Thời khai sinh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (P1)

15/04/2013 09:34 AM | Kinh doanh

Trong giai đoạn sơ khai của thị trường, để thành công nhiều khi chỉ cần mua một dây chuyền sản xuất hiện đại vừa phải và tập trung làm thương hiệu vừa phải là đủ.

Đây không phải lần đầu các ông chủ doanh nghiệp tư nhân Việt vấp váp. Và mỗi lần vấp họ lại lớn mạnh hơn.

Kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn. Những ghềnh thác đất nước đang phải vượt qua khiến nhiều người nản lòng. Tuy nhiên, khi nhìn lại lịch sử gần 30 năm kể từ ngày Đổi mới, có thể thấy rằng các ông chủ doanh nghiệp Việt từng trải qua những giai đoạn cam go không kém. Đã có nhiều sai lầm, đổ vỡ, mất mát và trả giá, nhưng các nhà tiên phong liên tục xuất hiện, tìm tòi, đột phá và không ít trong số đó vẫn tồn tại vững mạnh cho đến bây giờ.

Phần 1: Khai sinh

Những dòng đầu tiên trong chương mới về kinh tế thị trường của Việt Nam được viết vào năm 1986, khi kế hoạch Đổi mới nền kinh tế được thông qua. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ sau dấu mốc này và giai đoạn 1986-1997 có thể coi là thời kỳ “khai sinh” trong lịch sử doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sau ngày giải phóng.

Luật Doanh nghiệp Tư nhân và Luật Công ty được ban hành năm 1990, dù còn sơ sài và thiếu sót, đã mở ra hành lang thể chế cho khu vực tư nhân. Về mặt tài chính, sau khi các ngân hàng nước ngoài như ANZ, Bangkok Bank, BNP được cấp phép mở chi nhánh ở Việt Nam từ năm 1992 thì năm 1993 ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam là VP Bank ra đời.

Về mặt thị trường, ngoài việc dỡ bỏ chế độ bao cấp, hai giá và ngăn sông cấm chợ, Việt Nam bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1994 và gia nhập ASEAN năm 1995, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Nhờ vậy, số doanh nghiệp tư nhân được thành lập mỗi năm tăng rất nhanh, từ 6.808 đơn vị năm 1993 lên 25.002 đơn vị năm 1997. Với lịch sử từng là một nền kinh tế thị trường trước năm 1975, không ngạc nhiên là miền Nam đi tiên phong với nhiều doanh nghiệp thậm chí đã hình thành trước năm 1986, dưới dạng tổ hợp sản xuất hoặc hợp tác xã sản xuất. Các tên tuổi như kem đánh răng Dạ Lan, từ điển Lạc Việt, giày dép Biti’s, nước rửa chén Mỹ Hảo, đồ may mặc Minh Phụng, nước hoa Thanh Hương, hoa quả khô Vinamit, bánh Kinh Đô đều từ miền Nam.

Biti’sKinh Đô khởi nghiệp trong giai đoạn này và cho đến giờ vẫn là các doanh nghiệp mạnh. Biti’s khởi đầu là một tổ hợp sản xuất dép cao su với khoảng 20 công nhân, trong khi Kinh Đô là một cơ sở bánh mì với khoảng 70 người. Hai doanh nghiệp khác từng rất thành công nhưng hiện giờ đã biến mất là Công ty Thanh Hương (chủ nhân của thương hiệu nước hoa Thanh Hương) và Công ty Sơn Hải (chủ nhân của thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan).

Các doanh nghiệp thành danh ở thời kỳ này phần lớn tập trung vào sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, chất tẩy rửa, đồ sinh hoạt thiết yếu, hay quần áo. Đây cũng là lựa chọn tự nhiên vì sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu không cần đầu tư lớn mà lại dễ tiêu thụ khi thị trường đang đặc biệt khan hiếm, do hậu quả méo mó của cơ chế kinh tế tập trung để lại. 

Vì thế, Biti’s làm giày dép và trở thành một trong vài doanh nghiệp giày dép uy tín nhất Việt Nam, Kinh Đô trở thành một thương hiệu bánh từ Nam ra Bắc ai cũng biết, kem đánh răng Dạ Lan có thời chiếm tới 30% thị trường toàn quốc và nước hoa Thanh Hương - mặt hàng tương đối xa xỉ hơn - cũng thống trị thị trường.

Với hệ thống luật pháp còn lỏng lẻo khi đó, việc tổ chức và quản trị công ty theo các mô hình doanh nghiệp hiện đại là chuyện xa vời. Phần lớn việc điều hành doanh nghiệp lúc này mang màu sắc gia đình. Kinh Đô mang đậm dấu ấn của gia đình ông Trần Kim Thành, Biti’s có thể coi là con đẻ của gia đình ông Vưu Khải Thành, Thanh Hương của ông Nguyễn Văn Mười Hai và Sơn Hải (Dạ Lan) của cá nhân ông Trịnh Thành Nhơn.

