Cưỡi máy bay 'zin' từ xưởng Airbus về Việt Nam

05/11/2013 10:32 AM | Kinh doanh

Đoàn bay từ Toulousse sẽ là những hành khách đầu tiên của chiếc Aibus 320 Sharklet. Chiếc thứ nhất được giao nhận vào ngày 26/9 .

Nội dung nổi bật:

- Nhà máy của Airbus ở Toulouse, Pháp nằm trên diện tích 810ha, có khoảng 20.000 công nhân làm việc, lắp ráp các dòng máy bay A320, A380 và A350. Các bộ phận khác nhau của chiếc A320 được sản xuất ở nhiều nhà máy khác nhau.

-  Những chiếc máy bay được lắp ráp theo quy trình diễn ra 3-4 tháng, sau đó được bay thử từ sân bay và để mộc bay sang Đức để được sơn theo màu đặt hàng của khách. 

- Sharklet là mẫu máy bay bắt đầu được Airbus xuất xưởng vào năm 2012, được cho là tiết kiệm nhiên liệu 4%, có sức bay xa hơn hoặc chở được nặng hơn 450kg so với máy bay cùng loại.



1 ngày trước khi giao máy bay, Airbus mời đoàn tham quan toàn bộ dây chuyền lắp ráp để khách hàng hình dung máy bay được lắp thế nào.

Xem tận mắt dây chuyền lắp ráp

Nhà máy của Airbus ở Toulouse, Pháp là một nhà máy khổng lồ, nằm trên diện tích 810ha và luôn có khoảng 20.000 công nhân làm việc. Ở Toulouse, Airbus có dây chuyền lắp ráp cho các dòng máy bay A320, A380 và A350. Mỗi tháng, nhà máy này hoàn thành 16 chiếc máy bay A320.

vietjetair, sharklet, toulouse
Phần đầu máy bay A380 được kê trên hệ thống "dàn giáo" để lắp ráp.

Các bộ phận khác nhau của chiếc A320 được sản xuất ở nhiều nhà máy khác nhau. Phần trước của thân máy bay được sản xuất ở St. Nazaire, Pháp. Phần sau được sản xuất ở Hamburg, Đức. Cánh máy bay được sản xuất ở Anh.

Để đưa những bộ phận kích thước lớn này tới Toulouse, Airbus sử dụng nhiều phương tiện, trong đó chủ lực là máy bay vận chuyển có tên Beluga.

Trong quá trình lắp ráp, những chiếc máy bay được di chuyển bằng cần trục dọc theo hai dây chuyền lắp ráp. Cứ vài ngày, chiếc máy bay lại di chuyển sang một công đoạn mới.

vietjetair, sharklet, toulouse
Công nhân đang kiểm tra cánh máy bay để chuẩn bị lắp lên thân.

Quy trình lắp ráp bắt đầu từ nối 3 phần đầu, thân, đuôi. Để lắp ráp các phần rời của chiếc máy bay vào nhau, công nhân tiến hành khoan lỗ và lắp khoảng 4.000 con ốc vít. Sau đó đến cánh, lốp và cuối cùng là động cơ.

Nội thất chỉ được lắp tối thiểu ở Toulouse, sau đó máy bay được đưa sang Đức và hoàn thiện tại đó.

Từ khi các bộ phận được đưa tới Toulouse, sẽ mất khoảng 3 tháng để hoàn thành chiếc máy bay. Sau đó, chiếc máy bay sẽ được bay thử nghiệm, hoàn thiện ở Đức và giao cho khách hàng. Khách có thể nhận máy bay ở Đức hoặc Pháp.

Khu vực đáng chú ý nhất của xưởng là dây chuyền lắp ráp A380 đang sầm sập làm việc ngày đêm. Thân, đầu, đuôi được vận chuyển đến đây bằng đủ mọi phương tiện: Tàu thủy, ô tô, và 5 chiếc Beluga thường trực ngoài sân bay cách đó ít bước chân.

Những chiếc A380 đã hình thành với sải cánh lên đến 70m, được di chuyển qua các khâu lắp ráp trên hệ thống cần trục và dòng dọc bắt trên nóc nhà. Bảo vệ của xưởng yêu cầu nghiêm ngặt khách không được chụp ảnh vì có thể làm lộ thông tin khách hàng, một số chiếc đã được sơn đuôi và động cơ, có thể nhận ra máy bay của hãng nào.

vietjetair, sharklet, toulouse
Động cơ được lắp cuối cùng trước khi đưa ra bay thử nghiệm.

Với sức chứa lên đến 800 hành khách, chiếc máy bay khổng lồ này mới được một số hãng đặt hàng. Thị trường nhỏ như Việt Nam các doanh nghiệp chưa nghĩ đến vì khó có thể khai thác hết sức chứa của nó.

Sân bay đặc biệt

Sau khi qua cánh cửa an ninh được kiểm tra nghiêm ngặt, chiếc xe 45 chỗ lừ lừ chạy đến khu trung tâm của sân bay nằm giữa vùng đất trống mênh mông. Đây là nơi Airbus “trả” máy bay cho khách hàng, cũng là công đoạn cuối cùng trong dây chuyền lắp ráp, bay thử.

Những chiếc máy bay được lắp ráp theo quy trình chậm chạp diễn ra cả 3-4 tháng, sau đó được bay thử từ sân bay này và cứ thể để mộc bay sang Đức để được sơn theo màu đặt hàng của khách. Sau khi sơn xong, máy bay tiếp tục được bay thử nghiệm hàng nghìn giờ rồi mới giao cho khách.

vietjetair, sharklet, toulouse

Khu vực checkin của sân bay giống như sảnh khách sạn.

Chỉ còn ít giờ nữa là máy bay cất cánh nhưng giờ bay được thông báo thay đổi liên tục. Lúc đầu hãng báo 16h cất cánh, sau đó thông báo lại 14h, sau đó thông báo lại thành 16h30 và cuối cùng chốt giờ 17h. Theo thông báo của hãng có sự thay đổi đó là vì sự phức tạp của công đoạn kiểm tra kỹ thuật cuối cùng trước khi bàn giao.

Tuy là sân bay của riêng Airbus nhưng toàn bộ quy trình check-in được tuân thủ nghiêm ngặp theo tiêu chuẩn quốc tế, toàn bộ chất lỏng được dặn cất vào hành lý gửi, nếu có sót lại ở hành lý xách tay sẽ được yêu cầu bỏ lại.

vietjetair, sharklet, toulouse
Sảnh chờ vắng khách và không có cửa hàng miễn thuế.

Mỗi tháng có khoảng 16-20 máy bay cất cánh từ đây và không có kế hoạch quay trở lại, ngoài ra mỗi ngày có hàng chục chuyến cất hạ cánh của máy bay chạy rốt-đa và hàng chục chuyến bay chở hàng.

Bữa tiệc chia tay diễn ra ấm cúng ngay tại nơi cất cánh, chủ nhà tiễn khách bịn rịn bởi đây là lần hiếm hoi họ nhìn thấy chiếc máy bay sơn hai màu đỏ trắng này ở đây.

Máy bay A320 có sức bay ngắn, muốn bay từ Toulouse về phải tiếp dầu 2 lần, một lần ở Hy Lạp và một lần ở Ấn Độ. Mỗi lần tiếp dầu khách ngồi nguyên trên máy bay khoảng 1 giờ đồng hồ, tiếp dầu xong lại cất cánh bay tiếp.

vietjetair, sharklet, toulouse
Mở đầu cho quy trình khai thác nhưng là kết thúc của quá trình sản xuất, lắp ráp 4 tháng trời.

Đây là chuyến bay đường dài đầu tiên và cũng gần như duy nhất của chiếc Sharklet này bởi sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất nó được đưa vào khai thác ở các tuyến bay ngắn trong nước hoặc xa nhất đến thời điểm này là tuyến Thái Lan.

Hàng nóng Sharklet

Sharklet là mẫu máy bay bắt đầu được Airbus xuất xưởng vào năm 2012, được cho là tiết kiệm nhiên liệu 4%, có sức bay xa hơn hoặc chở được nặng hơn 450kg so với máy bay cùng loại.

Sharklet lần đầu tiên cất cánh vào tháng 9/2011 với chuyến bay 5 giờ từ Toulouse. Trong triển lãm hàng không Berlin 2012, Airbus tuyên bố hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đặt hàng máy bay thế hệ mới này là AirAsia.

vietjetair, sharklet, toulouse
Chiếc Sharklet A320 về đến sân bay Tân Sơn Nhất, bắt đầu hành trình chở khách.

Sharklet là từ chỉ đặc điểm của cánh máy bay, được uốn cong lên tạo sự linh hoạt khi bay, tiết kiệm nhiên liệu và tăng công suất. Theo Airbus, 90% máy bay A320 xuất xưởng trong năm 2014 sẽ thuộc thế hệ này và đây là tiêu chuẩn chung của toàn bộ máy bay xuất xưởng từ cuối 2015.

Đây là đợt nâng cấp gần nhất trong gói đầu tư 300 triệu euro/năm để Airbus giữ A320 ở vị trí dẫn đầu trong tiết kiệm nhiên liệu và hoạt động hiệu quả.

Chiếc máy bay Sharklet đầu tiên của VietJetAir, cũng là đầu tiên của Việt Nam và số ít hãng hàng không trong khu vực, được sơn trên mình biểu tượng của ngân hàng BIDV và chiếc Sharklet thứ 2, được sơn biểu tượng của Pepsi.

Với 14 đường bay nội địa và 2 đường bay quốc tế, mạng lưới bay liên tục mở rộng với gần 500 chuyến bay mỗi tuần.

Trước đó, cuối tháng chín, VietjetAir đã ký biên bản ghi nhớ đặt mua 92 máy bay của Airbus và sẽ thuê 8 chiếc từ bên cho thuê thứ ba.

Theo mức giá chính thức của Airbus, giá trị giao dịch vào khoảng 9,1 tỷ USD, riêng giá trị mua vào khoảng 8,6 tỷ đôla Mỹ. Những chiếc máy bay đầu tiên theo thỏa thuận này sẽ được giao hàng ngay trong năm tới.

Theo Phạm Tuấn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM