Cơn ác mộng lớn nhất của Uber là khi tất cả tài xế trở thành nhân viên chính thức
Nếu như phán quyết của tòa án có thể buộc Uber phải nhận tất cả các tài xế tham gia dịch vụ này trở thành nhân viên chính thức của mình, đó sẽ là một cơn ác mộng thực sự.
Tháng trước, Ủy ban Lao động California đã đưa ra một phán quyết mà sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Startup 50 tỷ USD này. Một tài xế của Uber tại California, Barbara Ann Berwick đã đưa đơn kiện Uber và cho rằng cô phải được coi như là một nhân viên chính thức của công ty, chứ không chỉ là một lái xe tự do như hiện nay.
Ủy ban Lao động California đồng tình với ý kiến này, vì có thể xem như Uber đã tham gia vào việc quản lý mọi hoạt động của các tài xế. Và nếu như phán quyết này có thể buộc Uber phải nhận tất cả các tài xế tham gia dịch vụ này trở thành nhân viên chính thức của mình, đó sẽ là một cơn ác mộng thực sự.
Uber sẽ phải phân loại lại tất cả các tài xế thuộc hình thức nhân viên hợp đồng 1099 thành nhân viên chính thức dạng W-2. Sự khác biệt giữa hai loại nhân viên này là rất lớn:
Nhân viên được trả lương bằng W-2: Ði làm có giờ giấc nhất định, tuân theo chỉ thị của cấp trên. Ði kèm với các trách nhiệm, nhân viên có những quyền lợi do luật lao động quy định, như phải được trả lương phụ trội khi làm quá số giờ bình thường (40 giờ), có ngày nghỉ bệnh, ngày phép, có bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ…
Trong khi đó, nhân viên hợp đồng được trả bằng 1099, là người được thuê ngắn hạn, hoặc theo từng công việc. Họ phải dùng các thiết bị, máy móc, vật dụng của chính mình để hoàn thành một công việc được giao cho. Họ có thể làm công việc từ nhà, từ nơi khác. Ngoài ra, họ không có các quyền lợi như của người nhân viên lãnh W-2.
Vấn đề then chốt của sự khác biệt là người lãnh 1099 không chịu sự kiểm soát của người chủ, và nhất là không nhận lệnh trực tiếp rằng phải làm thế nào để hoàn thành công việc giao phó.
Từ trước tới nay, các tài xế tham gia dịch vụ Uber theo dạng nhân viên hợp đồng, họ không bị ràng buộc bởi quy định của Uber nhưng cũng không có quyền lợi theo luật lao động.
Theo ước tính có khoảng 45.000 tài xế tham gia dịch vụ Uber tại California và nếu như tất cả số tài xế này phải phân loại thành nhân viên chính thức, chi phí mà Uber phải trả sẽ là rất lớn. Do các dữ liệu hiện tại của Uber là chưa đầy đủ, nên rất khó để tính toán chính xác số tiền mà startup này phải bỏ ra cho việc chuyển đổi. Tuy nhiên chi phí vượt trội có thể là 20-30% so với hiện nay.
Giống như Munchery, một startup với mô hình chuyên phục vụ các món ăn tự nấu và giao tận nơi cho khách hàng, cũng với những nhân viên hợp đồng giống như Uber. Phó chủ tịch của Munchery, Kris Fredrickson cho biết: “Việc chuyển đổi các nhân viên sang W-2 khiến công ty phải chịu một loạt các chi phí như thuế, tiền đóng bảo hiểm và thêm trách nhiệm đảm bảo lợi ích của người lao động theo pháp luật”.
“Đột nhiên bạn phải trả thêm chi phí sức khỏe cho các nhân viên, bảo hiểm y tế, đó là số tiền khoảng 200-600 USD cho mỗi nhân viên. Cùng với việc thêm nhiều khoản tiền phải trả, bạn cũng sẽ cần thêm các kế toán và chi phí hành chính của công ty.
Tuy nhiên vấn đề chính là ở chỗ Uber có tầm cỡ trên toàn thế giới, startup này có mặt trên hàng trăm thành phố và hơn 1 triệu tài xế làm việc cho mình. Đội ngũ nhân viên này lớn hơn bất kỳ một công ty nào khác cũng đã từng chuyển đổi dạng lao động như vậy.
Do đó sẽ không phải là điều đơn giản để có thể công nhân toàn bộ số tài xế này trở thành nhân viên chính thức của công ty. Nếu như bắt buộc phải làm điều đó, Uber sẽ phải thay đổi toàn bộ bộ máy hoạt động của mình. Mở thêm các văn phòng của mình tại các thành phố này để quản lý nhân sự, thêm chi phí trả cho những người quản lý, thêm chi phí để thống kê và lưu trữ dữ liệu nhân viên.
Và điều quan trọng nhất, nếu cơn ác mộng này trở thành sự thật, Uber sẽ trở thành một hãng taxi giống như các hãng taxi truyền thống đang cạnh tranh với Uber. Một khi phải trả thêm nhiều chi phí, sẽ không còn có chuyện giá cước Uber rẻ hơn các hãng taxi khác. Và Uber sẽ không có gì đặc biệt nữa, nó chỉ là một dịch vụ taxi có thể gọi xe bằng ứng dụng.
Sẽ không còn Uber nữa!
Còn nếu như Uber không chấp thuận phán quyết này, startup này có thể đứng trước việc phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ. Giống như hãng vận chuyển FedEx trước đây, công ty này cũng phân loại những người vận chuyển của mình là nhân viên hợp đồng 1099 chứ không phải nhân viên chính thức, mặc dù họ mặc đồng phục của FedEx và đi xe của FedEx.
FedEx từng thua một vụ kiện giống Uber hiện nay, công ty này phải bồi thường 228 triệu USD và cam kết một số quyền lợi cho nhân viên.
Nhưng nhân viên này đã đưa đơn kiện chính công ty của mình và đòi quyền lợi, như phải có mức lương cứng và bảo hiểm. Cuối cùng, FedEx đã thua kiện và phải trả một khoản tiền bồi thường 228 triệu USD.
Đối với Uber, số tiền này có thể không đáng so với doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm.Tuy nhiên, sau đó Uber có thể bị buộc phải trả thêm các chi phí như tiền làm thêm giờ, chi phí sửa chữa xe khác giống như FedEx đã từng phải gánh chịu.
Tuy nhiên điều quan trọng là các tài xế Uber muốn đòi quyền lợi của mình, vì họ biết mình xứng đáng được hưởng những quyền lợi của một nhân viên bình thường khi làm việc cho Uber. Nếu các tài xế này chiến thắng vụ kiện tại California, nó sẽ châm ngòi cho hàng loạt những vụ kiện tại các thành phố khác để đòi quyền lợi tương tự.
Uber đã từng gặp phải rất nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý trong quá khứ, startup này còn bị cho là vi phạm pháp luật liên quan đến các dịch vụ vận tải do không đóng thuế và bảo hiểm. Tuy nhiên cho đến nay, Uber vẫn có mặt và hoạt động trên hàng trăm thành phố, được rất nhiều người sử dụng do tính tiện lợi và chi phí rẻ.