Chìa khóa thành công trong giai đoạn này không khó tìm. Thị trường nội địa khi đó còn khan hiếm, sản xuất trong nước còn manh mún và hàng nước ngoài cũng mới thâm nhập vào, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc. Vì thế, để thành công nhiều khi chỉ cần mua một dây chuyền sản xuất hiện đại vừa phải và tập trung làm thương hiệu vừa phải là đủ. Cái khó là ở chỗ tiền đâu để mua các công nghệ này.

Một số doanh nghiệp có bề dày lịch sử phát triển đủ để tích lũy vốn, hoặc có nguồn tài trợ từ bên ngoài như bạn bè, cộng đồng, đã có được sức mạnh tài chính để bứt phá. Kinh Đô, từ năm 1993, đã nhập dây chuyền sản xuất bánh snack công nghệ Nhật trị giá trên 750.000 USD, tương đương hơn 1.000 cây vàng vào thời điểm đó. 

Trong khi đó, năm 1991, Biti’s đã thành lập Công ty Liên doanh Sơn Quán giữa Hợp tác xã Cao su Bình Tiên với Công ty SunKuan Đài Loan để sản xuất hài, dép xuất khẩu. Theo Biti’s, đây là công ty liên doanh đầu tiên giữa một đơn vị kinh tế tư nhân Việt Nam với một công ty nước ngoài.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Thị trường tài chính trong giai đoạn này còn rất sơ khai. Hệ thống ngân hàng thương mại đang trong thời kỳ thôi nôi và thị trường chứng khoán là một khái niệm xa vời. Vì thế, các doanh nghiệp đều phải dựa vào sức mình, phát triển dựa trên lợi nhuận giữ lại hoặc liên doanh liên kết với nước ngoài. Một vài doanh nghiệp thử bước ra khỏi mô hình này thì ngay lập tức thất bại. Thanh Hương là một ví dụ.

Khi ông Nguyễn Văn Mười Hai sử dụng uy tín cá nhân và doanh nghiệp mình để huy động tiền gửi của công chúng với lãi suất rất cao (lên tới 15%/tháng) trong khi năng lực lõi của doanh nghiệp không mạnh, sản phẩm bị hàng nhập (lậu) từ Thái Lan và Trung Quốc cạnh tranh và dần đánh mất thị trường, việc Thanh Hương không trả được nợ là tất yếu. Khi số nợ không trả được lên tới 37 tỉ đồng vào năm 1990 (vào thời kỳ đó một tỉ đồng tương đương vài ngàn cây vàng), ông Nguyễn Văn Mười Hai bị bắt và Thanh Hương phá sản.

Tìm kiếm công nghệ hiện đại và nguồn vốn mạnh để cạnh tranh và bứt phá là câu chuyện ai cũng nghĩ tới. Liên doanh với nước ngoài là con đường có nhiều doanh nghiệp chọn lựa. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Dạ Lan là một thí dụ.

Trước năm 1995, Dạ Lan là 1 trong 2 thương hiệu mạnh nhất ở Việt Nam, chỉ đứng sau P/S (thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân Phong Lan). Năm 1995, khi các ông lớn của thế giới là Unilever và Colgate Palmolive vào Việt Nam, họ đã đặt vấn đề liên doanh lần lượt với 2 thương hiệu này. Một thời gian ngắn sau đó, Unilever mua P/S. Dạ Lan được bán cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD với thỏa thuận Colgate Palmolive sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu Dạ Lan. Thế nhưng, sau khi mọi thủ tục chuyển nhượng và liên doanh hoàn thành, thương hiệu Dạ Lan chỉ tồn tại thêm được vỏn vẹn 3 tháng, nhường chỗ cho kem đánh răng Colgate.

Những thất bại cay đắng của Thanh Hương trong câu chuyện huy động vốn hay của Dạ Lan trong việc liên doanh với nước ngoài là những bài học đầu đời của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Giống như một đứa trẻ mới tập đi, vấp ngã là chuyện không tránh khỏi. Thế nhưng, nhờ những trải nghiệm đó, khu vực tư nhân đã tự lớn lên. Nhiều doanh nghiệp khởi nguồn từ những năm tháng đó nay đã trở thành những doanh nghiệp lớn cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ sừng sỏ của thế giới, không chỉ trên thị trường nội địa mà còn cả trên các thị trường nước ngoài.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM