Căng thẳng thương mại leo thang, người Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay ô tô, bia và mỹ phẩm Nhật Bản, ai thiệt hơn ai?
Đáp lại hành động được cho là “trả thù kinh tế” của Nhật Bản, người Hàn Quốc đang kiến nghị Seoul có hành động trả đũa.
Người Hàn Quốc đang kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản sau khi Tokyo tuyên bố hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao, vốn được các công ty Hàn Quốc sử dụng để chế tạo màn hình và chip điện thoại thông minh.
Động thái này ngay lập tức bị Seoul lên án vì coi là "trả thù kinh tế". Cùng với đó, một bản kiến nghị kêu gọi trả đũa đối với Tokyo, tẩy chay hàng Nhật Bản, từ ô tô đến bia hay mỹ phẩm đã được đăng trên website Blue House của Tổng thống Hàn Quốc vào hôm thứ Hai đã thu hút 17.000 người ủng hộ chỉ trong 4 ngày.
Một kiến nghị đã được đưa ra kêu gọi tẩy chay các công ty Nhật Bản, bao gồm cả Toyota.
Cuộc tẩy chay này có khả năng gây tổn thương thực sự cho ngành du lịch Nhật Bản bởi theo số liệu báo cáo, đã có 7,7 triệu người Hàn Quốc đến thăm xứ sở hoa anh đào, chi 5,5 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn khá lạc quan trước những đợt tẩy chay này.
Quan chức từ một trong những công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản – JTB cho rằng sẽ mất thời gian để ngành công nghiệp không khói cảm nhận được những tác động của bất kỳ cuộc tẩy chay nào từ nước bạn.
"JTB không làm kinh doanh nhiều với khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản và chúng tôi chưa thấy tác động nào cả", cô nói. "Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã khó khăn trong vài năm nay, nhưng ngay cả như vậy, số lượng người Hàn Quốc đến đây vẫn ổn định trong thời gian đó. Chúng tôi không tin rằng chúng tôi cần phải thực hiện bất kỳ kế hoạch dự phòng nào."
Nhật Bản vẫn đang là địa điểm du lịch ưa thích của người Hàn Quốc.
Đáng nói, Nhật Bản là nguồn nhập khẩu quan trọng thứ 2 của Hàn Quốc chỉ sau Trung Quốc, giá trị kim ngạch đạt 54,2 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, máy móc chiếm hơn 7%, các mạch tích hợp chiếm 5,2% bên cạnh những hàng hóa quan trọng khác như thiết bị phòng thí nghiệm chụp ảnh, tấm nhựa thô, hóa chất, sắt cán nóng và xe hơi.
Năm ngoái, Hàn Quốc đã nhập khẩu 40.000 xe hơi Nhật Bản trong khi hầu như không xuất khẩu gì ngược lại.
Còn phát ngôn viên của mỹ phẩm Kanebo, Mitch Makiko Takahashi cho hay: "Chúng tôi không sử dụng yếu tố "Nhật Bản" hay "Tokyo" trong quảng cáo, tiếp thị của mình. Vì vậy rất có thể hầu hết người tiêu dùng Hàn Quốc sẽ không biết rằng những sản phẩm đó có thương hiệu Nhật Bản."
"Ngoài ra, khách hàng của chúng tôi chủ yếu là những người trẻ tuổi và họ có lẽ ít quan tâm đến các vấn đề lịch sử hoặc chính trị hơn thế hệ cũ, vì vậy chúng tôi không tin rằng chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự tẩy chay các thương hiệu Nhật Bản", cô nói.
Dẫu vậy, căng thẳng vẫn khiến các công ty Nhật có quan hệ làm ăn, kinh doanh lớn ở Hàn Quốc lo ngại. Người phát ngôn của Toyota chỉ xác nhận công ty đang tiếp tục theo dõi tình hình. Một quan chức của Fast Retailing, công ty vận hành thương hiệu Uniqlo khi liên doanh tại Hàn Quốc từ chối bình luận.
Thực tế cho thấy, mặc dù có nhiều mâu thuẫn và xích mích đã xảy ra kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, nhưng sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 nền kinh tế chưa bao giờ bị phá vỡ. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đối tác quan trọng của nhau, nếu một bên chịu tổn thương, chắc chắn đối phương cũng chịu ảnh hưởng không kém.