3 đại gia Thái Lan đề xuất đầu tư nhiều dự án tỷ USD tại Việt Nam
Đích thân lãnh đạo của 3 tập đoàn thuộc hàng lớn nhất thái lan đã đề xuất với thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng các kế hoạch mở rộng đầu tư quy mô hàng chục tỷ USD tại Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính riêng trong năm 2014, Thái Lan có 35 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 149 triệu USD. Ngoài ra, có 13 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm đạt 55 triệu USD.
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của Thái Lan trong 12 tháng năm 2014 đạt 205 triệu USD, đứng thứ 13 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Lũy kế đến 15/12/2014, các nhà đầu tư Thái Lan có 374 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 6,69 tỷ USD và xếp thứ 10/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Quy mô vốn bình quân một dự án của Thái Lan khoảng 17,9 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,3 triệu USD/dự án.
Xét về lĩnh vực đầu tư, các dự án của Thái Lan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 179 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 5,65 tỷ USD, chiếm 47,8% tổng số dự án và 84,5% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.
Đứng thứ hai là lĩnh vực nông – lâm - thủy sản có 28 dự án và 475 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 7,4% tổng số dự án và 7,1% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.
Còn lại là các dự án tập trung vào các ngành như xây dựng, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Về địa bàn đầu tư, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương thu hút được nhiều vốn FDI của Thái Lan với 3,77 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 56% tổng số vốn đăng ký của Thái Lan tại Việt Nam.
Tiếp sau đó là Đồng Nai với 595 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 8,8% tổng số vốn đăng ký của Thái Lan tại Việt Nam).
Bình Dương đứng thứ ba với 450 triệu USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 6,7% tổng số vốn đăng ký của Thái Lan tại Việt Nam.
Xét về dự án đầu tư thì thành phố Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Thái Lan nhất với 140 dự án, chiếm 37% tổng số dự án của Thái Lan tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy, đầu tư của Thái Lan theo hình thức liên doanh chiếm tỷ lệ lớn với 4,6 tỷ USD (chiếm 69% tổng vốn đăng ký của Thái Lan tại Việt Nam).
Tiếp theo là hình thức 100% vốn nước ngoài, một tỷ lệ nhỏ các dự án là theo hình thức công ty cổ phần, Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nhiều tín hiệu gần đây cho thấy, các đại gia Thái Lan đang rốt ráo với hàng loạt kế hoạch đầu tư khổng lồ tại Việt Nam.
Gương mặt đáng chú ý đầu tiên phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đang triển khai các bước kế hoạch đầu tư siêu dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 22 tỷ USD tại tỉnh Bình Định.
Một nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết, Tập đoàn PTT cũng mong muốn đầu tư vào các lô thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam (với hình thức mua cổ phẩn).
Đồng thời, PTT cũng muốn đầu tư nâng cấp Sân bay Phù Cát, Bình Định thành cảng hàng không quốc tế để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động của Dự án tổ hợp lọc hóa dầu và Khu kinh tế Nhơn Hội.
Chủ tịch Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit cũng cho biết, sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào một dự án khu đô thị mới tại tỉnh Quảng Ninh với quy mô diện tích khoảng 6.400ha. Tập đoàn này cũng mong muốn đầu tư thêm một khu công nghiệp lớn khác tại tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, Central Group, một tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan cũng cho biết, đang lên kế hoạch và mong muốn được đầu tư, hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông, thủy sản.
Ngày 20/4 vừa qua, với việc khai trương hệ thống Trung tâm mua sắm Robins, Central Group đã chính thức đặt chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đồng thời đại gia này cũng lộ rõ tham vọng sẽ giành được phần lớn miếng bánh thị phần bán lẻ ở Việt Nam.
Nếu các dự án nêu trên sớm đi vào thực hiện, đầu tư FDI của Thái Lan vào Việt Nam sẽ tăng mạnh lên gấp khoảng 4 – 5 lần so với con số 7 tỷ USD vốn đăng ký như hiện nay.
>> Sẽ có một “cuộc đổ bộ” lớn về đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam
Theo Vũ Minh