Doanh nghiệp kín tiếng bán phụ gia làm bánh cho Kido, Tous Les Jours Việt Nam là ai?

20/11/2015 08:32 AM | Kinh doanh

Công ty này cung cấp khoảng 100 loại phụ gia làm bánh mì, bánh ngọt, socola, cacao cho các đối tác Việt Nam từ tiệm bánh, dịch vụ thực phẩm, siêu thị đến khách hàng công nghiệp, bán công nghiệp.

Thực phẩm tăng tốc, phụ gia bỏ ngỏ

Thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện đã thúc đẩy ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm ở Việt Nam tăng trưởng bất chấp khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây.

Theo ước tính của BMI trong báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kép của tiêu thụ thực phẩm (food consumption) Việt Nam giai đoạn 2012-2017 là 9,43%.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kép doanh thu thực phẩm đóng hộp là 5,17%, bánh kẹo là 4,65%. Đối với đồ uống, tốc độ tăng trưởng kép doanh thu cà phê là 8,47%, đồ uống có gas 6,96%.

Một khảo sát của công ty UBM Asia cũng công bố tốc độ tăng trưởng của ngành thực phẩm tại Việt Nam trong 5 năm tới còn lên tới 52%/năm, đặc biệt ngành hàng đồ uống còn đạt mức tăng trưởng cao nhất là 150%.

Ngành thực phẩm tăng trưởng tất yếu kéo theo sự tăng tốc của ngành phụ gia thực phẩm. “Sản lượng tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu với phụ gia thực phẩm cũng tăng theo”, bà Đặng Thị Phương Ninh, phó tổng giám độc công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết.

Mỗi năm Vissan tăng chi phí cho mặt hàng này từ 8-10%, năm 20014 công ty dành hơn 200 tỷ đồng chi cho phụ gia thực phẩm.

Tuy nhiên một thực tế hiện nay mặc dù là hợp phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nhưng ngành này chưa phát triển tại Việt Nam, gần như 100% các loại phụ gia chế biến thực phẩm tại Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài.

Chiếc bánh lớn của riêng doanh nghiệp ngoại

Phụ gia thực phẩm được xem là một lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và hiện đang khá yếu như các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp này như hỗ trợ ô tô, xe máy. Chính vì vậy đây là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp ngoại vốn có tiềm lực và kinh nghiệm khai thác.

Hiện việc cung ứng chủ yếu chất phụ gia trên thị trường Việt Nam được đảm nhận bởi một doanh nghiệp đến từ Bỉ, có tên Puratos Grand-Place Vietnam.

Công ty này cung cấp khoảng 100 loại phụ gia làm bánh mì, bánh ngọt, socola, cacao cho các đối tác Việt Nam từ tiệm bánh, dịch vụ thực phẩm, siêu thị đến khách hàng công nghiệp, bán công nghiệp. Trong đó có cả những tên tuổi lớn như Metro, Lotte, Kido, chuỗi cửa hàng bánh ngọt Tous Les Jours.

Puratos Grand-Place Vietnam là công ty liên doanh giữa Puratos Vietnam và Grand-Place Vietnam, hai công ty này được thành lập tại Bỉ và đầu tư vào Việt Nam khoảng năm 2004. Grand-Place được thành lập năm 1985 tại Bỉ đến năm 1994 mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và bắt đầu sản xuất socola trên quy mô nhỏ từ năm 1997.

Năm 2001, Grand-Place đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam và hợp tác trồng ca cao cùng nông dân Việt Nam từ năm 2008. Năm 2011, công ty này cho ra mắt sản phẩm socola cao cấp có nguồn gốc Việt Nam đầu tiên trên thế giới có tên Single Origin Vietnam. Từ năm 2012, Grand-Place liên doanh cùng Puratos Group tại Việt Nam.


Một sản phẩm phụ gia của Puratos Grand-Place Vietnam.

Một sản phẩm phụ gia của Puratos Grand-Place Vietnam.

Lại nói về Puratos, đây là tập đoàn có lịch sử gần 100 năm chuyên sản xuất phụ gia bánh mỳ, thực phẩm. Những năm 1970, tập đoàn này mở rộng ra thế giới bằng việc đặt chi nhánh tại Anh, Mexico, Argentina, Peru, Canada và Mỹ.

Sang thập niên 80, Puratos cũng lấn sân sang sản xuất socola với thương hiệu Belcolade. Tại Việt Nam, việc liên doanh vào năm 2012 với Grand-Place Việt Nam, từ hoạt động sản xuất socola ban đầu, đơn vị liên doanh này bắt đầu tham gia vào thị trường phụ gia, cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp sản xuất bánh mỳ, kem và các nhà hàng trong việc sản xuất và bảo quản sản phẩm.

Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp ngoại này, mặc dù mới gia nhập 3 năm nhưng công ty không gặp đối thủ nào trên thị trường phụ gia. Puratos Grand-Place Vietnam kỳ vọng từ mức chỉ đóng góp 3% doanh thu như hiện nay, mảng phụ gia sẽ đóng góp 30% đến năm 2030 cũng như đạt tăng trưởng khoảng 50% mỗi năm.

Một nguyên nhân khiến thị trường tiềm năng này hầu như chưa có sự tham gia của doanh nghiệp nội nào bởi yêu cầu đầu tư công nghệ cao cũng như kinh nghiệm sản xuất.

Theo chia sẻ của phó tổng giám đốc Vissan thì việc nhập khẩu các chất phụ gia là bất đắc dĩ vì không tìm được nhà cung ứng nào ở thị trường nội địa, nếu có cũng là các đại lý nhập khẩu và phân phối lại.

Hiện nhiều doanh nghiệp phụ gia nước ngoài thấy rõ tiềm năng phát triển và muốn tham gia đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tham gia sân chơi cho doanh nghiệp Việt bằng con liên doanh liên kết, học hỏi kinh nghiệm và từ đó phát triển lên.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM