Facebook, Google và Trận chiến miền quê Ấn Độ

17/12/2015 11:01 AM | Kinh doanh

Hai tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới là Google và Facebook đang cạnh tranh trong việc phổ biến Internet tại những vùng quê Ấn Độ.

Ngày 16/12/2015, CEO Sundar Pichai của Google có chuyến thăm đầu tiên New Delhi với tư cách nhà lãnh đạo tập đoàn. Tại đây, ông Pichai đã có bài phát biểu cho thấy Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm mở rộng kinh doanh của Google trong những năm tới.

“Trong vòng 3 năm tới, chúng tôi sẽ giúp hơn 300.000 người tại vùng quê Ấn Độ có thể lên mạng trực tuyến”, ông Pichai nói.

Động thái này của Google hiện đang vấp phải sự cạnh tranh ác liệt từ đối thủ Facebook trên thị trường Internet. Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tiềm năng lớn nhất trên thế giới.

Hai tập đoàn lớn này đang cạnh tranh lẫn nhau nhằm gia tăng số người sử dụng Internet cũng như dịch vụ của công ty mình, qua đó nâng doanh thu tại Ấn Độ. Nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á đang có nhiều ưu đãi cho các tập đoàn quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đây là cơ hội tốt chưa từng có cho cả Google lẫn Facebook.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu một công ty muốn thúc đẩy doanh thu cũng như tăng trưởng, việc đầu tư vào các thị trường mới là một yếu tố vô cùng quan trọng. Chủ tịch Ravi Gururaj của Nasscom thậm chí cho rằng nếu các công ty muốn có tốc độ tăng trưởng 30-40% thì việc đầu tư vào các thị trường như Ấn Độ là một quyết định hợp lý.

Ấn Độ là một trong những thị trường sơ khai về công nghệ và khá mở cửa. Hơn nữa, nền kinh tế đang phát triển cùng mức sống ngày càng cao khiến những công ty tại đây kinh doanh tốt hơn. Lợi suất đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động tại Ấn Độ khá cao và đây là một trong những nguyên nhân thu hút nhiều tập đoàn quốc tế.

Chính quyền New Delhi ước tính sẽ có khoảng 426 triệu người sử dụng mạng Internet tại nước này tính đến tháng 6/2016, vượt qua Mỹ và đứng thứ 2 trên thế giới.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường Ấn Độ là rất lớn khi số người sử dụng Internet tại đây chỉ chiếm 20% tổng dân số 1,2 tỷ người.


Số người dùng Internet tại Ấn Độ (triệu người)

Số người dùng Internet tại Ấn Độ (triệu người)

Vùng quê Ấn Độ

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế đã cố gắng thu hút người dùng tại Ấn Độ cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền New Delhi.

Cả CEO Mark Zuckerberg của Facebook và CEO Prichai của Google đều đã đến thăm Ấn Độ cũng như thảo luận với Thủ tướng Narendra Modi về kế hoạch phát triển kinh doanh. Thậm chí, nhà sáng lập Zuckerberg đã chiêu đãi ông Modi tại trụ sở của Facebook ở Thung lũng Silicon.

Trong khi đó, CEO Prichai dự định sẽ có cuộc gặp nữa với ngài thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm hiện nay. Trước đó, ông Prichai đã tiếp xúc với Thủ tướng Modi tại Thung lũng Silicon trong cuộc viếng thăm tháng 9/2015.

Theo những tuyên bố mới đây, Goole sẽ cho ra mắt sản phẩm dịch online mới nhằm thỏa mãn nhu cầu của đối tượng khách hàng không biết tiếng Anh ở Ấn Độ. Quốc gia Châu Á này có khá nhiều loại ngôn ngữ như tiếng Hindu, Tamil, qua đó gây khó khăn cho việc giao tiếp.

Ngoài ra, hãng cũng đang lên kế hoạch hợp tác với chính quyền New Delhi để phát triển dự án thả bóng bay có lắp trạm thu phát Internet nhằm hướng tới các khách hàng vùng nông thôn.

Đến năm 2018, Google ước tính sẽ có hơn 500 triệu người sử dụng Internet tại Ấn Độ với khoảng 23 loại ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù vậy, khoảng 30% số người dùng Internet tại đây đến năm 2020 vẫn chỉ có thể dùng công nghệ 2G. Rõ ràng, trận chiến giữa Google và Facebook vẫn còn rất dài tại Ấn Độ.

Không chịu kém cạnh Google, Facebook cũng đang đẩy mạnh các dịch vụ truy cập Internet miễn phí tại Ấn Độ.

Hiện Facebook đang triển khai các dịch vụ Internet trên toàn thế giới và Ấn Độ là một thị trường không thể bỏ lỡ. Đặc biệt, thị trường nông thôn Ấn Độ đang cự kỳ thu hút hai tập đoàn công nghệ trên với số lượng lớn khách hàng chưa từng được tiếp xúc với Internet.

Cũng như Google, Facebook hiện đang đầu tư cho thị trường Ấn Độ với việc phát triển 11 loại ngôn ngữ địa phương trên trang mạng xã hội này. Bên cạnh đó, hãng cũng phát triển ứng dụng dịch giữa các ngôn ngữ này nhằm tạo sự tiện lợi khi giao tiếp cho khách hàng.

CEO Zuckerberg đã từng tuyên bố hãng sẽ giúp hàng tỷ người dùng tại các nước mới nổi tiếp cận được với Internet.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động xã hội lại cho rằng hành động này của Facebook cũng như Google có thể vi phạm tinh thần tự do của Internet.

Hiện vẫn còn quá sớm để xác định tập đoàn nào sẽ giành chiến thắng trong trận chiến ở Ấn Độ, đặc biệt là khi quốc gia này thiếu sự phát triển trong cơ sở hạ tầng Internet. Tuy nhiên, một cuộc chiến khốc liệt giữa hai ông lớn là điều không thể tránh khỏi và người được lợi nhất có lẽ là người tiêu dùng Ấn Độ.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM