Vì sao mô hình Alibaba chỉ có thể thành công ở Trung Quốc?

13/01/2016 10:32 AM | Kinh doanh

Không chọn mô hình B2C hay C2C, Alibaba khởi đầu với mô hình B2B, liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau. Với một quốc gia sản xuất như Trung Quốc, đây lại chính là chìa khóa then chốt đưa Alibaba lên ngôi đầu.

Tháng 4 năm 1999, Jack Ma, nhà sáng lập của Alibaba cho ra đời một sản phẩm lịch sử: Sàn giao dịch thương mại B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) đầu tiên của Trung Quốc với tên gọi Alibaba.com.

Alibaba.com được thành lập trên quan điểm riêng của Jack Ma, đó là các công ty châu Á không nên rập khuôn các mô hình kinh doanh từ Âu hay Mỹ, nhưng có thể học hỏi được nhiều từ họ.

Và Jack Ma đã cho thấy quan điểm của mình hoàn toàn chính xác. Ngày nay, Alibaba.com kết nối hơn 79 triệu doanh nghiệp trên 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. 1688.com, một trang tương tự Alibaba.com, được thành lập vào năm 2003 với mục đích phục vụ B2B giữa các DN Trung Quốc với nhau.

Trong khi tại châu Âu và châu Mỹ, những mô hình TMĐT B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và C2C (khách hàng với nhau) thường được lựa chọn vì có lợi nhuận biên cao hơn cùng quy mô thị trường lớn hơn thì mô hình B2B có nhiều bất lợi: Bán sỉ, biên lợi nhuận thấp và giao vận rất khó khăn.

Mặc dù vậy, Jack Ma tin rằng, tại Trung Quốc, B2B mới là điều cần phải làm trước tiên. Quan điểm của ông xuất phát từ việc Trung Quốc là một thị trường sản xuất và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.

Trong 2 thập kỷ chuyển mình, Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, trở thành nơi sản xuất tập trung cho mọi loại hàng hóa. Những DN sản xuất vừa và nhỏ tại Trung Quốc, có đủ khả năng cung ứng hàng hóa ra toàn cầu nhưng lại đang thiếu đầu ra, trở thành những khách hàng tiềm năng của Alibaba.com.

Thị trường TMĐT B2B từ lâu đã được đánh giá là rất tiềm năng nhưng trước khi Alibaba ra đời, hiếm có sàn TMĐT nào thành công trong lĩnh vực này. Nguyên nhân một phần vì các sàn TMĐT này đều không nằm ở Trung Quốc – nơi có thể sản xuất ra hàng hóa giá rẻ nhất thế giới vào thời điểm đó.

Có thể nói, lợi thế sản xuất của Trung Quốc là điều khó có quốc gia nào học theo được. Kể cả tại Ấn Độ, các trang TMĐT sau này như Flipkart cũng không có ý định trở thành một “Alibaba của Ấn Độ”. Nguyên nhân chủ yếu vì các nhà sản xuất tại đây không thể đưa ra mức giá hợp lý bằng các nhà sản xuất Trung Quốc.

 

Đặc điểm dễ thấy là hàng hóa trên Alibaba.com rất phong phú với số lượng lớn. Đó là những hàng hóa mà thậm chí các công ty khó có thể mua được ở bên ngoài. Vì vậy, họ phải lên Alibaba.com để tìm kiếm.

Thông qua Alibaba, mỗi thành viên có thể tìm thấy thông tin về công ty, hàng hoá mình cần. Sau khi đạt được những thoả thuận về hàng hoá, dịch vụ Alibaba sẽ cung cấp các dịch vụ giúp các công ty giao dịch “offline” với nhau.

Chẳng hạn, các nhà sản xuất máy ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Anh sử dụng Alibaba để tìm kiếm các nhà cung cấp rẻ ở Trung Quốc mà không phải đến tận nơi. Việc sử dụng Alibaba.com cũng giúp các doanh nghiệp không cần gặp mặt nhau trực tiếp, tiết kiệm thời gian và đặc biệt là chi phí cực thấp. Alibaba.com trở thành một đơn vị trung gian quan trọng.

Jack Ma cũng rất khôn ngoan khi cung cấp miễn phí hầu hết các công cụ cho người dùng, đồng thời đưa ra những chức năng đánh giá, xếp hạng để làm tăng độ tin cậy của nhà cung cấp.

“Doanh nghiệp là người hiểu rõ bài toàn của mình nhất mà không cần nhiều thời gian để hướng dẫn như người tiêu dùng thông thường”. Mô hình của Alibaba.com nhanh chóng được chấp nhận. Alibaba.com gặt hái thành công nhanh chóng tại Trung Quốc, Trong 4 năm liền công ty vinh dự nhận được giải thưởng “Best of the Web: B2B” do tạp chí Forbes bình chọn. Công ty cũng được các độc giả của tạp chí Far Eastern Economic Review bình chọn là trang web B2B thông dụng nhất.

Tới năm 2003, sau khi Alibaba.com trở thành điểm đến của mọi DN nước ngoài khi tìm kiếm hàng Trung Quốc, Jack Ma mới tung ra 1688.com, một trang TMĐT giống với Alibaba.com nhưng chuyên phục vụ trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.

Về phạm vi, Alibaba hoạt động chủ yếu ở thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản. Hai thị trường này được Alibaba đặc biệt nhắm tới bằng cách mở hai trang web địa phương (www.alibaba.com.cn và www.alibaba.co.jp) nhằm địa phương hoá hoạt động của mình. Các công ty ngoài hai thị trường trên muốn giao dịch thì phải thông qua trang Alibaba quốc tế (www.alibaba.com).

Trong mục tiêu ngắn hạn, Alibaba nhắm thêm tới các thị trường Hàn Quốc, Singapore và một số thị trường châu Á khác. Trong mục tiêu dài hạn, Alibaba sẽ trở thành cầu nối thị trường giữa châu Á và các thị trường Âu-Mỹ.

Trang web Alibaba (www.alibaba.com) hiện nay có giao diện tiếng Anh và đã có hơn 4.830.000 doanh nghiệp đăng kí từ hơn 240 nước khác nhau. Trung bình, mỗi ngày Alibaba có hơn 18.740 doanh nghiệp mới tham gia. Alibaba.com trở thành sàn TMĐT kết nối doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Có hơn 400.000 mặt hàng được phân loại trong 27 danh mục đang có mặt tại đây.

Từ nền tảng B2B, Alibaba sau này phát triển rộng ra các lĩnh vực khác như B2C và C2C với Taobao và Taobao Mall, rồi sang nhiều lĩnh vực khác trong TMĐT để tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh. Năm 2014, khi niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ, Alibaba được định giá 130 tỉ USD.

Những năm gần đây, Alibaba cũng bị ảnh hưởng do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, tiêu dùng chậm lại và đặc biệt khi hàng hóa Trung Quốc không còn rẻ như trước. Việc các nhà sản xuất lần lượt rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm những thị trường mới có chi phí thấp hơn cũng ảnh hưởng tới hoạt động của Alibaba.

Khánh Hòa

Cùng chuyên mục
XEM