Câu chuyện chiếc đồng hồ Thụy Sĩ: Muốn có mác "Swiss Made", cần nhiều hơn một "đường cắt không lộ chỉ"
Những dòng chữ “Made in …” có ý nghĩa như thế nào với các khách hàng đang ngày càng cảnh giác với mọi sản phẩm từ đồ ăn đến trang phục. Câu chuyện về sự ra đời của ngành đồng hồ tại Thuỵ Sĩ và nhãn hiệu “Swiss Made” (Sản xuất tại Thuỵ Sĩ) cho thấy, những cái mác chỉ xuất xứ của sản phẩm luôn nói lên nhiều điều.
Câu chuyện về sự ra đời nghề chế tác đồng hồ Thuỵ Sĩ
Vào thế kỷ 16, sắc lệnh của nhà cải cách tôn giáo John Calvin quy định người dân Thuỵ Sĩ không được phép đeo trang sức đã đẩy các thợ kim hoàn ở nước này đến bờ vực phá sản. Tuy vậy, khi họ nhận ra rằng, đồng hồ là món đồ duy nhất mà người dân vẫn được phép mang bên mình và nhu cầu đối với sản phẩm này lại đang tăng cao, các thợ kim hoàn đã chuyển hướng và dồn nhiều công sức để chế tạo nên những chiếc đồng hồ tinh xảo.
Kể từ năm 1601, những chiếc đồng hồ đeo tay với vẻ ngoài bóng bẩy, có giá trị thẩm mỹ cao, được sản xuất ở Geneva, Thuỵ Sĩ đã trở thành mặt hàng được săn đón bậc nhất với người tiêu dùng mặc cho khắp nơi trên thế giới cũng đang sản xuất đồng hồ. Tính chính xác về thời gian lúc này vẫn chưa phải là mối quan tâm hàng đầu khi khách hàng muốn sở hữu một chiếc đồng hồ ở quốc gia này.
Kể từ năm 1601, những chiếc đồng hồ đeo tay với vẻ ngoài bóng bẩy, có giá trị thẩm mỹ cao, được sản xuất ở Geneva, Thuỵ Sĩ đã trở thành mặt hàng được săn đón bậc nhất với người tiêu dùng.
Mặc dù các thợ thủ công vẫn ngày ngày chế tác ra nhiều đồng hồ có chất lượng tốt với giá phải chăng nhưng họ cũng muốn tập trung đến đối tượng khách hàng giàu sang, những người ưa thích cái đẹp và tôn sùng thời trang.
Theo thời gian, các nhà chế tác đồng hồ ngày càng tụ tập đông hơn về Geneva. Tại những ngôi nhà nhỏ, mỗi thợ thủ công chỉ chịu trách nhiệm chế tác một bộ phận của chiếc đồng hồ và sau đó chuyển nó cho một khu vực khác của thành phố để thực hiện tiếp các phần còn lại của món đồ này. Khi đó, người ta chưa đề ra bất cứ quy chuẩn nào và vì vậy quá trình sản xuất có thể là quá trình sửa chữa các lỗi sai khi chiếc đồng hồ được chuyển từ công đoạn này sang công đoạn khác. Có lẽ, khá là chính xác khi mọi người cho rằng, mỗi chiếc đồng hồ hồi đó là độc nhất.
Khi số thợ thủ công làm việc ở Geneva ngày càng tăng và dẫn đến tình trạng quá tải, một số người đã suy nghĩ đến việc chuyển địa điểm sinh sống. Và núi Jura lúc đó lại trở thành điểm đến hàng đầu cho họ. Một trong những người tiên phong lên ngọn núi này là Daniel Jean Richard. Ông là người đầu tiên mang nghề làm đồng hồ đến núi Jura và cũng không có gì phải nghi ngờ khi ông là người có ảnh hưởng rất quan trọng trong ngành này.
Daniel Jean Richard cũng là nhân vật đưa ra khái niệm về "phân công lao động". Về cơ bản, ý tưởng này cho rằng, nhiệm vụ chế tác đồng hồ nên được chia thành những việc nhỏ hơn, mỗi thợ thủ công sẽ được đào tạo để thực hiện lặp đi lặp lại chỉ một công đoạn. Ông cũng là người áp dụng các công cụ, máy móc chuẩn hoá cũng như giám sát chặt chẽ thời gian học nghề để đảm bảo rằng, những kiến thức được truyền thụ một cách đầy đủ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chuyên môn hoá lao động cùng với một bộ quy tắc và các hướng dẫn là yếu tố chính đưa chất lượng ngành sản xuất đồng hồ Thuỵ Sĩ lên đỉnh cao như hôm nay.
Vì sao đồng hồ Thuỵ Sĩ lại đắt
Những đồng hồ được sản xuất ở Thuỵ Sĩ là những sản phẩm tốt nhất trên thế giới. Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các nhãn hiệu đồng hồ cao cấp đều đến từ quốc gia này. Những lý do dưới đây sẽ giúp ta hiểu rõ vì sao đồng hồ Thuỵ Sĩ thường rất đắt.
Đầu tiên, các vật liệu làm ra chiếc đồng hồ đều có chất lượng cao và bản thân chúng cũng là đồ đắt tiền. Các công ty thường dùng vàng và platinum cho các mẫu thiết kế của mình. Đồng hồ của hãng Rolex là một ví dụ. Tuy nhiên, giá vật liệu (như đồng chẳng hạn) cũng thường dao động và vì thế giá của đồng hồ cũng có thể tăng lên hay giảm xuống đôi chút.
Thứ hai, bộ máy của đồng hồ thường do chính đôi tay tài hoa của thợ thủ công chế tác. Nhiều máy đồng hồ có thể bao gồm đến 396 chi tiết khác nhau. Việc sắp xếp chúng vào đúng các vị trí quả là công việc tốn rất nhiều thời gian.
Thứ ba, giá nhân công ở Thuỵ Sĩ luôn nằm ở những vị trí cao hàng đầu thế giới. Những người chế tác đồng hồ đều là các chuyên gia, vì thế tiền lương dành cho họ cũng rất cao. Cũng do vậy, các công ty phải bán sản phẩm với giá đắt đỏ hơn để có đủ ngân sách trả lương cho các cá nhân sản xuất đồng hồ.
Thứ tư, sự "hiếm có" cũng góp phần đẩy giá bán lên cao. Một vài nhãn hiệu sản xuất rất ít sản phẩm vì việc cho ra đời bộ máy và các chi tiết khác trên đồng hồ tiêu tốn rất nhiều thời gian. Các thương hiệu như Vacheron và Breguet chỉ đưa ra thị trường khoảng 40.000 chiếc đồng hồ/năm. Rolex thực sự phổ biến hơn và có giá cũng "mềm" hơn. Họ sản xuất trên 1 triệu chiếc đồng hồ/năm.
Thứ năm, các chiến dịch Marketing cũng ngốn khá nhiều ngân sách của các doanh nghiệp kinh doanh đồng hồ. Citizen phải bỏ ra cả gia tài để mời cầu thủ bóng đá Mỹ, Eli Manning làm người phát ngôn cho mình. Không những vậy, các công ty cũng phải tính toán nhiều chi phí khác cho việc tiếp thị lại các sản phẩm của mình.
Và cuối cùng, các hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ biết rằng, khách hàng sẽ mua sản phẩm của họ. Lý do đơn giản là ai ai cũng cảm thấy tự hào khi sở hữu một chiếc đồng hồ mang nhãn hiệu Swiss Made (Sản xuất tại Thuỵ Sĩ).
Một chiếc đồng hồ phải đạt những tiêu chuẩn nào mới được mang nhãn Swiss Made?
Chính phủ Thuỵ Sĩ đưa ra nhãn hiệu này là muốn nhấn mạnh, chiếc đồng hồ đó được sản xuất tại nước họ. Lợi ích khi một chiếc đồng hồ được gắn nhãn "Swiss Made" là quá rõ ràng. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cho chiếc đồng hồ đó cao hơn 20% những đồng hồ cùng thiết kế khác. Qua đó, ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sĩ cũng mang về hàng tỉ franc mỗi năm.
Tuy nhiên, không phải đồng hồ nào ở Thuỵ Sĩ cũng có vinh hạnh được đeo trên mình nhãn hiệu này. Theo quy định mới nhất, vừa có hiệu lực từ tháng 1 năm nay của nước này, một chiếc đồng hồ được coi là hàng Thuỵ Sĩ khi bộ máy của nó thoả mãn các điều kiện như: 60% thành phần máy phải do Thuỵ Sĩ sản xuất, tối thiểu 50% các linh kiện lắp ráp do Thuỵ Sĩ chế tạo, việc đóng máy diễn ra tại Thuỵ Sĩ và nhà sản xuất tiến hành kiểm tra sản phẩm lần cuối tại Thuỵ Sĩ.
Lợi ích khi một chiếc đồng hồ được gắn nhãn "Swiss Made" là quá rõ ràng. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cho chiếc đồng hồ đó cao hơn 20% những đồng hồ cùng thiết kế khác.
Ngoài ra, ít nhất 60% chi phí sản xuất phải được tiến hành ở Thuỵ Sĩ. Chi phí này bao gồm thù lao lắp ráp, nghiên cứu và phát triển, giấy chứng nhận chất lượng theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó, ít nhất một quá trình sản xuất thiết yếu phải được thực hiện ở Thuỵ Sĩ.
Trước đây, các đồng hồ Swiss Made cần có tỷ lệ nội địa hoá là 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ này theo quy định mới đã được nâng lên thành 60%. Thay đổi mới đó là nhằm loại bỏ tình trạng nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất, lý tưởng đạo đức và cố tình sử dụng các mánh lới để sản phẩm của họ được gắn nhãn hiệu Swiss Made.
Hơn nữa, nếu giữ nguyên quy định 50% thành phần máy là do Thuỵ Sĩ thực hiện thì các nhà sản xuất sẽ rất dễ tìm cách gian lận. Họ sẽ mua những bộ phận đắt tiền nhất (lò xo, đồ trang sức, bánh xe cân bằng) ở Thuỵ Sĩ và sau đó mua tất cả các linh kiện khác (mặt đồng hồ, dây cài, nắp đồng hồ) từ một nguồn giá rẻ. Họ làm như vậy bởi vì người mua luôn sẵn lòng trả thêm 20% giá bán cho các đồng hồ mang nhãn hiệu Swiss Made, do đó, họ sẽ bỏ ra chi phí ít hơn nhưng thu về số lãi cao hơn.
Thuỵ Sĩ không chỉ muốn các doanh nghiệp nâng cao chất lượng những chiếc đồng hồ của họ mà còn tìm cách bảo vệ thương hiệu quốc gia cho tất cả các sản phẩm được dán mác Swiss Made.
Ông Jean-Daniel Pasche, chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ (FH) cho rằng "Đạo luật có ý nghĩa then chốt đối với ngành công nghiệp đồng hồ, bởi những sửa đổi mới sẽ giúp nâng cao sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm đồng hồ Thụy Sĩ".
Qua việc đưa những tiêu chuẩn trên vào luật, Thuỵ Sĩ không chỉ muốn các doanh nghiệp nâng cao chất lượng những chiếc đồng hồ của họ mà còn tìm cách bảo vệ thương hiệu quốc gia cho tất cả các sản phẩm được dán mác Swiss Made.