Đường đi 'thông minh' của hàng Thái vào Việt Nam

09/07/2013 10:20 AM | Kinh doanh

Bằng nhiều cách, hàng hóa Thái Lan đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và trong tương lai không xa có thể là một thách thức lớn cho hàng Việt.

Trong quan hệ buôn bán với Thái Lan, Việt Nam ở vị thế nhập siêu khá lớn, năm 2012 lên đến 3,1 tỷ USD, bằng 114,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan. Đằng sau những con số này là nghệ thuật bán hàng, sự linh hoạt của doanh nhân Thái và cả sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan thương mại Thái.

Đường đi của hàng

Thái Lan là quốc gia có kim ngạch hàng hóa nhập khẩu lớn thứ 7, chiếm gần 5,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Thái, có 14 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là xăng dầu, tiếp đến là máy móc, thiết bị, phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu, hàng điện tử và linh kiện, linh kiện ôtô, xe máy, hóa chất…

Trong một nghiên cứu về tiêu dùng hàng Thái tại Việt Nam, TS. Siwarit Pongsakornrungsilp, Trường Đại học Walailak (Thái Lan) cho biết, hàng loạt thương hiệu Thái đã xây dựng được uy tín và chiếm thị phần đáng kể tại Việt Nam, như: nước uống tăng lực Red Bull, đồ lót nam Rosso, mỹ phẩm BSC, thực phẩm đóng hộp Ba cô gái, bột giặt Pao, nước trái cây Malee.

Yếu tố chính để người tiêu dùng Việt ưa thích hàng Thái là giá mềm, chỉ cao hơn các sản phẩm địa phương 10 – 20%; nghĩa là rẻ hơn một nửa so với hàng hóa xuất xứ từ phương Tây mà chất lượng không thua kém là mấy. Điều này giải thích vì sao hàng Thái Lan có mặt ở mọi ngóc ngách, từ thành thị đến nông thôn, từ kênh bán hàng truyền thống đến hiện đại tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Phượng, Giám đốc Công ty Thương mại Việt Tú chuyên phân phối hàng Thái Lan, cho biết, chính sự linh hoạt của các doanh nhân Thái đóng vai trò chính để hàng Thái tiếp cận được người tiêu dùng Việt Nam.

Họ rất biết “lấy lòng” các nhà phân phối lớn Việt Nam, hỗ trợ nhà phân phối rất mạnh về tiếp thị, quảng bá và chính sách bán hàng khá uyển chuyển. 

Các doanh nghiệp Thái cũng tận dụng rất tốt kênh thương mại điện tử. Chỉ cần liên lạc qua mạng, các doanh nghiệp Thái sẽ đáp ứng đầy đủ đơn hàng. 

Nếu đặt số lượng lớn, chỉ trong thời gian ngắn, hàng sẽ được chuyển đến bằng đường hàng không.

“Song kiếm hợp bích”

Song song đó, doanh nghiệp Thái nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ các cơ quan thương mại trong nước và thương vụ đại sứ quán cũng như các lãnh sự quán của họ ở Việt Nam.

Các cơ quan này đã làm cầu nối, trung gian giữa các doanh nghiệp Thái và doanh nghiệp nước sở tại; tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng, cách thức tiếp cận thị trường Việt Nam cho doanh nghiệp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp mang hàng xuất khẩu đi chào bán, triển lãm ở các hội chợ.

Đơn cử, hội chợ bán lẻ hàng Thái đã được tổ chức hàng năm suốt 12 năm qua tại Hà Nội, TP.HCM vẫn được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Theo TS. Siwarit Pongsakornrungsilp, các doanh nghiệp Thái thông qua hội chợ này để hiểu về khuynh hướng tiêu dùng của người Việt, qua đó thiết lập chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn.

Tính chất đoàn kết của doanh nghiệp Thái Lan cũng là đặc điểm nổi bật. Theo ông Mongkol Banthrarungroj, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Thai Corp International cho hay, trong năm nay, công ty của ông sẽ hoạch định hệ thống cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam với mục đích tạo kênh phân phối hàng hóa Thái với 70% danh mục sản phẩm. 

Công ty còn làm cầu nối giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thai Corp International đang là đối tác của Royal Foods tại Việt Nam. Royal Foods đã lập nhà máy sản xuất cá hộp ở tỉnh Tiền Giang từ năm 2007.

Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam, một khi thuế nhập khẩu được giảm theo cam kết WTO đối với các nước trong khu vực ASEAN nói chung và Thái Lan nói riêng thì hàng Thái sẽ là một thách thức lớn cho hàng Việt.

Lấp đầy khoảng trống

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa mấy khởi sắc, nhưng các nhà đầu tư Thái Lan vẫn lạc quan với triển vọng đầu tư.

Ông Chalokeporn Phalajivin, Tổng Giám đốc Công ty Vina Kraft Paper (một công ty con của SCG Group) cho biết, SCG đã bơm 600 triệu baht mở rộng nhà máy Vina Kraft để tăng năng lực sản xuất từ 220 ngàn tấn lên đến 250 ngàn tấn giấy/năm. Tập đoàn SCG đang có 17 công ty hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực bao bì, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân phối với tổng tài sản là 11 tỷ baht.

Đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993, cái tên CP – một công ty hàng đầu về cung cấp thức ăn gia súc, nuôi gia cầm và chế biến thực phẩm đang dần lớn mạnh. Ông Sooksan Jiumjaiswanglert, Phó Giám đốc CP Việt Nam, cho rằng, tuy nhiều nhà đầu tư đang nhìn về thị trường mới nổi là Myanmar, nhưng CP vẫn xem Việt Nam là một thị trường chủ chốt để làm bàn đạp mở rộng đầu tư sang Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Gần đây, gây xôn xao trong giới đầu tư tài chính là việc Nawaplastic Industry (Thái Lan) công bố mua thêm 800.000 cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP), nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên 23,84%, đồng thời nắm giữ 20,4% cổ phần của Nhựa Tiền Phong (NTP). Nawaplastic Industry cũng đã đưa được người vào hội đồng quản trị và ban kiểm soát tại hai công ty này.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng, Nawaplastic Industry sẽ mượn hệ thống phân phối của Bình Minh và Tiền Phong để đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam và sau đó bằng tiềm lực về tài chính, có thể thu gom cổ phiếu để chiếm quyền kiểm soát như trường hợp đối với Công ty Bánh kẹo Bibica ở Đồng Nai. Nếu điều này thành hiện thực thì các công ty Thái tỏ ra quá rành luật chơi đến mức đáng ngại!


Theo Minh Phương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM