Cao su của bầu Đức bán chạy kỷ lục, trái cây vẫn mang tiền về đều đặn, nhưng HAGL vẫn lỗ to
Mặc dù bán được nhiều cao su, nhưng HAGL đang chịu cảnh bán dưới giá vốn. Tính đến cuối năm 2018, nợ ngắn hạn của HAGL lên tới 7.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2018 với doanh thu 1.043 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi doanh thu giảm, giá vốn lại tăng gần 30% nên lãi gộp của HAGL chỉ là 224 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này không đủ để HAGL trang trải các loại chi phí rất lớn như 326 tỷ đồng lãi vay, gần 300 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp và khiến công ty lỗ trước thuế 344 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của HAGL, trái cây vẫn là mảng đóng góp lớn nhất, đạt 619 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ trái cây kỳ này chỉ còn 234 tỷ đồng (tỷ suất 38%), trong khi quý 3 trước đó lên tới 559 tỷ đồng (tỷ suất 60%).
Đáng chú ý, nguồn thu từ cao su của Bầu Đức bất ngờ tăng vọt, lên tới 221 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, cao su vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn và chịu lỗ.
Tại ngày 31/12/2018, HAGL nợ hơn 21.800 tỷ đồng, giảm 1.838 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dài hạn giảm nhưng nợ ngắn hạn tăng lên trên 7.000 tỷ đồng, do hạn phải trả của các khoản nợ dài hạn đang đến gần.
Hồi tháng 8 năm ngoái, công ty con của HAGL là HAGL Agrico đã phát hành trái phiếu cho Thaco trị giá 2.217 tỷ đồng, và đã sử dụng toàn bộ số tiền này. Trong đó, 1.080 tỷ đồng để cơ cấu tài chính, 1.028 tỷ đồng đầu tư trồng chuối và 109 tỷ đồng trồng ớt.
Ngoài khoản vay trái phiếu, HAGL còn đang vay ngắn hạn Thaco 746 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HAGL cũng vay bầu Đức khoảng 740 tỷ đồng.