Con đường tơ lụa Thái và sự biến mất bí ẩn của một cựu binh Mỹ
Nội dung nổi bật: Năm 1951, Jim Thompson, một cựu binh Mỹ đã đến Thái Lan thành lập Công ty tơ lụa Thái khi ngành tơ lụa nước này đang dần lụi tàn.
Thách thức:
- Thuyết phục thợ dệt thủ công sống với nghề và sử dụng kỹ thuật dệt nhuộm mới.
- Đưa thương hiệu ra quốc tế khi tơ lụa Trung Hoa chiếm ưu thế.
Cách làm:
- Kiên trì thuyết phục thợ dệt hợp tác và cho phép họ hùn một phần vốn vào công ty. Mời các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới đến làm việc.
- Tích hợp công nghệ kỹ thuật dệt nhuộm mới và chuyển hướng làm hàng nội thất gia dụng.
- Tận dụng mối quan hệ cá nhân của Jim để đưa sản phẩm ra ngoài Thái Lan. Khai thác sức ảnh hưởng từ phong cách cá nhân và câu chuyện bí ẩn sau khi Jim mất tích đột ngột năm 1967.
Kết quả: Đồ nội thất gia dụng của Jim Thompson xuất hiện ở các khách sạn danh tiếng. Thị trường bán lẻ vươn rộng đến 40 quốc gia trên toàn cầu.
Công ty tơ lụa Jim Thompson Thai Silk đến từ Thái Lan là một trong những thương hiệu châu Á nổi tiếng hiếm hoi được Hoàng gia Thái Lan và các nhân vật nổi tiếng chứng thực về chất lượng, với hàng tơ lụa, vải vóc, phụ kiện và gần đây là đồ nội thất gia dụng. Tuy vậy, nguời sáng lập ra thương hiệu danh tiếng này cách đây hơn 60 năm lại là một cựu binh Mỹ - ông Jim Thompson.
Từ đốm lửa sắp tàn
Khi Jim Thompson giải ngũ khỏi lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và quyết định định cư ở Thái Lan, ông đã dành những ngày đầu tiên đi thăm thú khắp đất nước.
Chính trong chuyến đi này, ông đã biết đến ngành tơ lụa thủ công còn non kém của xứ sở chùa Vàng. Nơi đây từng sở hữu ngành công nghiệp tơ lụa vững mạnh nhưng đến đầu thế kỷ XIX đã xuống giá ngang với các loại chất liệu rẻ tiền hơn đến từ Nhật Bản và phương Tây, buộc các thợ dệt phải bỏ nghề.
Jim Thompson đã đến thăm cộng đồng thợ dệt Ban Krua nổi tiếng với hàng tơ lụa dệt tay. Ông đã quyết tâm phục hồi ngành công nghiệp tơ lụa Thái đang xuống dốc. Kết quả chính là thành lập Jim Thompson Thai Silk Company năm 1951.
Thách thức của Jim Thompson lúc này là thuyết phục một số ít thợ dệt còn sót lại là tăng cường sản xuất trên các máy dệt tốt hơn, sử dụng thuốc nhuộm hóa học lên màu nhanh hơn thay vì chất màu thực phẩm truyền thống. Sau đó mở ra các thị trường nước ngoài chưa từng tồn tại trước đó.
Bùng cháy
Nhen lên những ngọn đuốc sống
Nhà sáng lập Jim Thompson đã thành công khi thiết lập mối quan hệ cá nhân mật thiết với cộng đồng dệt lụa Ban Krua. Các thợ dệt thủ công ở đây được giữ một phần hùn vốn nhỏ trong công ty.
Để đảm bảo kiểm soát 100% chất lượng sản phẩm, Jim Thompson đã tích hợp tối đa vào sản phẩm của mình. Năm 1967, 100% vải vóc đều là tơ lụa dệt tay, nhưng ngày nay chỉ còn 50% là tơ lụa dệt tay, 50% còn lại làm từ các nguyên liệu khác.
“Phải mất hàng năm trời để thử nghiệm, thất bại thường xuyên và làm việc cần cù để thuyết phục họ sản xuất trên các máy dệt tốt hơn, sử dụng thuốc nhuộm hóa học lên màu nhanh hơn thay vì cách làm truyền thống”, William Warren, người chấp bút tiểu sử của Jim Thompson ở Bangkok ghi lại.
Thành quả thu được rất tuyệt vời: Công ty trở nên nổi tiếng nhờ loại tơ lụa dệt tay quyến rũ và ưu việt, có sắc thái khác hẳn tơ lụa Trung Hoa. Tơ lụa Thái không đồng nhất, sắc màu “gồ ghề” và lóng lánh (thay đổi theo ánh sáng). Điều này có vẻ không hợp với may mặc nhưng lại vô cùng lý tưởng để trang trí nhà cửa.
Đổ thêm dầu tiến ra biển lớn
Jim Thompson đã rất thành công khi đưa sản phẩm tơ lụa Thái Lan vượt thị trường địa phương đến với quốc tế nhờ sức ảnh hưởng từ các mối quan hệ của ông ở Mỹ và các quốc gia khác. Tơ lụa của Jim Thompson xuất hiện trên cả tạp chí Vouge và được sử dụng trong một vở kịch sân khấu ở Broadway năm 1951.
Ngoài ra, thương hiệu này cũng nhận được những ảnh hưởng tích cực từ sức quyến rũ và phong cách cá nhân của người sáng lập. Mặc dù mục đích chủ yếu của ông là kiếm lợi khi gây dựng công ty tơ lụa Thái nhưng dù sao ông vẫn là người hồi sinh ngành công nghiệp này khi gần như đã lụi tắt.
Sáng mãi cùng huyền thoại
Tuy nhiên, không ai ngờ khi đỉnh cao danh vọng đang ở dưới chân Jim Thompson, ông lại biến mất một cách đầy bí ẩn trên Cao nguyên Cameron, Malaysia và từ đó không ai biết ông còn sống hay đã chết. Những mối quan hệ trước kia của Jim với CIA đã khơi dậy nhiều giả thuyết về việc ông biến mất đột ngột, từ đó thêu dệt nhiều câu chuyện ly kỳ cho thương hiệu và viết nên một huyền thoại đầy sức hút.
Dù khởi sự với chất liệu tơ lụa nhưng với động lực tài sản thương hiệu và nguồn di sản Thái Lan, cộng với việc chiêu mộ nhiều nhà thiết kế tên tuổi, công ty đã có mặt tại 40 quốc gia như Malaysia, Singapore, Mỹ, Pháp, Dubai…
3 trụ cột vững chãi
Công ty Jim Thompson Thai Silk đã xây dựng thương hiệu danh tiếng của mình dựa vào 3 trụ cột.
Thứ nhất là huyền thoại bao quanh nhà sáng lập Jim Thompsoon.
Bản thân cuộc hành trình hồi sinh ngành tơ lụa và những nỗ lực mà cá nhân vị sáng lập lôi kéo cộng đồng thợ dệt tham gia như những đối tác chiến lược trở thành chất keo dính gắn kết thương hiệu với xã hội Thái Lan một cách tự nhiên và đáng tự hào nhất.
Chính lai lịch cựu binh Mỹ, những đóng góp của Jim cho ngành tơ lụa Thái và vụ mất tích đầy bí ẩn của ông trở thành một hấp lực mạnh mẽ đối với thương hiệu mang tên ông.
Hiện nay, ngôi nhà của Jim Thompson ở Bangkok vẫn được lưu giữ như một bảo tàng tư nhân mở cửa đón công chúng. Nơi đây trưng bày nghệ thuật và sản phẩm thủ công Thái cùng toàn bộ danh mục của công ty. Bảo tàng này lưu giữ cho huyền thoại bao quanh sự mất tích của Jim Thompson sống mãi như một phần của câu chuyện thương hiệu và củng cố mối liên kết bên chặt với nguồn di sản văn hóa Thái Lan.
Thứ hai là sự hòa trộn độc đáo giữa truyền thống và di sản phương Đông với các thiết kế đương đại phương Tây.
Chính mối quan hệ cá nhân của Jim đã rút ngắn khoảng cách ra quốc tế của tơ lụa Thái Lan. Chưa kể những mối quan hệ hợp tác sau này của công ty với các nhà thiết kế hàng đầu để phát triển các mẫu thiết kế, màu sắc và chất liệu đương đại, đưa sản phẩm lên nấc thang cao cấp dành cho giới thượng lưu.
Không chỉ các khách sạn lớn ở Thái Lan như The Oriental, Amanpuri, Regent, Conrad, Sukhothai, mà các khách sạn châu Âu như Park Hyatt Paris và Park Hyatt Milan cũng đều ưa chuộng các sản phẩm như ghế sofa, ghế tựa, bàn ăn, bàn cà phê cũng như các loại đèn trong doanh nghiệp.
Thứ ba là sự nâng cao thương hiệu từ chỗ chỉ là sản phẩm thủ công truyền thông thuần túy trở thành một khái niệm về phong cách sống.
Dù khởi sự với chất liệu lụa tơ tằm nhưng Jim Thompson đã thành công khi mở rộng sang lĩnh vực nội thất gia dụng, nhà hàng, khách sạn và cả du lịch.
Các sản phẩm nội thất gia dụng của Jim Thompson ngày nay đã có mặt ở hầu hết các khách sạn hàng đầu thế giới bởi chất lượng hảo hạng, thiết kế đương đại và cảm xúc Á đông. Các sản phẩm nội thất gia dụng ngày nay chiếm đến 30% doanh thu của công ty và 90% kim ngạch xuất khẩu.
Trải qua hơn 60 năm hoạt động, Jim Thompson vẫn tiếp tục tăng trưởng với những hứng thú và đam mê như thuở ban đầu.
>> Con đường tơ lụa đang hồi sinh?
Kỳ Anh