Bán lẻ: Ngành hot 2014

03/02/2014 08:00 AM | Kinh doanh

90 triệu dân Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư.

Ngày 1-1-2014, nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon Mall đã đưa vào khai thác trung tâm mua sắm đầu tiên mang tên Aeon Mall Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú, TPHCM sau hai năm gia nhập thị trường. Với vốn đầu tư 100 triệu USD,  “mở hàng” trong ngày đầu tiên của năm, Aeon cho thấy tham vọng bành trướng trong ngành bán lẻ của Việt Nam. 

Cùng với Aeon, Lotte Mart, đại gia đến từ Hàn Quốc đang hoàn tất những khâu cuối cùng để khai trương siêu thị tại quận Đống Đa và dự kiến mở thêm một trung tâm thương mại vào giữa năm sau tại quận Ba Đình. 

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, Walmart cũng cho thấy những tín hiệu “rục rịch” gia nhập thị trường. Dù thông tin chưa chính thức nhưng thời điểm đầu tháng 1/2014, các đại diện của Walmart đã có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu thị trường, cả mua lẫn bán.

Dù bị rơi khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới từ hai năm trước, nhưng Việt Nam với 90 triệu dân vẫn tỏ ra hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, khối ngoại luôn là khu vực sôi động nhất trong ngành bán lẻ. Tại TP HCM, Parkson vừa đầu tư 8 triệu USD để mở trung tâm mua sắm thứ 9 của mình tại Việt Nam với tên gọi Parkson Cantavil. Đây được xem là chuỗi trung tâm thương mại cao cấp với số lượng lớn nhất hiện nay trên cả nước. 

Các đại gia lâu đời tại Việt Nam như Big C, Metro...  Big C tuyên bố “không hạn chế điểm bán miễn là có mặt bằng”. Đại gia từ Pháp đang dần mở rộng ra thị trường nông thôn, sau khi dự tính các thành phố lớn sắp trở nên bão hòa.

Thị trường Việt Nam với 90 triệu dân vẫn tỏ ra hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài

Không chỉ có DN chuyên bán lẻ mở rộng hệ thống mà các DN nổi danh trong lĩnh vực bất động sản, công nghiệp cũng đầu tư vào siêu thị. Tập đoàn Sơn Hà thành lập chuỗi siêu thị Hiway. Tập đoàn Vingroup cũng tham gia thị trường bán lẻ bằng kế hoạch phát triển chuỗi VingKC trên toàn quốc. Tập đoàn Alphanam cũng sẽ tham gia thị trường vào năm 2014 với chuỗi siêu thị 79 Mart.

Ocean Retail - thuộc Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) mới gia nhập thị trường từ năm 2013, sau khi mở ra những đại siêu thị tại Royal và Times City, vừa công bố sẽ khai trương thêm một trung tâm thương mại và một siêu thị tại hai quận của Hà Nội. Một siêu thị mang thương hiệu này tại Hà Tĩnh cũng chuẩn bị đi vào hoạt động từ đầu năm 2014. 

Saigon Co.op, chuỗi siêu thị nội lớn nhất Việt Nam, năm 2013 tuyên bố cùng đại gia Singapore là NTUC FairPrice mở ra hai chuỗi siêu thị Co.op Xtra và Co.op XtraPlus. Dự kiến, số lượng siêu thị sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2014. Trong đó, Saigon Co.op cụ thể hóa chiến lược Bắc tiến khi khai trương thêm siêu thị thứ 2 tại quận Hoàng Mai với vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng.
 
Dân số đông cùng việc quy hoạch chưa phù hợp tại các thành phố lớn khiến các đại gia từ nội đến ngoại đua nhau gia nhập thị trường bán lẻ.  Trong số này, có những cái tên từng thành công trong ngành bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi, liệu bán lẻ có trở thành trào lưu như chứng khoán, bất động sản những năm trước hay không?

Theo ông Trần Tuấn Hải, chủ tịch Alphanam, việc xuất hiện những cơn sóng đầu tư vào một lĩnh vực nào đó tại Việt Nam xuất phát từ việc thị trường trong nước con sơ khai. Khi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi thì sẽ có nhu cầu, sinh ra hệ thống bán lẻ ào ạt. 

Tuy nhiên, cũng giống như bất động sản hay chứng khoán, sẽ không có chuyện tất cả đều thành công trên thị trường bán lẻ. “Chỉ có những người “nhanh chân” đi đầu với những chiến lược hợp lý mới có thể thành công, còn lại phải chấp nhận thất bại, đó là sự đào thải”, ông Hải nhận định.

Việc mở các chuỗi bán lẻ trong thời điểm này cũng mang nhiều rủi ro.Tác động của khó khăn của nền kinh tế khiến sức của người dân năm nay rất thấp. Bên cạnh đó, làn sóng của khối ngoại đang ào ạt tiến vào thị trường cũng khiến các DN gặp khó khăn. Để tồn tại, liên doanh, liên kết dần trở thành giải pháp bắt buộc với DN nội.

Trang Lam

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM