Chuyện sếp nữ làm... ôsin
Người ta vẫn nghĩ các nữ giám đốc quá bận rộn với việc kinh doanh, ít có thời gian dành cho gia đình. Nhưng những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, khi về nhà vẫn làm... ôsin.
Thợ may “bất đắc dĩ”
Khi tôi đến, chị Lê Thị Bình - Tổng Giám đốc Dược phẩm Tâm Bình, đang ngồi duyệt kịch bản truyền thông cho sản phẩm. Lãnh đạo một doanh nghiệp công ty dược phát triển rất nhanh và chiếm thị phần lớn, nhưng chị Bình vẫn không quên những việc cụ tỷ (cụ thể và tỷ mỉ), như tự tay mua từng lọ tăm ở công ty và... may quần đùi cho chồng con.
Bây giờ, chị vẫn giữ cái máy khâu từ năm còn học lớp 7. Mỗi năm đều đặn chị may quần đùi cho chồng con. Khi công việc ngày càng bận, chị phấn đấu mỗi năm vẫn phải may cho mỗi thành viên một cái quần đùi hình quả trám, chất vải mềm, mặc rất thoải mái mà các loại quần ngoại nhập cũng không bì được.
Con trai chị đi học bên Anh quốc, nhưng chỉ mặc quần của mẹ may. Chị dậy sớm đi chợ mỗi ngày, chiều dù bận trăm công nghìn việc nhưng hầu như đều ăn cơm cùng gia đình vào lúc 18 giờ 30, để con học bài, sau đó chị lại vùi vào đống công việc đang chờ.
Chị Bình tâm sự: “Tôi cân bằng được giữa công việc và gia đình. Với tôi gia đình là quan trọng nhất, không gì đánh đổi được. Mặc dù kinh doanh không phải sở trường, nhưng tôi tâm huyết và đã thành công”.
Khi con còn nhỏ, tôi học bài với con hằng đêm, đưa con vào nề nếp. Từ lớp 1 đến lớp 4, mẹ dạy trực tiếp, 2 đứa con chữ viết đẹp gần giống mẹ. Con trai tôi, mỗi tháng mẹ “cấp kinh phí” cho 200 nghìn đồng, phải đi xe đạp, mua sắm những thứ lặt vặt, tự cân đối. Dần dần thành thói quen tiết kiệm, mẹ cho tiền cũng không lấy. Nhiều khi tôi phải nói: “Con ơi, con tiết kiệm quá!”.
Tôi hầu như không đi tiếp khách ngoài giờ. Mình tập trung làm sản phẩm tốt nên chẳng phải “lạy lục” ai. Nếu tiếp khách thì mời chồng đi cùng. Vợ chồng tôi lấy nhau 21 năm nhưng chưa một lần cãi nhau. Tôi thấy nhiều nữ doanh nhân thành đạt gặp phải bi kịch bỏ chồng, chồng bỏ hoặc con hư vì cái tôi của họ lớn quá”.
Gia đình hạnh phúc của nữ giám đốc Công ty dược phẩm Tâm Bình. Dù bận rộn, nhưng bà Lê Thị Bình vẫn dành thời gian may quần đùi cho chồng con.
Trong công việc, nhiều khi nữ doanh nhân này cũng “một mình làm cả cuộc chia ly”, có những áp lực lo toan dồn nén lại. Cảm giác cô đơn trong công việc đôi lúc lại xuất hiện, công ty chưa có đội ngũ nhân sự cao cấp nên chẳng dễ dàng chia sẻ cùng ai. Có những lúc mệt mỏi và kiệt sức chị lại tìm sự cân bằng ở gia đình. Chị lại đưa máy khâu ra khâu vá hay đi chợ nấu cơm hoặc đi làm từ thiện.
Chị Đoàn Thị Bích Ngọc - Giám đốc hãng thời trang Canifa với rất nhiều sản phẩm được ưa chuộng, không nghĩ phụ nữ làm kinh doanh lại vất vả thiệt thòi hơn nam giới, mà chỉ xem đó là sự khác biệt.
“Cụ thể, với phụ nữ, khoảng thời gian dành cho việc thực hiện thiên chức làm mẹ là khoảng tạm ngừng công việc quản lý. Tôi đã trải qua và giờ vẫn đang chứng kiến những bạn nữ trong độ tuổi sinh nở làm kinh doanh. Nhà nước có chế độ nghỉ 6 tháng nhưng, với chúng tôi: Ngay sau 1 ngày sinh là đã bắt đầu làm việc và hiếm ai có thể nghỉ quá 1 tháng... điều này là chắc chắn”, chị Ngọc chia sẻ.
Chị Bích Ngọc.
Với chị Ngọc, phía sau sự thành công của mình là sự ủng hộ của cả hai gia đình nội ngoại, mà đặc biệt là mẹ chồng - một kỹ sư xây dựng bỏ qua tất mọi cơ hội nghề nghiệp, luôn làm phó cho các lãnh đạo tại cơ quan, dành thời gian “giữ lửa” cho gia đình, để chồng con có cơ hội thăng tiến.
Do sống cùng bố mẹ chồng và gia đình, lại có người giúp việc nên việc nhà chị Ngọc không phải làm hằng ngày. Yêu thích công việc nấu nướng và có rất nhiều món tủ như cháo ếch Singapore, cháo lươn Nghệ An, cháo cá, bún ốc, chị Ngọc thường nấu vào những ngày nghỉ cuối tuần hay sau những chuyến công tác dài như là “chuộc lỗi” với gia đình.
Sinh 2 con trai nên chị Ngọc rất ý thức việc giáo dục toàn diện cho các con. Ví dụ như khi cho 2 con đi học nấu ăn thì cả chị Ngọc và ông xã cùng hộ tống các con đến lớp học, cùng quan sát và tìm hiểu các bài tập của con. Từ đó, khi về nhà, chị Ngọc sẽ đưa con đi chợ, chọn đồ và cùng nhau thực hành.
Bà Tô Thị Hòa Bình - Chủ tịch Công ty Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc, ít khi dám đi xa khi con còn nhỏ. Với bà, doanh nhân nữ bận gấp 3 đến 4 lần nam doanh nhân vì họ có cả một gia đình phải chăm lo, mà nếu xao nhãng sẽ để lại một khoảng trống, nếu không muốn nói nguy cơ đổ vỡ lớn.
Bây giờ bà có ôsin giúp việc, nhưng nhiều khi lại phải “giúp việc” cho ôsin, vì lúc nào cũng phải biết tương cà mắm muối đầy hay vơi. Gia đình cũng như công ty mà trong đó người vợ, người mẹ, có khi vừa chủ tịch HĐQT, vừa giám đốc lại vừa đóng vai nhân viên. Bà Bình thỉnh thoảng phải gác lại núi việc đang chờ, vào bếp để bữa cơm gia đình thêm phần đầm ấm.
Nữ doanh nhân quyền lực châu Á làm... ôsin
Ít ai ngờ, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk – được tạp chí Forber bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, khi về nhà lại là ôsin xịn của gia đình.
Một ngày của bà cũng bắt đầu từ 8h sáng tới 5h chiều như bao nhân viên khác. Nhà bà không thuê giúp việc. Tất cả các thành viên đều tham gia vào công việc gia đình.
Bà Mai Kiều Liên.
Bà Liên tâm sự: “Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông. Tôi có hai con, con thứ nhất là bác sĩ chuyên về nhi, đang học sau tiến sĩ bên Mỹ. Con thứ hai học về ngành tài chính, đã tốt nghiệp và đi làm mấy năm rồi. Chồng tôi cũng có thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái”.
Có lần, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch tập đoàn VID chia sẻ: Tôi vừa là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Hà Nội, lãnh đạo tập đoàn với 17 công ty thành viên, tham gia 5 - 6 hiệp hội và một số tổ chức khác. Rất bận rộn nhưng tôi vẫn chăm lo chu toàn gia đình.
Bà Nguyệt Hường.
Hằng ngày, bà Hường vẫn vào bếp nấu bữa cơm gia đình và đưa con đến trường. Chồng bà cũng chưa bao giờ phàn nàn vợ dành nhiều thời gian cho công việc.
Bà Mai Thanh –Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh REE, được xem là một nhà lãnh đạo táo bạo, với rất nhiều những cái đầu tiên: Tổng Giám đốc của công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng giám đốc đầu tiên lên tiếng yêu cầu mức lương 100 triệu đồng/tháng...
Bà Mai Thanh.
Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ vốn “không đi nhẹ nói khẽ” trên thương trường này, lại quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình hết sức truyền thống.
“Dù thành đạt thế nào đi nữa thì người phụ nữ vẫn là người vợ, người mẹ và hãy biết trân trọng mỗi sự chia sẻ từ người đàn ông của mình”, bà Mai Thanh chiêm ngẫm.
Chị Bình tâm sự: “Tôi cân bằng được giữa công việc và gia đình. Với tôi gia đình là quan trọng nhất, không gì đánh đổi được. Mặc dù kinh doanh không phải sở trường, nhưng tôi tâm huyết và đã thành công”.
>> [Q&A] Mai Kiều Liên: Nữ tướng Vinamilk và ước mơ cách mạng trắng
Theo Phùng Nguyên