Bầu Ðức… chăn bò
“Ngày xưa, ở làng, ông già tui hay bảo, đứa nào học dốt tao cho đi chăn bò chết mẹ… Giờ mình 'chơi' chăn bò luôn”, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL tin rằng, nếu đầu tư bài bản theo nông nghiệp công nghệ cao, ngành chăn nuôi trong nước sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các nước khi hội nhập.
Sẽ có thương hiệu thịt bò HAGL
HAGL tham gia lĩnh vực chăn nuôi từ tháng 6/2014, và đang xây dựng chiến lược chăn nuôi bò của tập đoàn ở cả 3 nước là Việt Nam, Lào và Campuchia. Ðàn bò của ông Ðức chủ yếu nhập từ Úc. Năm 2015, HAGL đã nhập về trên 120.000 con, trong đó, tới 110.000 bò thịt, còn lại là bò sữa. Theo kế hoạch, năm 2016, HAGL sẽ nâng tổng số đàn bò lên khoảng 250 nghìn con.
Chủ tịch HAGL cho rằng, Việt Nam là thị trường có nhu cầu thịt bò rất lớn, trong khi chăn nuôi bò nội địa quy mô nhỏ, cung không đủ cầu, nên phải dựa vào nguồn nhập khẩu. Ngoài nguồn bò sống từ Úc, các doanh nghiệp còn nhập bò từ Thái Lan, Campuchia. “Mới hơn một năm, nhưng chúng tôi đã bỏ ra tới 140 triệu USD nhập bò thịt, bò sữa, bò sinh sản từ Úc, New Zealand về Việt Nam”- ông Ðức nói.
Theo ông Ðức, một lượng bò Mỹ, Úc được nhập vào Việt Nam thời gian qua, thực chất là loại thịt bò cao cấp, thường cung cấp cho các hệ thống nhà hàng sang trọng, khách sạn 5 sao và lượng đó không nhiều. Còn loại thịt bò ngoại “phổ thông” ít, nên khi HAGL đầu tư, làm tốt có thể cạnh tranh với nguồn thịt nhập.
Bầu Ðức cho hay, hiện HAGL đang cung cấp bò hơi cho thị trường Hà Nội khoảng 200 con/ngày và thị trường khoảng 100 con bò/ngày. Bò nhập về vỗ béo, được giết mổ tại các cơ sở được Úc chứng nhận và đảm bảo rằng động vật giết mổ được đối xử nhân đạo.
Chủ tịch HAGL cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta đáng lo ngại. Còn tình trạng trâu bò khi giết mổ bơm nhiều nước, hay thịt heo dùng chất cấm để tạo nạc… chưa dẹp được. Trong khi đó, giá thịt bò của Việt nam đang rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất thế giới.
Tuy vậy, theo ông Ðức, HAGL bán bò hơi chỉ là trước mắt, còn một hai năm nữa, tập đoàn sẽ xây dựng và phát triển theo chuỗi thực phẩm, và “các bạn có cơ hội ăn thịt bò thương hiệu HAGL, với những tiêu chí hàng đầu về vấn đề an toàn thực phẩm”.
HAGL đang là doanh nghiệp có đàn bò thịt lớn nhất cả nước.
Thu tiền tỷ từ phân bò mỗi ngày
Chia sẻ về cơ hội đầu tư vào chăn nuôi bò, “bầu” Ðức cho biết, nguyên tắc khi đầu tư, đưa bò về chắc chắn phải có lãi, nhưng mức lãi còn tùy từng khu vực, địa bàn và đặc biệt là quỹ đất. Vì bò ăn cỏ, nên cần phải có đồng cỏ. Nếu có quỹ đất lớn thì hiệu quả cao hơn, quỹ đất ít, phải bỏ nhiều tiền mua thức ăn.
“Chúng tôi chủ động được 70% nguồn thức ăn cho bò. Lãi hay không là nằm ở chỗ này. Muốn thế, phải có quỹ đất trồng cỏ, rồi tận dụng phân bò để bón, nuôi cỏ; lấy bắp trồng từ Lào, Campuchia làm thức ăn cho đàn bò trong nước. Chúng tôi chỉ nhập một số loại thức ăn bã đậu nành, phụ gia…”- Chủ tịch HAGL nói.
“Nói về nghề, đi hốt rác cũng có thể làm giàu được. Trong khi ngành nông nghiệp là một ngành lớn, nếu anh có tư duy, biết làm thì thu nhập tốt. Khi đầu tư vào nông nghiệp, phải đầu tư công nghệ cao, đó là tư duy mới, còn tư duy cũ, thì thua ngay”.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL Ðoàn Nguyên Ðức
Ông Ðức là nhà kinh doanh sành sỏi, nên từng công đoạn trong chăn nuôi được tính toán kỹ lưỡng. Ngay cả phân bò, ông Ðức cũng có thể thu tới tiền tỷ mỗi ngày.
Ông cho biết: “Trước đây, chúng tôi tốn trên 300 tỷ đồng tiền phân bón mỗi năm, nay nhờ có nguồn phân bò, nên chi phí này được cắt giảm. Tính ra, mỗi ngày, chúng tôi cũng kiếm được cả tỷ đồng tiền từ phân bón. Còn toàn bộ phân bò sữa, HAGL làm hầm biogas để phát điện, bã mía cũng dùng để phát điện”.
Theo ông chủ đến từ “phố núi”, thực tế, khó khăn của với ngành chăn nuôi bò Việt Nam, chính là quỹ đất. Các nước như Mỹ, Úc đất họ rộng bao la. Nhìn về quỹ đất trong nước, ông Ðức thấy “rất thèm” những nông lâm trường hàng triệu héc-ta đang bị lãng phí, vì làm ăn không hiệu quả. “Nhìn quỹ đất đó, không chỉ tôi, mà rất nhiều doanh nghiệp đều thèm. Tôi đã nhiều lần tiếp cận, nhưng đâu có dễ”- ông Ðức nói.
Chủ tịch HAGL chia sẻ rằng, thời hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại, là việc trước sau gì cũng phải làm và chúng ta không thể tự cô lập được. Tuy nhiên, cái “kẹt” của quá trình đó, chính là người nông dân, khi sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá thành cao. Vì thế, ông cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, nếu có điều kiện theo nghề chăn nuôi, phải làm lớn thì chả bao giờ thua Mỹ, Úc cả.
Ông Ðức cũng tin tưởng cách làm và hướng đi của các doanh nghiệp trong nước như TH True Milk, Vinamilk… “Con giống như nhau, công nghệ trên thế giới rất nhiều. Anh muốn mua công nghệ ở đâu cũng được. Nhân công tại chỗ của ta rẻ hơn, thị trường lớn, đương nhiên đó là lợi thế của doanh nghiệp Việt”- ông Ðức nói.
Ðủ sức nuôi 1 triệu con bò
Theo bầu Ðức, nói về nghề, đi hốt rác cũng có thể làm giàu được. Trong khi nông nghiệp là một ngành lớn, nếu anh có tư duy, biết làm thu nhập tốt. Khi đầu tư vào nông nghiệp, phải đầu tư công nghệ cao, đó là tư duy mới, còn đầu tư mà tư duy cũ, thì thua ngay.
Cơ hội của chăn nuôi khi hội nhập, ông Ðức cho rằng: “Ðầu tiên Chính phủ phải quy hoạch vùng nào là vùng chăn nuôi, rồi tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Họ mới đủ sức nhập công nghệ, thuê chuyên gia giỏi để làm. Còn để nông dân thì không thể nào cạnh tranh được hết”.
Ông chủ Tập đoàn HAGL cho rằng, để ngành chăn nuôi bò phát triển bền vững, không thể “cứ bỏ đô-la ra nhập bò thịt là được”. Về lâu dài phải nuôi bò sinh sản, tức là nhập con giống, để tạo nguồn giống tại chỗ. Như thế sẽ đỡ tốn ngoại tệ. Còn hiện các doanh nghiệp nhập bò thịt, có thể nhập loại 500 kg/con về mổ ngay, hay 250 kg rồi về vỗ béo mấy tháng sau giết thịt chỉ là phần ngọn.
Vị doanh nhân này phân tích, tại Úc giá thịt bò chỉ 2 USD/kg, nhưng về Việt Nam đã mất tới 3,1 USD/kg, do chi phí vận chuyển tới 30-35%, chưa kể rủi ro. Do vậy, nếu tự chủ về con giống và nuôi tại chỗ, tại sao doanh nghiệp chúng ta lại không cạnh tranh được?
Tuy nhiên, bầu Ðức cho rằng, giai đoạn đầu chúng ta phải chấp nhận nhập bò thịt. “Hiện tại chúng tôi có khoảng 15.000 con bò giống, tương lai sẽ nhập về nhiều nữa, sau đó giảm nhập và tiến tới không nhập khẩu, tự chủ về con giống. Chúng tôi sẽ nâng quy mô tổng đàn lên 500 nghìn con trong tương lai không xa”- ông cho biết.
Theo ông chủ của HAGL, trong chăn nuôi bò, quỹ đất và công nghệ chăn nuôi là yếu tố quyết định thành công. Hiện tập đoàn này hiện có khoảng 100 nghìn ha đất. Và với quỹ đất đang có, theo ông Ðức đủ khả năng nuôi được cả triệu con bò”.