Alibaba giảm tốc, nhà đầu tư mất 70 tỷ USD
Năm ngoái, sau khi Alibaba huy động được 25 tỷ USD từ IPO, nhà sáng lập Jack Ma đã nói rằng công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ được kỳ vọng quá cao. Có lẽ ông đã đúng.
Nội dung nổi bật:
- Giá trị vốn hóa của Alibaba đã bốc hơi khoảng 70 tỷ USD do triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc và tình hình không mấy sảng sủa ở các thị trường nước ngoài
- Nhân rộng thành công ở Trung Quốc ra thị trường nước ngoài là yếu tố sống còn để Alibaba có thể bước lên nấc thang mới của chu kỳ tăng trưởng
Khoảng 70 tỷ USD giá trị thị trường đã bốc hơi khỏi Alibaba kể từ khi Ma đưa ra nhận định này hồi tháng 11 năm ngoái. Vị thế thống trị của Aliababa trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đang bị xói mòn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 và người tiêu dùng chuyển sang xu hướng mua sắm qua điện thoại di động khiến doanh thu quảng cáo sụt giảm.
Những nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế của Alibaba cũng chưa đạt được bước tiến đáng kể. Vẫn còn nhiều người ở Mỹ và Trung Quốc gần như không biết đến tên tuổi của Alibaba. Hãng sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần này và giới phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu của Alibaba sẽ giảm xuống dưới mức trung bình trong 7 quý gần nhất. Theo dự báo của 23 chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg, doanh thu của Alibaba có thể tăng 41% trong quý IV, lên 16,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,7 tỷ USD).
Đóng cửa phiên hôm qua (5/5), cổ phiếu của Alibaba ở mức 79,54 USD, giảm 33% so với mức đỉnh được lập hồi tháng 11 và đây là mức thấp nhất kể từ khi Alibaba thực hiện IPO thành công.
“Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và thị trường bão hòa ở các thành phố lớn, mở rộng hoạt động ở nước ngoài càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với Alibaba”, Cao Lei – Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc ở Hàng Châu – nhận định.
Thành công ở thị trường Trung Quốc đã giúp Alibaba trở thành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất cả nước, là nơi gặp gỡ giữa người bán và người mua tất cả các mặt hàng, từ quần áo, thực phẩm tới cả tàu bay và ô tô.
Ma muốn nhân rộng mô hình này, đặt mục tiêu thu được một nửa doanh thu ở thị trường nước ngoài và phục vụ hơn 10 triệu doanh nghiệp nhỏ ở bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên trong khi công ty này có thể thâm nhập vào Nga và Brazil, Alibaba hiện chỉ thu được 5% doanh thu từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó chiến lược mở rộng ở nước ngoài khiến chi phí marketing tăng vọt. Khi người tiêu dùng mua hàng qua các thiết bị di động, quảng cáo thường tạo ra ít doanh thu hơn so với khi họ truy cập trên máy tính để bàn. Thu nhập hoạt động được dự báo sẽ giảm 18%, xuống còn 4,5 tỷ nhân dân tệ.
Matthew Kwok, chiến lược gia đến từ quỹ China Yinsheng, cho rằng Alibaba đang đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách mà họ buộc phải vượt qua để chạm tới nấc thang mới của chu kỳ tăng trưởng, trong đó nhân rộng thành công ở Trung Quốc ra nước ngoài có ý nghĩa quan trọng.
Thái độ của cơ quan quản lý đối với Alibaba cũng là một thử thách không nhỏ. Đã có nhiều lời phàn nàn về tình trạng hàng giả tràn lan trên Taobao và Tmall.com. Hồi đầu năm, Chính phủ Trung Quốc thậm chí khẳng định Alibaba đang gặp “khủng hoảng niềm tin” vì vấn nạn hàng giả và quảng cáo sai sự thật.
Trong khi các nhà đầu tư quay lưng với Alibaba, chỉ số gồm các công ty Trung Quốc niêm yết trên TTCK Mỹ đã giảm khoảng 17% kể từ đầu năm đến nay. Một số đối thủ cũng nổi lên như JD.com (tăng 46% trên sàn chứng khoán New York) hay Tencent (tăng 40% trên sàn Hồng Kông kể từ đầu năm đến nay).
Hai công ty này đã lập liên minh để cạnh tranh với Alibaba. Tencent đang cố gắng khai thác 1 tỷ người dùng sử dụng WeChat trong khi JD.com mới đây đã khởi động dịch vụ giúp người dùng nhập khẩu hàng hóa nhanh hơn.
>> Sự trỗi dậy của những kẻ 'phá hoại' mang tên Uber và Alibaba
Theo Thu Hương