Ayala - Gia tộc khổng lồ đang muốn "thâu tóm" ngành nước Sài Gòn là ai?

24/12/2012 14:28 PM | Kinh doanh

Gia tộc Zobel de Ayala ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội Philippines suốt gần 200 năm qua. Tham vọng của họ với ngành nước Sài Gòn là gì?

Đây Ayala. Kia Ayala

Xuống tàu ở nhà ga Ayala, đi khoảng 200m về phía Đông Bắc rồi rẽ trái là tới Đại lộ Ayala, trái tim của trung tâm tài chính Makati thuộc thủ đô Manila, Philippines. Nổi bật trong số các tòa nhà chọc trời trên đại lộ này là tháp Ayala Tower One nằm trong Tam giác Ayala (Ayala Triangle), nơi đặt Sở giao dịch chứng khoán Philippines.

Đối diện bên đường là khu phức hợp mua sắm giải trí Ayala Center. Đây Ayala. Kia Ayala. Nhân tiện, khu Makati là do nhà Ayala xây dựng và giao thông công cộng ở Manila cũng do nhà Ayala đặt nền móng.

Ayala là tập đoàn lớn nhất và giàu truyền thống nhất tại Philippines. Bốn trụ cột của tập đoàn là Ayala Land trong lĩnh vực bất động sản, Bank of the Philippine Islands (BPI) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Globe Telecom trong lĩnh vực viễn thông và Manila Water trong lĩnh vực cấp thoát nước.

Để bạn đọc dễ hình dung, nếu sáp nhập bốn người khổng lồ trong 4 lĩnh vực tương ứng là Ngân hàng Công thương, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) thì sẽ ra một tập đoàn đa ngành (conglomerate) ngang ngửa với Ayala. Trong năm 2011, họ nhà Ayala đóng góp 4 thành viên trong số 20 doanh nghiệp thu lời nhiều nhất Philippines.

Tương quan "tứ trụ" nhà Ayala với 4 doanh nghiệp hàng đầu cùng ngành ở Việt Nam
(đơn vị: triệu USD)

Ngân hàng đầu tiên, đồng tiền đầu tiên

Với người Philippines, tập đoàn thành lập năm 1834 này là đã một phần của lịch sử và truyền thống. Năm 1851, Antonio Ayala, chủ nhân đời thứ hai của tập đoàn,  là một trong các sáng lập viên của Banco Espanol Filipino de Isabel Segunda, ngân hàng đầu tiên của nước này đồng thời cũng là ngân hàng lâu đời nhất Đông Nam Á. Đây là ngân hàng duy nhất tại Philippines được phép phát hành tiền và hoạt động với tư cách ngân hàng trung ương suốt từ thời thực dân Tây Ban Nha cho đến thời Mỹ “bảo hộ”, và chỉ chấm dứt khi NHTW Philippines ra đời năm 1949.

Antonio Ayala  thừa kế Tập đoàn Ayala (khi ấy còn có tên Casa Rosax) từ nhà vợ de Roxas. Ông là người mở đầu cho hơn một trăm năm gia đình này phát đạt nhờ những ông con rể. Và cả hai con rể của ông đều là những tên tuổi lớn trong giới doanh thương Philippines đầu thế kỷ 20. Kết hôn với người con gái cả là Pedro Pablo Roxas, người sáng lập hãng bia San Miguel.

Ý chung nhân của người con thứ là Jacobo Zobel Zangronitz, người kế thừa tập đoàn Ayala. Ở Philippines, ông nổi tiếng là một nhà ái quốc, cả đời bị thực dân Tây Ban Nha theo dõi, thậm chí đã có lúc bị biệt giam. Hệ thống giao thông công cộng tại Manila là do Jacobo Zobel cùng một người bạn chung vốn xây dựng.

Joseph McMicking - Ông con rể đã đặt nền móng cho khu trung tâm tài chính Makati và cả sự giàu có của gia tộc Zobel de Ayala sau này

Sang thế kỷ 20, những người con rể của nhà Zobel de Ayala đưa gia đình tiến quân sang ngành bảo hiểm, bán dẫn, phân phối xe hơi, và nổi tiếng nhất là Joseph McMicking, người đưa ra Quy hoạch tổng thể Ayala (Ayala Master Plan) đặt nền móng cho toàn bộ khu trung tâm tài chính Makati sau này.

Dù không mang dòng máu Philippines (nhà Ayala quê gốc ở Tây Ban Nha, nhà Zobel từ Đức và nhà McMicking từ Scotland), nhưng gia tộc Zobel de Ayala lại rất được trọng thị tại Philippines. Phần vì truyền thống ái quốc từ thời thực dân Tây Ban Nha, nhưng chủ yếu là nhờ hào phóng làm từ thiện. Năm 2010, Tạp chí Forbes đã tôn vinh Chủ tịch danh dự Tập đoàn Ayala với danh hiệu Anh hùng Từ thiện.

Nhòm ngó Việt Nam

Ayala đánh dấu sự xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2008 thông qua công ty con Manila Water với dự án giảm thất thoát nước vùng 1 của TP. HCM trị giá 44 triệu USD. Theo ông Ronnie Lim, Giám đốc Phát triển Kinh doanh quốc tế của Manila Water, tới tháng 05/2012, dự án đã giảm thất thoát nước được 65.000m3/ngày, vượt xa so với mức cam kết tối thiểu tới tháng 08/2012 là 37.500m3/ngày. Ông Lim cho biết thêm, Manila Water đặt mục tiêu sẽ đạt tới con số 75.000m3/ngày khi kết thúc dự án kéo dài 6 năm này.

Hồi tháng 11 năm ngoái, liên danh Manila Water, Mitsubishi và CTCP Cơ điện lạnh REE đã đề xuất với Sawaco triển khai dự án tương tự tại các vùng 4, 5 và 6. Theo ông Lim, phía Manila Water hy vọng sẽ sớm kết thúc đàm phán với Sawaco.

Những động thái thâu tóm quyết liệt của Tập đoàn Ayala trong thời gian gần đây khiến giới đầu tư chú ý (và cơ quan quản lý nhíu mày). Khởi đầu là việc bỏ 42,6 triệu USD (tức gần 900 tỷ VNĐ) mua lại 49% cổ phần CTCP B.O.O Nước Thủ Đức từ tay CII hồi tháng 12 năm ngoái (lưu ý, đây không phải CTCP Cấp nước Thủ Đức, MCK: TDW, hiện đang niêm yết trên HOSE).

Theo thông tin từ Global Water Intelligence, doanh thu năm 2011 của BOO Nước Thủ Đức là 15 triệu USD (tức hơn 300 tỷ VNĐ) và lợi nhuận ròng là 3,9 triệu USD (tức 80 tỷ VNĐ).

Nhà máy nước BOO Thủ Đức

Hơn nửa năm sau, Manila Water mua tiếp 47% CTCP Cấp nước Kênh Đông, công ty có sản lượng nước 150.000m3/ngày. Cộng thêm sản lượng gần 350.000m3/ngày của BOO Nước Thủ Đức, các công ty do Manila Water sở hữu lớn cổ phần hiện đang cung cấp khoảng 25-30% sản lượng nước cho TP.HCM.

Tháng 05/2012, Ayala - thông qua công ty con AIT Pte. Ltd - đã mua 10% cổ phần CII và trở thành cổ đông ngoại lớn nhất và tới cuối năm là góp 49% vào CTCP Đầu tư Hạ tầng Việt Nam-Philippines (“VPI”) với mục tiêu là “triển khai các dự án hạ tầng dọc theo quốc lộ 1A của Việt Nam” theo Công văn số 06/2012/CV-VPII của công ty này gửi SGDCK TP.HCM.

Ayala nhòm cái gì?

Nước, đương nhiên rồi, nhưng Ayala có lẽ sẽ không cam phận làm một nhà đầu tư “chiến lược” mà chẳng khác gì “thiểu số” như HSBC tại Bảo Việt: hoàn toàn bị lấn át bởi cổ phần chi phối của phía Việt Nam.

Đã nắm tới 49% cổ phần của VPI, không khó để Ayala liên kết thêm một số nhà đầu tư nội địa để nâng quyền biểu quyết lên quá 50%. Mới đây, VPI lại đăng ký mua tiếp 15% cổ phần CII.

Khi ấy, Ayala sẽ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp qua VPI, có quyền biểu quyết với 25% cổ phần CII và trở thành cổ đông lớn nhất. Có lẽ điều này đã nằm trong dự liệu, khi phía CII công khai ý định sẽ chỉ nắm 40% cổ phần trong VPI.

Trong hai kỳ đại hội cổ đông vừa qua, số cổ đông tới dự họp chỉ đại diện cho chưa tới 70% số cổ phần có quyền biểu quyết. Như thế có nghĩa là dù chỉ nắm 25% cổ phần nhưng Ayala đang có 35% quyền biểu quyết tại CII. Hồi tháng 4 vừa qua, TGĐ Manila Water là ông Gerardo C. Ablaza, Jr. đã được bầu vào HĐQT của CII.

Với ảnh hưởng lớn như vậy, thông qua CII và kết hợp với vốn góp do mình hoặc các công ty con trực tiếp nắm, Ayala có thể dành được quyền điều hành thực tế tại nhiều doanh nghiệp trong ngành cấp nước, bất chấp có bị cản trở bởi tỷ lệ sở hữu tối đa 49% của nhà đầu tư ngoại.

Theo Nhịp cầu đầu tư, thậm chí toàn bộ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cũng có thể đang ở trong tầm ngắm khi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này bắt đầu. “Đó sẽ là cơ hội cho Manila Water”, tạp chí này viết.

------------------------------------------------------------------------

Ayala là doanh nghiệp thứ 3 trong series các bài viết của CafeBiz về những doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á có những hoạt động kinh doanh đáng kể tại Việt Nam. Các bài viết trước:

Fraser&Neave - Tập đoàn đứng sau cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk

* Wilmar - Tập đoàn khổng lồ sở hữu dầu ăn Neptune

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM