Fed nâng lãi suất và câu hỏi 9.000 tỷ USD

15/02/2015 11:15 AM | Kinh doanh

Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), đó là số tiền mà những người đi vay ở bên ngoài nước Mỹ đang vay nợ kể từ khủng hoảng tài chính.

Nội dung nổi bật:

- 9.000 tỷ USD là số tiền mà những người đi vay ở bên ngoài nước Mỹ đi vay kể từ khủng hoảng tài chính.

- Fed nâng lãi suất sẽ có tác động mạnh đến dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi

- Các nước phát triển như Canada và Australia cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi phụ thuộc quá nhiều vào giá hàng hóa


Khi các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 nhóm họp trong tuần này để hối thúc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tối thiểu hóa những tác động tiêu cực từ động thái nâng lãi suất, họ đã bỏ qua một con số quan trọng: 9.000 tỷ USD.

Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), đó là số tiền mà những người đi vay ở bên ngoài nước Mỹ đang vay nợ bên ngoài hệ thống ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính. Nếu Fed thực hiện nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ 2006 như dự báo, chi phí đi vay mà các công ty và chính phủ phải chịu tăng lên cùng với đồng USD mạnh sẽ tạo thêm nhiều rủi ro cho đà hồi phục vốn đã mong manh của kinh tế toàn cầu.

Các khoản nợ bằng USD là một ví dụ cho thấy Fed thắt chặt chính sách sẽ tác động như thế nào đến kinh tế toàn cầu. Từ thị trường nhà đất ở Canada và Hồng Kông đến dòng vốn đổ vào và chảy ra khỏi Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều đang nín thở trước câu hỏi điều gì sẽ xảy ra và tác động sẽ lan tỏa đến đâu.

“Trên toàn cầu, thanh khoản sẽ bắt đầu thắt chặt”, Paul Sheard - chuyên gia kinh tế trưởng của Standard & Poor’s – nhận định. “Các thị trường mới nổi không phải là câu hỏi duy nhất. Kinh tế Mỹ ngày càng mạnh và lãi suất tăng lên sẽ khiến dòng vốn đang tìm kiếm cơ hội ở các thị trường nước ngoài quay lại với Mỹ”.

Kể từ tháng 6, đồng USD đã tăng 12,3% và được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa vì Fed thắt chặt chính sách trong khi ECB bây giờ mới bắt đầu mua nợ và Nhật Bản mở rộng gói kích thích.

Joseph Lupton, chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase, cũng cho rằng đồng bạc xanh mạnh lên sẽ chỉ báo rõ ràng nhất thể hiện các hiệu ứng từ chính sách tiền tệ của Fed.

“Các nền kinh tế phát triển như châu Âu và Nhật Bản sẽ đón nhận những tác động tích cực vì đồng nội tệ của họ giảm giá. Còn đối với các nền kinh tế mới nổi, kịch bản khác biệt đôi chút vì đồng tiền của họ sẽ biến động rất mạnh, đi kèm với đó là lạm phát”.

Thị trường mới nổi

Kể từ ngày 5/2 đến nay, chỉ số MSCI Emerging Markets Index đo lường diễn biến của các thị trường mới nổi đã giảm khoảng 1%. 5/2 là ngày ngay trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy số việc làm mới tạo ra trong tháng 1 cao hơn ước tính, khiến thị trường đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 tới.

Hầu hết lãnh đạo của các NHTW trên thế giới đều dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Lãi suất cơ bản của Mỹ đã ở mức gần 0 suốt từ tháng 12/2008 đến nay. Theo khảo sát của Bloomberg, giới phân tích nhận định có 23% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 6.

Một nghiên cứu về các khoản nợ niêm yết bằng đồng USD được thực hiện bởi BIS cho thấy người đi vay ở nước ngoài đã tăng phát hành nợ bằng USD ở những nước có lãi suất cao hơn Mỹ. Với lợi suất trái phiếu Mỹ ở mức thấp kỷ lục trong mấy năm qua, khoản chênh lệch khiến vay bằng USD có lợi hơn nhiều so với vay bằng nội tệ.

Trung Quốc là nước đi vay nhiều nhất với con số 1.100 tỷ USD. Tổng dư nợ bằng USD ở Brazil là hơn 300 tỷ USD, theo số liệu của BIS. Khi lãi suất ở Mỹ tăng lên, chi phí đi vay bằng USD cũng tăng theo. Đồng USD tăng cũng có nghĩa là các công ty và chính phủ cần nhiều nội tệ hơn để hoàn trả các khoản nợ nếu họ không có đủ nguồn thu ngoại tệ.

Fed thắt chặt chính sách là vấn đề có nhiều tác động đến kinh tế Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách nước này đang cố gắng đang phải chiến đấu với dòng vốn tháo chạy và các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ với mục đích thúc đẩy tăng trưởng có thể làm vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ khác. Dòng chảy vốn sẽ phức tạp hơn nhiều nếu Fed nâng lãi suất. Một báo cáo được IMF công bố hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy dòng vốn ròng chảy vào Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 9% GDP năm 2013.

Giá hàng hóa

Không phải tất cả các thị trường phát triển đều miễn nhiễm với chính sách của Fed. Điều này đặc biệt đúng với Canada và Australia - những nước phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, quặng sắt và các hàng hóa khác.

Hồng Kông - vốn có đồng nội tệ neo vào USD kể từ năm 1983 đến nay - được dự báo sẽ chứng kiến giá bất động sản lao dốc tới 20% trong năm nay với triển vọng thị trường cho thuê ảm đạm.

Từ năm 2004 đến 2006, Fed đã nâng lãi suất cơ bản từ 1% lên 5,25%. Trong suốt thời kỳ này, lợi suất trái phiếu do các doanh nghiệp Mỹ phát hành đã tăng từ mức thấp kỷ lục 4,9% lên 6,9% trong tháng 6/2006.

>> Chủ tịch FED có bao nhiêu tiền?

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM