Căng thẳng Mỹ - Trung sang trang: Từ yêu cầu dẫn độ bất thường tới quyết định đình chiến

28/12/2018 09:30 AM | Xã hội

Việc hòa hoãn hiện tại chắc chắn sẽ kéo dài một thời gian do các dấu hiệu suy yếu kinh tế mới ở châu Âu và nguy cơ Trung Quốc làm chậm nền kinh tế Mỹ.

Roncevert Ganan Almond, chuyên gia của công ty tư vấn luật và chính sách The Wicks Group, đã có bài viết phân tích về quan hệ Mỹ - Trung ở thời điểm hiện tại đăng tải trên The Diplomat. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

---

Khi cuộc tranh giành địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần định hình, người ta tự hỏi điều gì sẽ giữ thế giới theo trật tự. Kế hoạch chính xác trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donanld Trump là gì? Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta có thể mong đợi gì hơn nữa?

Cuộc xung đột bước vào giai đoạn mới từ ngày 1/12 khi giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị chính quyền Canada bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver, theo yêu cầu của chính quyền Mỹ.

Yêu cầu dẫn độ bất thường

Mạnh Vãn Chu, CFO của Huawei, bị bắt đúng vào thời điểm diễn ra cuộc ăn tối làm việc giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết ông Trump hoàn toàn không biết gì về việc bắt giữ vào thời điểm đó.

Tôi cho rằng điều này không chính xác, việc bắt giữ một quan chức cấp cao của tập đoàn Huawei – một công ty hàng đầu thế giới về công nghệ 5G và có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc – chắc chắn phải được sự chỉ đạo và đồng ý ở cấp cao nhất của chính phủ Mỹ.

Ngay từ những ngày đầu cầm quyền, ông Trump đã thực hiện các biện pháp mới lạ và tích cực nhằm thu hẹp ảnh hưởng của các cơ quan hành pháp liên bang.

Tuy nhiên, khi bắt đầu gây ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã sử dụng thành phần tinh hoa và có kinh nghiệm ở Washington như Bolton và Lighthizer, những người có quan điểm và kiến thức tương đồng với mình.

Trong bối cảnh đó, một yêu cầu dẫn độ của Mỹ đối với Canada có ý nghĩa rất lớn.

Tiến sĩ Gary Botting, luật sư chuyên về các vấn đề dẫn độ, đã chỉ trích quá trình dẫn độ của Canada vì thiếu đánh giá có ý nghĩa về các cáo buộc của nước yêu cầu. Trong trường hợp hiếm hoi, các tòa phúc thẩm sẽ gửi lại vấn đề cho thẩm phán hoặc Bộ trưởng Tư pháp để xem xét lại theo quy định của pháp luật. Quy trình xem xét này không phải là không có lỗi.

Botting cho biết, trong giai đoạn 15 năm sau cải cách luật năm 1999, Canada chỉ từ chối 5 yêu cầu dẫn độ. Sự lỏng lẻo của chế độ dẫn độ Canada có thể đã bị các công tố viên Mỹ lợi dụng.

Căng thẳng Mỹ - Trung sang trang: Từ yêu cầu dẫn độ bất thường tới quyết định đình chiến - Ảnh 1.

CFO Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: AP


Yêu cầu dẫn độ bà Mạnh của Mỹ cũng rất phức tạp bởi các yếu tố khác.

Theo hiệp ước và theo luật pháp, Canada có thể từ chối dẫn độ nếu hành động này nhằm vào một nhân vật chính trị, hay nói cách khác là trừng phạt đối với một hành vi phạm tội chính trị. Tức là, các hành vi phạm tội chính trị hoặc xúi giục không phải là cơ sở để dẫn độ.

Theo Đạo luật Dẫn độ năm 1999, Bộ trưởng Tư pháp có thẩm quyền và toàn quyền từ chối việc dẫn độ trên cơ sở này.

Việc Trung Quốc bắt giữ một số người Canada nổi tiếng cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu trả đũa chính trị. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland phản ứng gay gắt với việc ông Trump dọa can thiệp vào quá trình dẫn độ vì mục đích an ninh quốc gia, hay như một phần của thỏa thuận thương mại lớn hơn với Trung Quốc.

Biến động ở phía trước

Trong bối cảnh Mỹ sẵn sàng tăng thuế từ 10-15% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa, lãnh đạo 2 nước đã đồng ý đình chiến tạm thời trong vòng 90 ngày nhằm hạ nhiệt căng thẳng thuế quan giữa hai bên.

Việc hòa hoãn hiện tại chắc chắn sẽ kéo dài một thời gian do các dấu hiệu suy yếu kinh tế mới ở châu Âu và nguy cơ Trung Quốc làm chậm nền kinh tế Mỹ. Khi thị trường đóng cửa vào ngày 15/12, chỉ số Công nghiệp Down Jones lần đầu tiên bước vào vùng điều chỉnh trong vòng 3 năm qua.

Trớ trêu là, kể từ khi ông Trump khởi xướng các chính sách thương mại cực đoan của mình, xuất khẩu của Mỹ giảm và thâm hụt thương mại tăng lên, điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ - cũng như chiến lược của Nhà Trắng – đã bị ảnh hưởng.

Những lo ngại về "cuộc ly hôn" Mỹ - Trung gia tăng là do tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và sự đan xen lợi ích mật thiết giữa hai nước – những đặc điểm rất khác so với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về quy mô kinh tế trên cơ sở ngang giá sức mua (PPP), sản xuất giá trị thặng dư, thương mại hàng hóa và dự trữ ngoại hối (kể cả bằng USD). Trung Quốc cũng tuyên bố nước này là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 130 quốc gia, trong đó có Mỹ.

Các công ty Mỹ như Boeing hay Apple hoạt động khắp thị trường Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với hơn 1,3 tỷ dân và có lao động chi phí thấp hơn cho sản xuất định hướng xuất khẩu.

Trong một báo cáo gần đây của Quốc hội Mỹ, các hoạt động kinh doanh này cho phép một số công ty Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế và cung cấp cho người tiêu dùng Mỹ nhiều loại hàng giá rẻ.

Nhưng chính sách thuế quan của Trump có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ này, trên cơ sở cho rằng Trung Quốc có chính sách "xâm lăng kinh tế" – gồm có cưỡng ép chuyển giao công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường không công bằng và tiến hành các cuộc tấn công mạng.

Trên thực tế, Tổng thống Trump đã đe dọa đánh thuế vào 517 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc – tương đương với gần như toàn bộ lượng hàng hóa Mỹ đã nhập từ Trung Quốc trong năm 2018.

Sự cần thiết phải đình chiến trên mặt trận thuế quan cũng cho thấy các cơ chế pháp lý cơ bản thúc đẩy chính sách của Mỹ.

Đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã khởi xướng một số cuộc điều tra liên quan đến thương mại. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, hiện đã được ông Trump chỉ định là trưởng đoàn Mỹ đàm phán với Trung Quốc, đã dựa vào các công cụ pháp lý phức tạp – như Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 – để tạo ra một cuộc chiến thương mại.

Vào những năm 1980, khi ông Trump đang xuất hiện trên các tờ báo lá cải ở New York, Lighthizer đang phải cắn răng chịu ảnh hưởng bởi chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Reagan. Không phải ngẫu nhiên mà Điều khoản 301 được sử dụng rộng rãi nhất dưới thời đại Reagan – 49 trong tổng số 125 cuộc điều tra thương mại được thực hiện trong giai đoạn này.

Với sự ra đời của WTO vào năm 1994, Mỹ bắt đầu bớt viện tới biện pháp pháp lý trên. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, kể từ năm 2001 đến nay mới chỉ có 1 cuộc điều tra dựa trên Điều khoản 301. Bắt đầu từ năm 2010, dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã đưa tất cả các tranh chấp thương mại đến WTO để giải quyết.

Việc chính quyền Trump sử dụng Điều khoản 301, thay vì sử dụng WTO để giải quyết tranh chấp, là một sự thay đổi của Mỹ sau một thời gian dài

Chính quyền Trump và chính sách đối ngoại hiện nay là sự pha trộn kỳ lạ giữa sự bốc đồng và tính toán. Điều này có thể đã được thấy trước dựa trên tính cách thất thường của Tổng thống Trump và bản chất đội ngũ cố vấn của ông.

Vì vậy, tình hình thường khó dự đoán, đặc biệt là chính sách liên quan tới Trung Quốc. Đặc biệt, với sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, chúng ta có thể sẽ phải thấy nhiều biến động hơn nữa.

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM