'Cô Tấm' FPT ra nước ngoài nhờ các 'ông Bụt' như thế nào?
Để bước chân ra toàn cầu hóa thành công cần 2 yếu tố quan trọng gồm: Mối quan hệ và việc triển khai. Việc duy trì mối quan hệ với các đối tác địa phương, Chính phủ rất quan trọng.
Sáng 28/5/2014, chương trình “Chat với CEO: Toàn cầu hóa và cơ hội dành cho sinh viên” đã được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của 2 lãnh đạo đến từ Tập đoàn FPT là Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Toàn Cầu hóa Dương Dũng Triều và Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin (FPT IS) Phạm Minh Tuấn.
"Ông Bụt và cô Tấm"
Ông Phạm Minh Tuấn kể lại, năm 1999 FPT là công ty tiên phong xuất khẩu phần mềm với việc mở chi nhánh FPT Software tại Ấn Độ. Lúc này thực tế FPT chưa biết con đường đi toàn cầu hóa là như thế nào, thế mạnh của mình là gì.
Trong 4 năm đầu tiên, toàn bộ đội ngũ còn lại của FPT phải “nuôi” đội xuất khẩu phần mềm này. Việc toàn cầu hóa của FPT tại thời điểm đó gặp không ít khó khăn về cuộc sống, hòa nhập văn hóa, cùng sự cạnh tranh đến từ những đối thủ chuyên nghiệp hơn nhiều.
“Bạn phải từ bỏ nhiều thói quen để thích nghi với cuộc sống toàn cầu hóa”, ông Tuấn nhấn mạnh.
“Sau 14 năm, kết thúc năm 2013, doanh thu toàn cầu hóa của FPT đạt 130 triệu USD và đặt mục tiêu 350 – 400 triệu USD vào năm 2016 với tổng số 10.000 nhân lực tham gia và hoạt động toàn cầu hóa”, ông Dương Dũng Triều cho biết.
Đóng góp vào thành công này là nhờ chiến lược “Ông Bụt và cô Tấm” của FPT, trong đó FPT đóng vai trò cô Tấm, chịu trách nhiệm triển khai những hệ thống ứng dụng chạy tốt trong nước, còn ông Bụt là những đối tác, các hãng nước ngoài sẽ giới thiệu FPT cho nhiều đối tác khác tại quốc tế.
Lấy dẫn chứng về chiến lược này, ông Triều cho biết, hiện FPT triển khai vận hành Hệ thống Quản lý thuế thu nhập cá nhân. Nếu so sánh về quy mô, hệ thống này của Việt Nam là lớn nhất thế giới do chạy khắp 64 tỉnh thành với tổng số 800 điểm và 10.000 người sử dụng mà vẫn hoạt động ổn định. Trong khi các nước như Ấn Độ hay Mỹ chỉ chạy trong phạm vi từng bang. Nhờ thành tích này, FPT được tập đoàn Ocracle giới thiệu tới nhiều đối tác khác trên thế giới.
Mới đây FPT đã tham gia đấu thầu tại Bangladesh và sẽ triển khai dự án quản lý thuế tương tự cho Bangladesh. Trước đó, tập đoàn từng vận hành hệ thống trên cho Bộ tài chính Campuchia.
Hai bước đi quan trọng
Theo ông Triều, để bước chân ra toàn cầu hóa thành công cần 2 yếu tố quan trọng gồm: Mối quan hệ và việc triển khai.
Việc duy trì mối quan hệ với các đối tác địa phương, Chính phủ rất quan trọng, giúp công ty hiểu rõ hơn khi đặt chân vào thị trường mới cũng như có nhiều cơ hội hơn.
Tiếp theo, để triển khai thành công chiến lược toàn cầu hóa, việc hiểu về công nghệ, công cụ, lập trình là chỉ là một khía cạnh nhưng như thế là chưa đủ. Điều quan trọng hơn là phải hiểu rõ nghiệp vụ thực tế của khách hàng như tài chính, thuế… cũng như các nghiệp vụ tư vấn, quản trị dự án.
CEO FPT IS Phạm Minh Tuấn: " Đừng ảo tưởng mình làm được điều ngoại lệ." |
Toàn cầu hóa, người trẻ hiện nay cần gì?
Theo phó tổng giám đốc FPT Dương Dũng Triều, người trẻ hiện nay phải đối mặt với nguồn thông tin khổng lồ, nhiều cơ hội hơn nhưng cũng khiến cho việc lựa chọn trở nên khó khăn và không tỉnh táo.
"Điều quan trọng nhất là phải xác định được đam mê và giá trị thực của bản thân", ông Triều nói.
Ông Tuấn bổ sung thêm: “Nếu có điều kiện, các bạn học giỏi được thì nên học giỏi. Bởi đây là vũ khí của các bạn.”
Ông Tuấn chia sẻ, nhiều người trẻ thường lấy hình tượng Bill Gates bỏ học và xây dựng nên Microsoft nhưng chúng ta nên nhìn vào thực tế có hàng triệu người làm như Bill Gates nhưng thất bại.
“Đừng ảo tưởng mình làm được điều ngoại lệ. Mỗi người cần phải có mục tiêu rõ ràng từ đó cùng với đam mê, kiên trì theo đuổi mục tiêu thì mới có thể thành công", ông Tuấn kết luận.
Kim Thủy
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=%27C%C3%B4+T%E1%BA%A5m%27+FPT+ra+n%C6%B0%E1%BB%9Bc+ngo%C3%A0i+nh%E1%BB%9D+c%C3%A1c+%27%C3%B4ng+B%E1%BB%A5t%27+nh%C6%B0+th%E1%BA%BF+n%C3%A0o%3F