Wilmar - Tập đoàn khổng lồ sở hữu dầu ăn Neptune là ai?
Một trong những doanh nghiệp dầu cọ lớn nhất thế giới; chiếm hơn 1/2 thị phần dầu ăn tại Trung Quốc và Việt Nam...
Wilmar thành lập năm 1991, hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất châu Á trong lĩnh vực nông nghiệp. Công ty là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Singapore về vốn hóa thị trường và doanh thu.
Cánh tay nối dài của gia đình Kuok
Doanh nghiệp này có thể coi là một trong những bộ phận kinh doanh của Kuok Group trong lĩnh vực dầu cọ. Gia đình Kuok và các công ty có liên quan là những cổ đông chính của Wilmar.
Hệ thống tập đoàn Kouk với các công ty thành viên như Kuok Brothers, Kouk Group, Kerry Holdings, Kerry Group... hiện đang có rất nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản tại Đông Nam Á và Hong Kong.
Chủ tịch kiêm TGĐ của Wilmar hiện là ông Kuok Khoon Hong (62 tuổi). Ông Kuok là người giàu thứ 7 trong số 40 người giàu nhất Singapore với tài sản tính đến tháng 7/2012 là 2,3 tỷ USD.
Ông Kouk Khoon Hong là cháu gọi bằng chú của tỷ phú Robert Kuok (Kuok Hock Nien - Quách Hạc Niên)– người giàu nhất Maylaysia và cũng là người giàu nhất Đông Nam Á với tổng tài sản 12,4 tỷ USD.
Hai người con của Robert Kuok là Kuok Khoon Chen và Kuok Khoon Ean cũng có mặt trong HĐQT của Wilmar.
Doanh nghiệp lớn nhất thế giới về dầu cọ
Các hoạt động kinh doanh chính của Wilmar bao gồm trồng cọ, ép dầu từ cọ và các hạt có dầu; tinh luyện dầu ăn, đường; sản xuất phân bón, chế biến ngũ cốc… Tập đoàn hiện có hơn 300 nhà máy sản xuất và hệ thống phân phối trải dài hơn 50 quốc gia.
Trong lịch sử hoạt động, Wilmar đã tiến hành nhiều thương vụ M&A để mở rộng quy mô. Năm 2007, Wilmar hoàn tất sáp nhập với các mảng trồng cọ, dầu ăn, ngũ cốc… của Kuok Group trong một thương vụ trị giá 2,7 tỷ USD; đồng thời tái cấu trúc để mua lại các mảng dầu ăn, chế biến hạt có dầu, ngũ cốc từ Wilmar Holdings Pte Ltd với giá 1,6 tỷ USD.
Năm 2010, Wilmar tiếp tục mua lại Sucrogen – công ty đường lớn thứ 5 thế giới của Australia với giá 1,47 tỷ USD.
Hiện nay, Wilmmar là công ty lớn nhất thế giới về trồng, chế biến và kinh doanh dầu cọ với mạng lưới phân phối tại hơn 50 quốc gia.
Đến cuối năm 2011, tổng diện tích rừng cọ của Wilmar đạt 247 nghìn ha. Khoảng 74% số đó nằm ở Indonesia, 24% ở Đông Malaysia và 2% ở châu Phi.
Công ty chế biến dầu cọ và lauric thành dầu tinh luyện, chất béo, oleochemicals và nhiên liệu sinh học.
Các sản phẩm của lĩnh vực trồng trọt là dầu cọ thô và nhân cọ được bán cho bộ phận chế biến và tinh luyện dầu của Wilmar. Phần lớn dầu ăn được tiêu thụ tại Việt Nam là hỗn hợp nhiều loại dầu với thành phần chính là dầu cọ.
Bên cạnh dầu cọ, Wilmar còn kinh doanh các mặt hàng nông sản khác như chế biến và kinh doanh các loại hạt có dầu (mè, vừng, lạc...) và ngũ cốc, tinh luyện đường, sản xuất dầu ăn... Tuy nhiên, các lĩnh vực liên quan đến dầu cọ vẫn là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận.
Tại Trung Quốc, Wilmar là nhà sản xuất dầu ăn đóng chai lớn nhất với khoảng 50% thị phần.
Trong 9 tháng đầu năm 2012, hai mảng đường và chế biến-kinh doanh hạt có dầu và ngũ cốc bị lỗ, dẫn đến lợi nhuận ròng của Wilmar giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu tăng nhẹ.
Lợi nhuận sụt giảm đã kéo theo sự giảm mạnh của giá cổ phiếu Wilmar. Đến cuối năm 2012, vốn hóa thị trường của Wilmar là hơn 20,1 tỷ SGD, tương đương 16,5 tỷ USD.
Thống lĩnh thị trường dầu ăn Việt Nam
Công ty con tại Việt Nam là Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) cũng là nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất. Theo thông tin trong báo cáo thường niên năm 2011 của Wilmar thì Calofic chiếm khoảng trên 55% thị phần dầu ăn đóng chai.
Các sản phẩm dầu ăn của Calofic gồm có Neptune, Simply, Meizan...
Wilmar nắm 68% cổ phần của Cái Lân, phần còn lại thuộc về Tổng Công ty Công nghiệp dầu thực vật (Vocarimex). Năm 2011, Calofic đạt hơn 10.500 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng LNST.
Kết quả kinh doanh năm ngoái của Cái Lân bỏ khá xa so với doanh nghiệp có thị phần thứ 2 là Tường An với doanh thu và lợi nhuận năm ngoái là hơn 4.400 tỷ và 25 tỷ đồng.
Trước sự tăng trưởng mạnh của Cái Lân, thị phần của Tường An đã hao hụt khá nhiều trong những năm vừa qua. Nếu như năm 2006 Tường An chiếm 35% thị phần thì hiện tại chỉ còn chiếm khoảng 25-26%.
Tại Việt Nam, Wilmar còn một công ty con khác là Công ty Wilmar Agro Việt Nam, trụ sở chính tại Cần Thơ với hoạt động chính là kinh doanh cám gạo và trích ly dầu cám.
Cám gạo đã trích ly dầu, gọi là cám gạo giàu đạm với thương hiệu Cám Vàng, được nhà máy cung cấp cho các đơn vị sản xuất thức ăn gia súc và thủy sản cả nước. Năm 2011, Wilmar Agro Vietnam đạt gần 1.000 tỷ doanh thu và 42 tỷ đồng LNST.
KAL