Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí: “Nếu làm tốt các dự án, Việt Nam sẽ là bản đồ lọc hóa dầu của thế giới”

09/10/2014 09:12 AM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết nếu làm tốt các dự án lọc hóa dầu thì Việt Nam có cơ hội trở thành bản đồ về lọc hóa dầu của thế giới.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý 3, ngày 8/10, trước câu hỏi về việc tại sao gần đây Việt Nam cho ra đời hàng loạt các dự án về lọc hóa dầu “tỷ đô” ông Sơn cho hay, trong chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020, chỉ có 3 nhà máy lọc hóa dầu được đưa vào quy hoạch, gồm:

- Dung Quất (Quảng Ngãi) với vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm;

- Nghi Sơn (Thanh Hóa) vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm;

- Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. 

Mới đây bổ sung thêm 2 dự án là:

- Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,18 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm;

- Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm;

- Bình Định cũng bổ sung thêm Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, với vốn đầu tư lên tới 22 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm.

“Việc xây dựng các nhà máy này đã nằm trong chủ trương, quy hoạch của Chính Phủ nên không có chuyện sợ thừa so với nhu cầu. Hơn nữa dầu là một mặt hàng có giá trị thương mại rất cao. Việt Nam là nước có nhiều cảng nước sâu thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Tại sao Singapore nhỏ bé thế mà cả thế giới phải mua dầu từ họ. Đây là bài học cho Việt Nam, nếu mình làm tốt thì có thể trở thành bản đồ về lọc hóa dầu của thế giới”, ông Sơn nêu.

Đồng thời, ông Sơn cũng khẳng định việc các dự án lọc hóa dầu phát triển là một tín hiệu tốt của thị trường đầu tư Việt Nam.

Ồ ạt các dự án lọc dầu “tỷ đô”: “Nếu làm tốt Việt Nam sẽ là bản đồ lọc hóa dầu của thế giới” (1)
Cuộc họp báo PVN ngày 8/10 về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm

Về dự án “khủng” khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc PVN cho hay, đây là phát hiện về khí lớn nhất của Việt Nam cho tới nay và đang dự kiến hợp tác với Mỹ để khai thác. Mỏ khí nằm ở giữa vùng biển của Quảng Nam và Quảng Ngãi sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Hiện dự án đang được triển khai ở tất cả các khâu, đã có phương án đàm phán giá khí… Theo đó, lượng khí khai thác được sau khi đưa vào bờ sẽ được bán cho các nhà máy điện.

Tuy nhiên, theo ông Thập, đặc điểm quan trọng của mỏ khí Cá Voi Xanh là khí ở đây có hàm lượng CO2 cao trên 30% nên cần nhà máy điện chấp nhận mua khí có lượng CO2 cao như vậy. Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ có dòng khí đầu tiên phát điện từ mỏ khí này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Thập thừa nhận dự án đang gặp thách thức giữa bên bán và bên mua, bên bán muốn giá khí tốt, bên mua muốn giá thấp để giá điện có tính cạnh tranh.

Trả lời câu hỏi về việc giá khí tăng gây áp lực lên giá điện, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc PVN cho biết, giá bán khí cho các nhà máy điện đã tăng ở phần trên bao tiêu. Đồng thời, ông Thập cho hay đã làm việc với EVN chốt giá, tuy nhiên đến thời điểm này EVN vẫn chưa thanh toán tiền giá khí.

Về vấn đề tái cơ cấu, ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc PVN cho hay phía PVN đang chuẩn bị cổ phần hóa Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Tổng công ty Điện lực dầu khí, Tổng công ty Dầu. Ông Hồng cho biết đến cuối năm 2014 sẽ thực hiện cổ phần hóa đối với nhà máy phân bón hóa chất Cà Mau, Lọc hóa dầu Bình Sơn, nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Riêng đối với nhà máy đóng tàu Dung Quất, ông Hồng cho biết vốn quá lớn gây khó khăn cho cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo lộ trình đến 2015 nếu không cổ phần hóa được sẽ chuyển sang hình thức quản lý theo công ty cổ phần.

Về thoái hóa vốn ngoài ngành ông Hồng công nhận công ty mẹ PVN đã đầu tư vào 11 công ty khác nhưng tập trung vào hai ngân hàng Ocean Bank và Pvcombank với số với số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng.

Về đầu tư nước ngoài, ÔngVũ Văn Nghiêm, Trưởng Ban Đầu tư phát triển PVN cho biết, hiện PVN có 17 dự án đang tồn tại (trước đây là 27 dự án) ở các khu vực: Liên Xô cũ có 4 dự án, Đông Nam Á có 6 dự án. Nam Mỹ 3 dự án, Châu Phi 4 dự án…

Trong đó, đã có 8 dự án hoàn thiện cho sản lượng 5.4 triệu tấn. Ông Nghiêm công nhận doanh thu đến nay đã đạt 2 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế là 457 triệu USD.

 Hướng Dương

Cùng chuyên mục
XEM