AirAsia và cuộc cách mạng giá rẻ của Tony Fernandes
Trong suốt 6 năm liên tiếp, hãng chuyên đánh giá chất lượng dịch vụ hàng không Skytrax đã xếp AirAsia là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới.
Vụ việc xảy ra với chiếc QZ 8501 chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Hãng Hàng không AirAsia. Nhưng không vì thế mà người ta có thể phủ nhận những đóng góp của ông chủ Tony Fernandes trong cuộc cách mạng giá vé máy bay.
Trước khi xảy ra tai nạn, theo Bloomberg, có tới 24/28 chuyên gia kinh tế khuyên nhà đầu tư chọn mua cổ phiếu AirAsia.
Dù giá cổ phiếu của hãng giảm 13% sau vụ việc, nhưng thực tế, AirAsia đã gây dựng được thương hiệu của một hãng máy bay giá trẻ trong nhiều năm phát triển vì sự an toàn và chất lượng cao.
Trong suốt 6 năm liên tiếp, hãng chuyên đánh giá chất lượng dịch vụ hàng không Skytrax đã xếp AirAsia là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới.
Năm nay, công ty con của AirAsia là AirAsiaX cũng được xếp thứ 2 trong danh sách các thương hiệu có chất lượng tốt nhất.
Những thành tựu đạt được trong nhiều năm qua của AirAsia đều in đậm dấu ấn của doanh nhân Tony Fernandes - Tổng giám đốc điều hành (CEO) của hãng.
Trước khi trở thành thương hiệu lớn hôm nay, AirAsia là một đơn vị thuộc quyền quản lý của Chính phủ Malaysia. Tài sản èo uột ban đầu của hãng lúc đó chỉ gồm 2 chiếc Boeing 737 cũ kỹ, 250 nhân viên, một đường bay và món nợ khoảng 40 triệu USD.
Cùng với nhiều đối tác, Fernandes đã mua lại AirAsia từ Chính phủ Malaysia vào tháng 12/2001 với mức đầu tư không ai ngờ tới: 29 xu.
Lúc đó Fernandes đang là một giám đốc kinh doanh âm nhạc 37 tuổi, không chút kinh nghiệm về hàng không, nhưng ông đặc biệt am hiểu việc kinh doanh và thị trường nghỉ ngơi, giải trí tại Đông Nam Á.
Sinh ra tại Malaysia, lớn lên theo học Trường Kinh tế London, Fernandes khởi nghiệp với công việc tại Tập đoàn truyền thông của tỷ phú Richard Branson vào giữa những năm 1980.
Sau khi vươn lên vị trí quản lý tài chính tại đó, năm 1989 Fernandes chuyển sang làm việc cho Warner Music International tại London.
Sau đó, Fernandes chuyển về quê hương, quản lý hoạt động kinh doanh cho Tập đoàn Warner ở Malaysia và kế đó là phụ trách việc kinh doanh cho Warner trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Học hỏi phương thức kinh doanh của hàng không Southwest Airlines (Hàng không Tây Nam) – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất tại Mỹ, Fernandes gây dựng AirAsia theo hướng dịch vụ hàng không giá rẻ, chất lượng cao và khai thác tần suất quay vòng nhanh.
Rất mau chóng, AirAsia làm ăn có lãi và phất lên mạnh mẽ. Ngoài trụ sở chính của hãng tại thủ đô Kuala Lumpur, AirAsia còn có các công ty con tại Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Philippines.
Hiện tại AirAsia sở hữu đội bay hơn 160 chiếc Airbus A320 và A330, vận chuyển hơn 230 triệu lượt khách mỗi năm.
Từ con số gần 300 nhân viên năm 2001, tới nay AirAsia có hơn 15.000 nhân viên.
Nhưng Fernandes không dừng lại với thành công của AirAsia. Hàng không chỉ là một phần trong các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn Tune Group. Tập đoàn còn hoạt động trong các dịch vụ giải trí, khách sạn, thể thao...
Tune Group hiện sở hữu chuỗi khách sạn hiện đại giá rẻ nhờ cắt giảm một số dịch vụ cơ bản tại Anh và châu Á.
Trong một bài báo trên ấn phẩm Knowledge của Trường kinh doanh INSEAD, Fernandes chia sẻ kinh nghiệm thành công:
“Thị trường cần gì? Có tới 9/10 lần khi bạn tìm hiểu về điều này thì câu trả lời sẽ là: nó cần sự khác biệt. Tuy nhiên, chúng tôi không phải nơi đầu tiên nghĩ ra dịch vụ đi lại giá rẻ. Chúng tôi cũng không phải nơi đầu tiên nghĩ ra khách sạn giá rẻ. Chúng tôi chỉ nâng nó lên một tầm mức khác. Chúng tôi đã áp dụng một chút chất Nhật Bản vào đó và tùy chỉnh thêm để nó trở thành tốt hơn với khu vực của chúng tôi”.
>> Số phận của AirAsia sẽ ra sao sau vụ máy bay mất tích?
Theo TRẦN ĐẮC LUÂN