Đây là lý do Jack Ma không công nhận Alibaba là một đế chế

19/11/2015 10:56 AM | Kinh doanh

“Một đế chế thì phải cướp đoạt và chinh phục. Họ phải liên tục tiến về phía trước và chiến đấu hết mình. Đã có bao nhiêu đế chế trong lịch sử cuối cùng có được một kết quả tốt đẹp?”, ông Jack Ma nói.

Trong 2 năm qua, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã liên tục mở rộng và sáp nhập với nhiều công ty trong các lĩnh vực khác nhau với chi phí không hề thấp.

Theo hãng cung cấp số liệu Dealogic, Alibaba đã thực hiện 47 thương vụ sáp nhập từ năm 2014 với tổng giá trị lên đến 23,9 tỷ USD. Con số này gần tương đương với số vốn 25 tỷ USD mà tập đoàn thu được sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 1 năm trước.

Một số nhà đầu tư hiện đang lo lắng Chủ tịch Jack Ma đang xây dựng một đế chế kinh doanh trên quá nhiều lĩnh vực khác nhau và có thể không phù hợp với quan điểm của nhiều chuyên gia Phố Wall.

Điều này được thể hiện rõ qua giá cổ phiếu của công ty, dù đã tăng trong vài tuần gần đây nhưng vẫn thấp hơn 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia cho rằng việc nhà đầu tư lo lắng về chiến lược kinh doanh của Alibaba cũng như tình hình kinh tế Trung Quốc giảm tốc là nguyên nhân chính cho tình hình trên.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal nhận định việc đánh giá chiến lược mở rộng và sáp nhập của Alibaba có hiệu quả hay không vào lúc này là còn quá sớm.

Cả 3 thương vụ mua lại lớn nhất của công ty từ đầu năm đến nay đều hỗ trợ Alibaba cạnh tranh với các đối thủ chính trên thị trường cũng như mở rộng danh mục đầu tư tại mảng thương mại điện tử, dịch vụ lưu chuyển và phân phối hàng hóa cũng như lĩnh vực điện thoại di động.

Trong tháng 2/2015, Alibaba đã đầu tư 590 triệu USD vào Meizu Technology, một thương hiệu điện thoại di động lớn tại Trung Quốc nhằm gia tăng vị thế trong mảng kinh doanh này trước đối thủ Xiaomi.

Tiếp đó vào tháng 8/2015, Alibaba đầu tư 4,5 tỷ USD để mua 20% cổ phần tập đoàn Suning Commerce Group, một trong những đối thủ lớn nhất của Alibaba trong ngành thương mại điện tử. Đổi lại, Suning Commerce Group sẽ gia nhập mạng lưới phân phối và lưu chuyển hàng hóa của Alibaba, khiến tập đoàn của Jack Ma được gia tăng lợi thế khi cạnh tranh với JD.com, đối thủ lớn nhất của hãng.

Vào tháng 10/2015, Alibaba đề nghị mua lại 4/5 cổ phần của Youku Tudou với giá 4,6 tỷ USD. Trang website được mệnh danh là “Youtube của Trung Quốc” này có 500 triệu lượt người xem hàng tháng và có thể giúp mảng thương mại điện tử của Alibaba cạnh tranh tốt hơn với một đối thủ khác là Tencent Holdings.

Thông qua những vụ sáp nhập và mua lại trên, Alibaba có thể thiết lập một kho số liệu người sử dụng đã từng giao dịch qua các trang thương mại điện tử hay hệ thống thanh toán của hãng. Thậm chí, những người đăng ký xem video trên Youku Todou hoặc sử dụng ứng dụng trò chuyện thông dụng Weibo (Alibaba có cổ phần trong đó) cũng có thể được thu thập thông tin bởi công ty.

Với một dữ liệu lớn như vậy, Alibaba có thể xác định xem một người có đủ tiêu chuẩn để vay vốn từ Ant Financial Services Group, một công ty tài chính của tập đoàn, hay không. Hiện nay, những quy định về quyền riêng tư tại Trung Quốc vẫn còn thiếu chặt chẽ nên Alibaba hoàn toàn có thể làm được điều này.

Ngoài ra, khoản đầu tư vào Weibo và Youku Tudou sẽ giúp gia tăng lưu lượng người sử dụng dịch vụ của hãng hơn trước đối thủ Tencent. Ứng dụng Wechat của Tencent hiện có khoảng 650 triệu người sử dụng hàng tháng và đang là mối lo ngại tiềm tàng của Alibaba.

Trước những động thái mở rộng của Alibaba, các đối thủ cũng không kém cạnh khi Tencent đã thực hiện 67 thương vụ mua lại với tổng trị giá 16,9 tỷ USD trong 2 năm qua.

Quản lý danh mục đầu tư Haitao Dong của Everbright Asset Management nhận định hầu hết những thương vụ mua bán và sáp nhập trên là nhằm đề phòng đối thủ cạnh tranh tiềm năng mới sẽ xuất hiện trong tương lai.

Tập đoàn Alibaba và nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang tìm kiếm những cơ hội trong ngành thương mại điện tử, truyền thông, giải trí và các dịch vụ tài chính trong nước bởi những ngành này chưa được phát triển mạnh như tại Mỹ và còn có nhiều tiềm năng.

Rõ ràng, Chủ tịch Jack Ma và những ông chủ lớn khác đang tích cực mở rộng đế chế kinh doanh của mình khi còn có thể. Luật chống độc quyền tại Trung Quốc còn khá mới mẻ và chủ yếu tập trung vào các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng tình trạng này sẽ không thể kéo dài mãi.

Hiện nhiều chuyên gia trong ngành công nghệ Trung Quốc đặt nghi vấn về việc liệu Alibaba có đủ khả năng “hấp thu” nhiều doanh nghiệp và đội ngũ lao động mới trên hay không.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Weibo và Momo, một ứng dụng hẹn hò của Alibaba, không được tốt như kỳ vọng.

Mặc dù liên tục mở rộng, Chủ tịch Jack Ma trong một cuộc phòng vấn gần đây lại phủ nhận việc Alibaba đang xây dựng một “đế chế” trong ngành công nghệ.

“Một đế chế thì phải cướp đoạt và chinh phục. Họ phải liên tục tiến về phía trước và chiến đấu hết mình. Đã có bao nhiêu đế chế trong lịch sử cuối cùng có được một kết quả tốt đẹp?”, ông Jack Ma nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM