Các ngân hàng đa quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đang trong cơn bĩ cực?
Hoạt động yếu kém cộng thêm sức ép cạnh tranh của những ngân hàng địa phương khiến các tổ chức tài chính đa quốc gia khổng lồ như HSBC, CitiGroup hay JPMorgan Chase đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Nội dung nổi bật:
- Một số ngân hàng đa quốc gia lớn trên thế giới như HSBC, JPMorgan Chase hay Citigroup đang gặp nhiều khó khăn.
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do khó khăn trong khâu quản lý, cạnh tranh tăng cao và sự thắt chặt kiểm soát của cơ quan chức năng.
Kể từ những năm 1990, có 3 loại ngân hàng nổi bật nhất gồm: Các ngân hàng đầu tư, như Goldman Sachs xử lý giao dịch về chứng khoán và phục vụ những khách hàng giàu có ở một số trung tâm tài chính như Hong Kong và Singapore. Một vài ngân hàng như Santander của Tây Ban Nha thì thiết lập sự hiện diện của ngân hàng bán lẻ tại nhiều quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, phổ biến nhất là dạng “ngân hàng có mạng lưới toàn cầu”. Họ tham gia vào tất cả các hoạt động giao dịch, cho vay, chuyển tiền thông qua nhiều quốc gia và tại một số nơi, nó còn hiện diện như một “ngân hàng vạn năng” xử lý mọi thứ từ giao dịch chứng khoán đến cho vay. Tên tuổi của nửa tá ngân hàng lớn nhất hiện đang tô điểm cho những toà nhà trọc trời trên khắp thế giới.
Mô hình ngân hàng toàn cầu kể trên đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng nhẹ vào năm 2008 - 2009. Chỉ duy có Citigroup yêu cầu một gói cứu trợ tổng thể và hiện nó còn vướng vào những rắc rối sâu hơn.
Trong một vài tuần gần đây, Jamie Dimon, ông chủ của ngân hàng JPMorgan Chase đã bị buộc giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc chia tách ngân hàng.
Stuart Gulliver - CEO ngân hàng HSBC thì không hoàn thành được những những mục tiêu tài chính mà ông lập nên từ khi nhậm chức vào năm 2011.
Citigroup đang chờ kết quả cuộc sát hạch hàng năm được thực hiện bởi Cục dự trữ liên bang.
Deutsche Bank đang có những động thái rút lui tại nhiều quốc gia.
Standard Chartered - đơn vị điều hành tại châu Á, châu Phi và Trung Đông cũng mới phải chia tay với ông chủ lâu năm của họ là Peter Sands.
Những ngân hàng nội địa từ lâu vốn bị các ngân hàng toàn cầu "coi thường" thì nay lại đang có biểu hiện tốt hơn.
Tại Anh, Lloyds đã phục hồi rất tốt trong vòng 2 năm qua. Còn ở Mỹ, hầu hết những ngân hàng được đánh giá cao dựa trên giá cổ phiếu so với giá trị của họ là Wells Fargo và một số ngân hàng có kích cỡ trung bình khác.
“Cơn bĩ cực” của những ngân hàng toàn cầu phản ánh kết quả yếu kém gần đây của họ: Tổng cộng 5 ngân hàng được đề cập ở trên đã báo cáo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ là 6% trong năm ngoái. Duy nhất có JPMorgan Chase là vượt qua được mốc này. Các nhà đầu tư lo ngại rằng những con số đó phản ánh một vấn đề sâu hơn nữa nằm trong chiến lược. Nỗi sợ hãi ngày càng dâng cao - liên quan đến những điều khoản và sự phức tạp - vượt qua lợi ích tiềm năng.
Tất cả dường như đã quá xa so với 20 năm trước. Thời điểm đó, các ngân hàng đều cho rằng toàn cầu hoá sẽ dẫn đến bùng nổ thương mại và dòng vốn. Một vài trong số họ cố tìm cách nắm bắt sự phát triển đó. Chính vì vậy, hầu hết đều kế thừa mạng lưới toàn cầu của một vài loại ngân hàng.
Những nhà băng tại châu Âu như BNP Paribas và Deutsche Bank đã hoạt động tại nước ngoài trong nhiều thế kỷ. HSBC và Standard Chartered là những đế chế ngân hàng lâu đời của Anh. Citigroup cũng đã bắt tay vào kế hoạch mở rộng mạng lưới quốc tế của họ trong suốt 1 thế kỷ qua. Chase hiện là một phần của JPMorgan Chase cũng đã mở rất nhiều chi nhánh ở nước ngoài trong những năm 1960 và 1970.
Khi đã mở rộng vào những năm 1990 và 2000, tất cả những ngân hàng này đều tập trung vào việc đa quốc gia - hoạt động yêu cầu rất nhiều thứ từ giao dịch tài chính, giao dịch tiền tệ đến quản lý tiền mặt. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động mở rộng đều thực hiện theo những cấp độ và hướng đi rất khác nhau và hiện nay, nó gần như chỉ chiếm 1/4 doanh thu. BNP xây dựng hệ thống bán lẻ tại Mỹ. Citi và HSBC thì cố gắng làm mọi việc cho tất cả mọi người tại tất cả mọi nơi thông qua rất nhiều thương vụ mua lại.
Mô hình ngân hàng dạng này đang gặp rắc rối bởi 3 lý do:
Đầu tiên, những tổ chức tài chính lớn như vậy gặp rất nhiều khó khăn trong khâu quản lý.
Các công ty con của họ rất vất vả khi xây dựng được hệ thống IT, và phải tự xây dựng văn hoá chung. Khó nắm bắt và tỷ lệ chi phí trên doanh thu của những ngân hàng toàn cầu rất khó đạt được mức tốt hơn so với những ngân hàng địa phương.
Kết quả là, những hãng này đều như bị cám dỗ để tiến nhanh hơn. Citi đã "liều mạng" dấn thân vào trái phiếu thế chấp trong những năm 2005 - 2008. Standard Chartered thì không ngần ngại thực hiện cả những khoản vay lớn cho các “trùm nợ” châu Á.
Thứ 2, cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều so với tưởng tượng.
Bong bóng ngân hàng trong những năm 2000 đã dẫn tới việc những hãng xếp vị trí thứ 2 như Barlays, Societe Generate, ABN Amro và Royal Banck of Scotland (RBS) mở rộng ra toàn cầu, gây xói mòn lợi nhuận của những hãng lớn.
Trong năm 2007, RBS mua ABN như một nỗ lực nâng cao sức mạnh để chống lại những đối thủ cạnh tranh trong mạng lưới ngân hàng lớn. Đáng tiếc tham vọng này đã nhanh chóng phá sản, nó là minh chứng hùng hồn cho kết luận "2 con chó không thể hợp lại thành một con hổ".
Những gã “khổng lồ” cũng mất thị phần vào các ngân hàng “siêu địa phương” tại châu Á như ANZ của Úc hay DBS của Singapore. Trong khi đó, các ngân hàng địa phương lớn ở những thị trường đang phảt triển như ICBC của Trung Quốc, Itau của Brazil và ICICI của Ấn Độ cũng bắt đầu xây dựng tổ chức vượt ra ngoài biên giới của họ.
Cuối cùng, nếu quản lý yếu kém và cạnh tranh khốc liệt là những vấn đề xảy ra trước khủng hoảng thì những quy định diễn ra sau đó còn gây nhiều khó khăn hơn. Chính quyền Mỹ bắt đầu áp dụng những quy định nghiêm ngặt trong việc rửa tiền, trốn thuế.
Điều đó có nghĩa là những ngân hàng toàn cầu không chỉ cần biết khách hàng của họ, mà thậm chí còn phải biết cả khách hàng của những khách hàng của họ, nếu muốn duy trì trạng thái đăng nhập vào hệ thống tài chính của Mỹ. Rất nhiều án phạt kỷ lục đã được đưa ra cho StanChart, BNP và HSBC vì phạm luật.
Bên cạnh đó, những chuyên gia giám sát ngân hàng lại áp đặt các tiêu chuẩn cao hơn về vốn cho một ngân hàng toàn cầu. Theo nguyên tắc ngón tay cái, các ngân hàng lớn sẽ cần “bộ đệm” cho vốn chủ sở hữu, tương đương với khoảng 12-13% tài sản điều chỉnh theo rủi ro so với con số tương tự là 10% với những ngân hàng trong nước.
Các nhà quản lý thậm chí còn yêu cầu ngân hàng toàn cầu vây kín hàng rào xung quanh những ngân hàng địa phương của họ, giới hạn khả năng chuyển vốn trên toàn thế giới. Chi phí của việc điều hành một hệ thống như vậy, vốn để các nhà quản lý hài lòng, là vô cùng lớn. Cụ thể, chi phí cho việc tuân thủ quy định của HSBC tăng lên 2,4 tỷ USD trong năm 2014, cao hơn 50% so với năm trước đó. Con số tương tự với JP Morgan là 3 tỷ USD.
Vậy liệu các ngân hàng toàn cầu có sống sót được không?
Một thước đo cho khả năng sống sót của những ngân hàng này là trường hợp doanh thu trên vốn chủ sở hữu “tốt nhất”. Trên cơ sở này, hầu hết các ngân hàng toàn cầu hiếm khi đạt được mức 10%.
Sau 2 thập kỷ cố gắng đa dạng hoá dựa trên nền tảng của hãng tại châu Á, HSBC vẫn kiếm được phần lớn số tiền của họ tại đây, 2/3 số doanh nghiệp còn lại gần như hoạt động rất tệ. Trong khi đó, lợi nhuận của JP Morgan Chase tăng hơn nhưng khoảng 2/3 các doanh nghiệp của họ thất bại trong việc vượt qua thử thách 10% kể trên. Điều tương tự cũng xảy ra với StanChart. Deutsche là ngân hàng duy nhất có biểu hiện tốt hơn cả.
Một bài kiểm tra về khả năng sống sót khác dành cho các ngân hàng toàn cầu là so sánh lợi nhuận với chi phí. Trong tháng 2, JPMorgan Chase nói rằng doanh thu của họ tăng lên cùng việc tiết kiệm chi phí có thể đẩy quy mô lợi nhuận của hãng lên tới 6 - 7 tỷ USD 1 năm.
Những tranh luận về vấn đề tài chính của các ngân hàng toàn cầu không còn thuyết phục. Và sự phục hồi những tổ chức tài chính khổng lồ này có thể rất khó khăn. Trong bất kỳ trường hợp nào, cả nhà quản lý và người đầu tư đều sẽ nhận thấy 2 tia sáng hiếm hoi.
Tăng lãi suất tại Mỹ: GP Morgan Chase nói rằng họ sẽ có thêm 1/5 lợi nhuận vào năm 2017. Những ngân hàng khác thì giảm cạnh tranh để tăng giá.
Sự rút lui của những ngân hàng thứ cấp cũng sẽ giúp cải thiện tình hình. Vào ngày 26/2, RBS tuyên bố họ sẽ rút lại chi nhánh ngân hàng thương mại và đầu tư tại 13 quốc gia trên tổng số 50 quốc gia được thiết lập vào năm 2008.
Dẫu vậy, một số rào cản cạnh tranh khác tiếp tục gia tăng. Những ngân hàng Nhật Bản đang dần cho vay vượt ra ngoài biên giới quốc gia của họ lần đầu tiên kể từ những năm 1980. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang ngày càng mở rộng hơn. Mạng lưới những ngân hàng phương Tây đã đúng khi cho rằng toàn cầu hoá sẽ dẫn đến sư gia tăng trong số lượng tiền vận chuyển trên toàn thế giới. Và họ đã tìm ra cách để phát triển hơn nữa nhờ lợi thế này.
>> Giới ngân hàng thiệt hại hàng tỷ USD vì Thụy Sỹ
Vân Đàm