhận của PV tại nút giao Thanh Xuân cho thấy, một không khí tấp nập, thông suốt và linh hoạt. Nếu như trước kia, ở thời cao điểm, đường tắc nghẽn, dòng người đổ về ùn ùn kéo dài hàng cây số thì hôm nay, một khung đường rộng thênh thang chính thức được mở ra.
Trên đường bộ, dưới hầm chui, trên đường vành đai ba, các phương tiện từ từ qua lại, không còn cảnh chen lấn, hậm hực và bực dọc trên khuôn mặt của mỗi người.
Tương tự, tại nút giao Trung Hòa, các phương tiện cũng bắt đầu được lưu thông qua hầm chui. Cả tuyến đường thông thoáng và linh hoạt hơn hẳn những ngày trước đó.
Có thể nói, đây là hai công trình góp phần quan trọng "gỡ" ùn tắc cho trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (một người dân sinh sống ở đường Trần Phú, Q.Hà Đông) kể lại, hai năm nay, mặc dù nhà ở Trần Phú, cách cơ quan làm việc ở Ngã Tư Sở khoảng 3-4km nhưng ngày nào anh Mạnh cũng phải đi từ 7 giờ để kịp 8 giờ làm việc.
Sở dĩ phải đi sớm trước một tiếng là do nút giao thông từ đường Trần Phú - Nguyễn Trãi liên tục ách tắc, khó di chuyển.
"Từ giờ có thêm đường hầm chui, đi rộng thênh thang, không còn nỗi lo tắc đường mỗi sáng sớm đi làm nữa. Tôi sẽ tiết kiệm được 30 phút để thay vợ đưa con đến trường", anh Mạnh phấn khởi nói.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đây là 2 công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, hai hầm chui này có khả năng chịu tác động của động đất cấp 7.
Việc thông xe và đưa vào khai thác nút giao Trung Hòa, nút giao Thanh Xuân sẽ góp phần vào việc giao thông thuận tiện, phù hợp với Kế hoạch Tổng thể của thành phố Hà Nội 2020.
Đồng thời, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc giao thông góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về ách tắc giao thông đô thị...
Được biết, gói thầu xây dựng hầm nút giao Thanh Xuân được tổ chức động thổ xây dựng vào ngày 28/6/2014 với tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội.
Ban Quản lý dự án Thăng Long là chủ đầu tư của dự án; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng Hanshin là nhà thầu dự án với thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng.
Còn dự án nút giao Trung Hòa được động thổ xây dựng vào ngày 18/1/2015 với thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng.
Nút giao Trung Hòa có quy mô đường phố chính chủ yếu, 6 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 60km/h. Phần đường gom hai bên Đại lộ Thăng long và đường Khuất Duy Tiến, tốc độ thiết kế 60km/h, các nhánh nút giao rẽ phải gồm 2-3 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 40km/h....
Toàn cảnh nút giao thông 4 tầng thông thoáng vào giờ cao điểm khác so với những ngày trước đây
Trao đổi với báo giới, ông Phạm Anh Tú, Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết khi 2 hầm chui được thông xe sẽ giảm tải lưu lượng giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Đại lộ Thăng Long,...
"Chúng tôi hoàn thành dự án hầm chui Thanh Xuân (nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến) đúng tiến độ đề ra. Còn hầm chui Trung Hòa (đường Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long) hoàn thành trước thời hạn gần 7 tháng", ông Tú chia sẻ.