Dự án tỷ đô trên đất vàng TPHCM thành bãi gửi xe, nuôi gà
Hai dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc hàng lớn nhất thành phố được cấp phép cho Công ty Berjaya Land Berhad từ năm 2008 thế nhưng, sau 9 năm hai dự án này trở nên hoang tàn dù đất đã được giao.
Công ty Berjaya Land Berhad (thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysia) là chủ đầu tư hai Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) và Dự án Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam (VFC) . Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại cả hai siêu dự án trên vẫn “án binh bất động”!
Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 1/7/2008, với quy mô diện tích 925 ha và tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD.
Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, ngoài các trường đại học, Khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.
Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, bao gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 héc-ta phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…
Chúng tôi vừa có chuyến thực tế tại Dự án VIUT. Từ trung tâm TP.HCM, theo Quốc lộ 22 gần 20 km chúng tôi mới tới xã Tân Thới Nhì, nhưng phải rất khó khăn mới có một người dân chỉ đúng đường đến nơi đặt dự án tại ấp Nhị Tân 2.
Khi vào đến “địa bàn” dự án, chúng tôi thật sự… té ngửa với những gì thấy trước mắt. Bốn bề là đồng không mông quạnh, lác đác vài ba ngôi nhà tạm bợ của những hộ dân chưa di dời khỏi vị trí quy hoạch.
Do đất bỏ hoang nhiều năm liền, người dân quay trở lại dựng lều sống tạm và thả rông trâu bò, gà vịt... Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam vẫn mãi là bãi đất hoang!
Một bảo vệ ban quản lý Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam cho biết hiện chỉ mới đền bù phần đất 116ha thuộc quản lý của quân đội trước đây, phần còn lại thì chưa.
Cầu Nhị Xuân nối từ đường Đặng Công Bỉnh, phường Tân Thới Nhì vào khu quy hoạch Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam bị hỏng đã lâu, rào chắn cấm các phương tiện qua lại
Nhiều căn nhà như thế này vẫn đang tồn tại bên trong khu đất xây dựng Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam . Người dân đã di dời từ lâu, nhưng đến nay khu đất này vẫn rất lãng phí vì dự án chưa thành hình.
Một căn nhà bỏ hoang khác trên đường Thanh Niên, dọc kênh An Hạ xã Xuân Thới Sơn, thuộc quy hoạch Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam.
Cũng giống như nhiều dự án khu dân cư bỏ hoang khác trên địa bàn TP.HCM, bên trong Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam là vùng đất rất lý tưởng cho việc chăn thả trâu bò vì nguồn cỏ xanh tốt quanh năm.
Bà Nguyễn Thị Hảo, chủ căn chòi cho biết đã sống ở đây 20 năm. Trước khi quy hoạch Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam , toàn bộ khu vực rộng lớn này được người dân canh tác nông nghiệp, chủ yếu là xoài cát, mía, mì.
Từ ngày vướng quy hoạch, cư dân tản mác. Thời gian đầu người ở thành phố còn mướn nhân công coi đất, làm vườn, sau cũng bỏ luôn. Nước phèn và sâu bọ phá hư hết cây cối chỉ còn tràm và cỏ dại sinh sống.
Con đường mòn hạy dọc Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam này trở thành cung đường lý tưởng để cánh buôn thuốc lậu mặc sức rồ ga, tăng tốc, bụi bay mù mịt.
Cảnh tượng tại Dự án Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam (VFC) với tổng mức đầu tư lên tới 930 triệu USD cũng không khá hơn là mấy. Dù trấn giữ tại vị trí rất thuận lợi là giữa 3 tuyến đường 3/2 – Lê Hồng Phong – Cao Thắng nối dài tại phường 12, quận 10, nhưng sau nhiều năm, toàn bộ diện tích rộng khoảng 8 ha của Dự án lại được phủ kín bởi các dịch vụ trông giữ xe máy, xe ô tô ngày/đêm, rửa xe. Phía trong là các dịch vụ khác như sân tennis, tổ hợp khách sạn Kỳ Hòa…
Thậm chí nếu "lọt" sâu vào bên trong một vài tòa nhà hiện hữu, chúng tôi còn chứng kiến được hình ảnh một vài người dân tận dụng làm chuồng nuôi gà, kinh doanh gà đá.
Đứng trên cao từ các nhà ở phía đối diện, có thể thấy toàn cảnh khu đất của dự án hoang tàn. Một bảo vệ ở đây cho biết có thời điểm, chính quyền địa phương thông báo dẹp các sân thể thao để trả lại đất cho nhà đầu tư, nhưng sau đó dường như mọi chuyện lại như cũ. Tấm bảng giới thiệu dự án ở phía đường Lê Hồng Phong sau nhiều năm phơi nắng mưa đã không còn nữa.
Theo quy hoạch, dự án VFC bao gồm 3 cao ốc với độ cao 48 tầng, một cao ốc làm khách sạn quốc tế 5 sao với 48 tầng. Nay dự án này thành chỗ giữ các loại xe 24/24 giờ.
Một góc bên trong tòa nhà trước đây là trường mầm non diểm của thành phố. Mặt bằng đã giao cho nhà đầu tư Dự án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, nhưng gần 9 năm trời vẫn không động tĩnh gì.
Bên trong những tòa nhà bề thế là đầy chuồng gà của người dân.
Một góc dự án trung tâm tài chính quốc tế nhìn từ trên cao.
Nằm ngay một vị trí đắc địa của thành phố, nhưng khu đất này gần 10 năm nay bỏ không rất lãng phí.
Vì Dự án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam treo nên trường học, nhà văn hóa thành nhà giữ xe công cộng, vô cùng lãng phí. Bên cạnh đó là rất nhiều nhà hàng, quán cà phê sân vườn.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng vừa chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện phải tiến hành xử lý xóa các dự án treo địa bàn. Theo đó, Thành phố sẽ rà soát lại quỹ đất, chỗ nào sử dụng không hiệu quả, số tiền thu được từ giao đất, cho thuê đất thấp thì thu hồi lại để chuyển đổi công năng...