Ba thập kỷ doanh nghiệp tư nhân Việt: Trưởng thành (P3)

15/04/2013 16:45 PM | Kinh doanh

Trưởng thành

Trong bức tranh khó khăn chung của giai đoạn này, bên cạnh nhiều người khổng lồ gục ngã, vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh. FPT, Masan là các ví dụ tiêu biểu, mặc dù họ hoạt động trong những ngành khác nhau và mỗi doanh nghiệp lại có những nét đặc thù riêng.

Để hiểu được chìa khóa thành công của các doanh nghiệp trong giai đoạn này, hãy nhìn vào chiến lược thị trường, chiến lược tài chính và chiến lược quản trị của họ.

Về mặt chiến lược thị trường, có hai điểm tạo nên sức kháng cự trước khủng hoảng cho các doanh nghiệp này: 

Thứ nhất là kinh doanh trong các ngành có sức kháng cự tốt trong khủng hoảng như hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngành này ở Việt Nam còn có lợi thế nhờ quy mô dân số hơn 90 triệu dân và thị trường còn thiếu vắng các nhà cung cấp chuyên nghiệp. Masan Consumers thuộc nhóm này.

Điểm mạnh thứ hai của họ trong chiến lược thị trường là tập trung xây dựng được thị phần lớn, thay vì lan man trong bài toán đa ngành. 

FPT phát triển xoay quanh mảng công nghệ. Masan là một trường hợp tương đối đặc biệt, họ tập trung vào 3 lĩnh vực và đều làm tốt trên cả 3 là hàng tiêu dùng, khai thác tài nguyên và ngân hàng. 

Phần lớn các sản phẩm của Masan Consumers đều có thị phần rất lớn và gần 90% lợi nhuận của Masan Group hiện nay đến từ mảng này, Techcombank là ngân hàng mạnh và mỏ Núi Pháo là một dự án được triển khai hết sức bài bản. 

FPT sau giai đoạn đi chệch hướng đầu tư vào Tiên Phong Bank, Công ty Chứng khoán FPT và chịu những tổn thất nhất định, đã nhận ra sai lầm và nhanh chóng tập trung trở lại vào công nghệ.

Về mặt chiến lược tài chính, các doanh nghiệp thành công trong giai đoạn này có chiến lược tài chính bài bản và biết cách khai thác nguồn vốn quốc tế. 

Vay mượn từ ngân hàng ít, nhất là không mắc vào bẫy vay ngắn hạn để tài trợ các dự án dài hạn, khiến họ không bị tác động mạnh bởi việc thắt chặt tín dụng. Điển hình nhất là Vinamilk với số nợ ngân hàng gần như bằng không trong vài năm trở lại đây.

Trường hợp của Masan còn thú vị hơn. Đây là doanh nghiệp đang trong giai đoạn bứt phá mạnh mẽ và vì thế cần nguồn vốn rất lớn. Bong bóng tài chính vỡ, việc huy động vốn trở nên đặc biệt khó khăn đối với tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhưng Masan lại liên tục thành công trong việc huy động các nguồn tài trợ dài hạn của quốc tế cho các dự án mới. Chỉ tính từ đầu năm 2009 trở lại đây, tổng số tiền Masan huy động được từ các đối tác trong và ngoài nước đã lên tới hơn 1 tỉ USD.

Về mặt chiến lược quản trị, các doanh nghiệp này đều thành công ở hai mặt: chiêu mộ và sử dụng thành công người tài và quản trị hiện đại.

FPT từ giữa thập kỷ 1990 đã tự biến mình thành cái nôi của nhân tài trong lĩnh vực công nghệ. 

Masan là một trong vài doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều tài năng nước ngoài nhất. 

Kế tiếp sẽ là gì?

Việt Nam đã đi qua một thời bong bóng. Các doanh nghiệp tư nhân đã nhiều lần lột xác. Sự khắc nghiệt của giai đoạn hiện nay đang thực hiện chức năng sàng lọc của nó. Nhờ đó, Việt Nam đang dần có nhiều hơn các doanh nghiệp bài bản. Kế tiếp sẽ là gì? Không ai đoán được doanh nghiệp nào sẽ lên, doanh nghiệp nào sẽ xuống, thậm chí là các doanh nghiệp đang thành công hiện nay sẽ đi tiếp thế nào. Thế nhưng, có nhiều yếu tố mang tính quy luật và Việt Nam sẽ không tránh khỏi.

Thứ nhất, đã qua rồi thời kỳ kinh doanh manh mún và chộp giật. 

Có thể một vài trường hợp theo mô hình này vẫn thành công, nhưng nó không còn là xu thế.

Thứ hai, phải biết kiểm soát sự phấn khích và tự tin thái quá. 

Khi đi qua thời niên thiếu, cái người ta học được là sự cẩn trọng và tính chừng mực cần thiết. Sự cẩn trọng và chừng mực trong kinh doanh được hiểu là khả năng phân tích, định lượng rủi ro và tôn trọng các quy luật về quản trị rủi ro.

Thứ ba, để thành công lâu dài, phải biết đồng hành với các nhà đầu tư quốc tế. 

Và để làm được việc này thì cần vận hành theo các chuẩn mực quản trị toàn cầu, đặc biệt là năng lực quản trị tài chính. Masan từ một công ty chưa ai biết nhảy lên vị thế như hiện nay chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm. Họ làm được điều này là nhờ vận dụng nhuần nhuyễn các công cụ tài chính phức tạp hơn bất kỳ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nào khác.

Thứ tư, mặc dù ngành nào cũng có những doanh nghiệp thành công, nhưng sẽ có những ngành có tiềm năng phát triển mạnh hơn các ngành khác. 

Ở Việt Nam, các ngành có tiềm năng lâu dài vẫn sẽ là các ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng (như thực phẩm, hoặc giáo dục, y tế), các ngành tận dụng lợi thế tự nhiên (như nông nghiệp) và các ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cần thiết trong quá trình phát triển (như công nghệ).

Cuối cùng, một bong bóng đã nổ và chắc chắn một bong bóng khác sẽ xuất hiện. 

Sẽ có những doanh nghiệp chớp được thời cơ và lột xác nhờ bong bóng, nhưng đa số sẽ rơi vào tình trạng “của thiên trả địa” giống như giai đoạn vừa rồi. Vì thế, để thành công bền vững thì không dựa vào bong bóng, mặc dù có thể tận dụng bong bóng. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM