Chính phủ: Thế lực hùng mạnh 'chống lưng' cho thành công của Alibaba

19/01/2016 09:31 AM | Kinh doanh

Trong quá trình mở rộng ra toàn cầu, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc đối với Alibaba. Với mục tiêu đưa một công ty địa phương vào hàng ngũ những công ty công nghệ tầm cỡ thế giới, chính phủ nước này đã dành rất nhiều khoản hỗ trợ cho gã khổng lồ Alibaba.

Trong số đó có thể kể đến là chính sách khắt khe của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài, khiến họ trở thành “người chủ nhà không mến khách”. Mục đích cuối cùng của việc này là tạo đà cho những nhà vô địch ở địa phương như Alibaba dễ dàng trở thành người chơi toàn cầu.

Ví dụ như Google, Facebook và Twitter. Các công ty này đều bị chính phủ Trung Quốc cấm hoạt động. Một số lĩnh vực khác dù không bị cấm hoàn toàn nhưng dưới những quy định và chính sách hà khắc, cuộc chơi của những công ty nước ngoài hoạt động ở đây biến thành địa ngục.

Google đã quyết định rời khỏi Trung Quốc thay vì cho phép truy cập vào dữ liệu người dùng theo yêu cầu giới chức Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng không cho phép công dân của họ dùng Facebook, Twitter hay truy cập dịch vụ YouTube của Google.

Điểm thú vị là Alibaba chỉ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và riêng biệt từ phía chính phủ Trung Quốc khi nó đã lớn mạnh. Thay vì hỗ trợ cho startup khi họ "chưa có gì" như Chính phủ Mỹ, chính phủ Trung Quốc lại chỉ nhảy vào khi nhận được lợi ích thấy rõ từ phía Alibaba.

Thông qua Taobao và Tmall, Chính phủ Trung Quốc thực hiện những giao dịch nghìn tỷ USD giữa các cơ quan chính phủ, mang lại nguồn doanh thu khổng lồ cho Alibaba từ đó thúc đẩy tốc độ phát triển của công ty.

Chính phủ Trung Quốc cho tới giờ vẫn thực hiện rất nhiều giao dịch giữa các cơ quan ban ngành thông qua nền tảng của Alibaba như một cách để đảm bảo tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng cho Alibaba.

Trong bất kỳ mảng kinh doanh riêng biệt nào, Alibaba cũng đều nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ của chính phủ trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Một số mảng kinh doanh có thể kể đến gồm:

Video trực tuyến: Người Trung Quốc không thể truy cập vào Facebook, Twitter và YouTube. Chính phủ Trung Quốc đã cấm dịch vụ video trực tuyến của Google đã từ nhiều năm nay. Và cuối cùng, Jack ma đã bày tỏ sự thích thú đối với mảng kinh doanh này. Ông hiện sở hữu 5,5% cổ phần của Hyayi Brother Media và một nhà sản xuất film tại Bắc Kinh.

Trước đó vào ngày 29/4, Alibaba và Yunfeng – một công ty quỹ tư nhân đồng sáng lập bởi Jack ma đã đồng ý trả 1,22 tỷ USD cho cổ phần của công ty truyền hình Internet Youku Tudou. Với mạng xã hội, chính phủ Trung Quốc gần như đã loại bỏ hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên thế giới của Alibaba, ít nhất là tại thị trường Trung Quốc.

Thương mại điện tử: Một thị trường rộng lớn như Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới khao khát. Ban đầu, Taobao đã hoàn toàn hạ gục và thổi bay tham vọng của eBay tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài eBay, một số tên tuổi khác gồm Amazon và Walmart vẫn không lùi bước.

Năm 2004, Amazon đã mua Joyo.com – một hãng bán lẻ trực tuyến được đồng sáng lập bởi Lei Jun – CEO của Xiaomi. Trong khi đó, Walmart vào năm 2012 đã nắm quyền kiểm soát Yihaodian – một nhà bán lẻ trực tuyến.

Dù không cấm các nhà bán lẻ trên hoạt động nhưng chính phủ Trung Quốc lại khiến những công ty này “toát mồ hôi”. Trong khi Walmart nhiều lần bị phạt do “vi phạm quy định” thì Amazon lại cho thấy kết quả kinh doanh “lẹt đẹt” tại thị trường Trung Quốc.

Trong một bài phỏng vấn với tờ Nikkei, khi được phóng viên hỏi về việc liệu Alibaba có đang cố gắng gắn kết chặt chẽ hơn với chính phủ Trung Quốc không? Tỷ phú Jack Ma đã trả lời thẳng thắng như sau:

Khi Alibaba mới khởi nghiệp và quy mô còn nhỏ, chúng tôi chỉ tập trung vào thị trường và không quan tâm tới mối quan hệ với chính phủ. Alibaba là công ty phụ thuộc vào thị trường, chúng tôi nỗ lực làm mọi việc để tập trung vào những doanh nghiệp nhỏ và chính phủ hài lòng với những gì chúng tôi đang làm.

Cả chính phủ Trung Quốc và Alibaba đều muốn nền kinh tế diễn biến theo chiều hướng tốt và tạo ra việc làm. Chúng tôi đều muốn mỗi gia đình Trung Quốc hạnh phúc. Vì vậy, chúng tôi cần phải kết hợp với nhau để làm tốt hơn nữa phải không?

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM