Ba thập kỷ doanh nghiệp tư nhân Việt: Thời niên thiếu (P2)
Niên thiếu
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 tuy không ảnh hưởng trực tiếp nhưng dư chấn của nó đã có những tác động quan trọng đến nền kinh tế Việt. Một trong số đó là tốc độ đổi mới được đẩy nhanh hơn. Luật Doanh nghiệp được sửa đổi năm 1999, sau đó được sửa thêm một lần nữa vào năm 2005, đã trở thành thành tựu quan trọng nhất về thể chế trong thời kỳ Đổi mới. Thị trường chứng khoán ra đời năm 1998, sau vài năm mờ nhạt đã trở nên sôi động, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn.
Trải qua hơn một thập kỷ tích lũy vốn và kinh nghiệm, hệ thống doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam bước vào một thời kỳ mà các rào cản về thể chế cơ bản được dẹp bỏ, thị trường trong nước và quốc tế được khơi thông với kết quả cuối cùng là việc gia nhập WTO năm 2006. Giống như một đứa trẻ mới lớn được trang bị nhiều đồ chơi đắt tiền, giai đoạn từ 1997 đến 2007 được đặc trưng bởi sự sôi động, phấn chấn và nhiều khi bốc đồng. Vì thế, có thể coi đây là giai đoạn niên thiếu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Khác với giai đoạn đầu chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp tư nhân thành công trong giai đoạn này đến từ rất nhiều ngành nghề khác nhau. FPT làm công nghệ thông tin; Hoàng Anh Gia Lai làm đồ gỗ; Hòa Phát sản xuất thép và khai thác khoáng sản; ACB, Techcombank làm ngân hàng; SSI làm chứng khoán; Phát Đạt làm bất động sản; Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn làm thủy hải sản xuất khẩu. Sự lấn sân của khu vực tư nhân trong nhiều ngành kinh tế là một bằng chứng rõ ràng về tầm vóc đang lớn dần lên của nó.
Tuy nhiên, những năm cuối của giai đoạn này chứng kiến một trào lưu đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, tập đoàn hóa các công ty tư nhân. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bắt đầu đổ tiền vào bất động sản, tài chính và đánh mất sự tập trung vào năng lực lõi.
Về nguồn vốn cho phát triển, nếu như giai đoạn trước hết sức khó khăn thì giai đoạn này lại quá dễ dàng. Hệ thống ngân hàng thương mại tăng trưởng nóng với nguồn tín dụng rẻ và dễ dãi. Vốn nước ngoài, thông qua các quỹ đầu tư, cũng dồn dập chảy vào Việt Nam. Kết hợp lại, chúng tạo ra một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn.
Tuy nhiên, chính điều này lại tạo ra một con dao hai lưỡi. Được nuông chiều thái quá, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã bị lạc lối. Họ ngày càng rời xa năng lực lõi, hoặc đầu tư quá mạnh, mở rộng quá nhanh mà không tính đến khả năng hấp thụ lâu dài của thị trường.
Những doanh nghiệp thành công trong giai đoạn này đều là các doanh nghiệp đã có nền móng vững chắc được xây dựng từ trước, chớp được thời cơ tiếp cận vốn rẻ và phát hành với giá cao cho các nhà đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh kinh doanh nhưng không bị rơi vào tình trạng chạy theo bong bóng và tự đẩy mình vào bẫy tín dụng sau này. Hoàng Anh Gia Lai và SSI là hai thí dụ tiêu biểu.
Khởi nghiệp từ một xưởng gỗ nhỏ ở vùng hẻo lánh xã Chưhđrông (Gia Lai) hồi đầu những năm 1990, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức ban đầu chỉ tập trung vào làm gỗ. Mãi tới năm 2002, HAGL mới mở thêm xưởng làm đá granite. Năm 2004, HAGL lấn sân vào bất động sản với việc khai trương HAGL Resort ở Quy Nhơn. Lợi nhuận tích lũy được trong suốt hơn 10 năm hoạt động đã được HAGL đầu tư vào các dự án trồng cao su ở Việt Nam và Lào cùng một quỹ đất rộng lớn với 22 dự án khác nhau tính đến cuối năm 2006.
Nền tảng tốt này đã tạo đà cho HAGL liên tục huy động được vốn từ các nhà đầu tư chiến lược như Jaccar, VCBF, Dragon Capital, Asia-Vantage Global, SSI, Sacombank, SBS, Quỹ Đầu tư Thành Việt và VF1. Các nhà đầu tư này khi đó đã mua cổ phiếu của HAGL với giá rất cao, lên tới 150.000 đồng một cổ phần (so với giá hiện nay là 26.000 đồng). Nhờ được “bơm máu” với số lượng lớn, HAGL có được nguồn tài chính để đầu tư mạnh vào các dự án chung cư, khu nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng, trồng cao su, làm thủy điện, khai mỏ ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Lớn lên từ phố núi, HAGL giờ đã trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa quốc gia.
SSI cũng là điển hình thành công của một doanh nghiệp gần như từ số không vươn lên vị thế doanh nghiệp ngàn tỉ chỉ trong một thời gian cực ngắn nhờ chớp được thời cơ vàng. Năm 1999, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) được thành lập với số vốn ban đầu chỉ là 6 tỉ đồng. Nắm bắt cơ hội vàng với dòng vốn dễ dãi từ các nhà đầu tư nước ngoài, SSI đã tăng vốn 16 lần kể từ khi thành lập. Đến nay, SSI chỉ qua 12 năm hoạt động đã tích lũy được số vốn lên tới hơn 3.500 tỉ đồng và là công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản lên tới hơn 7.900 tỉ đồng, gấp 1.300 lần so với vốn ban đầu.
Thử thách và trả giá
Thời niên thiếu được nuông chiều của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mau chóng kết thúc kể từ cuối năm 2007. Sự non nớt, thiếu chuyên nghiệp đã dần dần bộc lộ. Trở thành triệu phú đôla trong một thời gian rất ngắn và dư thừa các nguồn tài chính mời chào, khá nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã lầm tưởng họ có thể thành công trong mọi lĩnh vực.
Kinh Đô từ một công ty bánh kẹo nhảy sang làm bất động sản. FPT, biểu tượng của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, cũng hăm hở xoay sang ngân hàng, bất động sản và quản lý quỹ.
Các biến động bất lợi về vĩ mô trong nước cộng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 đã làm quả bong bóng tài chính và bất động sản ở Việt Nam nổ tan. Lạm phát cao kéo theo lãi suất tăng vọt, nguồn vốn vay ngân hàng bị siết chặt. Việc huy động vốn qua các nhà đầu tư nước ngoài trở nên cực kỳ khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vốn đang hoạt động như những cỗ máy nghiền vốn, bị phanh gấp và gục ngã.
Tình trạng này ban đầu được nhìn nhận như là một cú sốc ngắn hạn và thị trường được kỳ vọng sẽ quay trở lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm lặn ngụp trong đà giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận ra đây là một hiện thực mới. Hiện thực này sẽ kéo dài và thời hoàng kim sẽ không sớm quay trở lại. Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là thích nghi với nó để phát triển, chứ không phải kỳ vọng có một phép màu.
Những năm vừa qua giống như một cuộc thi trắc nghiệm kéo dài. Nhiều doanh nghiệp rất thành công trong giai đoạn trước đã không thể trụ vững.
Việc đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, đa ngành và sử dụng đòn bẩy tài chính quá mạnh trong giai đoạn trước đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân lao đao. Mai Linh là một điển hình. Từng nắm vị trí số một trên thị trường vận tải đường bộ ở Việt Nam, công ty này đã bung ra các lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại, đào tạo nghề, du lịch, xây dựng, bất động sản, tư vấn quản lý. Vào thời kỳ đỉnh điểm, Mai Linh đã sở hữu đến gần 60 công ty đa ngành theo dạng mẹ con, chưa kể các công ty cháu trên toàn quốc. Việc đầu tư tràn lan và không hiệu quả đã đẩy Mai Linh vào chỗ ngày càng khó khăn. Kể từ năm 2007, Mai Linh đã liên tục chịu lỗ với mức lỗ có lúc lên đến gần 200 tỉ đồng.
Trong khi đó, những lỗ hổng trong quản trị và điều hành đã đẩy ACB, vốn được coi là một trong vài ngân hàng thương mại tư nhân lớn và quản trị rủi ro tốt nhất Việt Nam, vào hàng loạt rắc rối. Hàng loạt nhân sự chủ chốt của ngân hàng này buộc phải từ nhiệm và bị khởi tố vì liên quan đến việc chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây thiệt gại gần 719 tỉ đồng. Sau cú sốc này, dù vẫn là một ngân hàng tư nhân lớn, sức mạnh của ACB đã giảm rất nhiều.
Theo Theo Nhịp cầu đầu tư
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!