Mỹ lại bắt công dân Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại trị giá hơn 1 tỷ USD

22/12/2018 10:45 AM | Xã hội

Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố chi tiết vụ việc bắt giữ công dân Trung Quốc Hongjin Tan (35 tuổi) trước cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại có trị giá hơn 1 tỷ USD từ một công ty dầu mỏ.

“Ông Hongjin Tan bị tình nghi đánh cắp các bí mật thương mại liên quan tới một sản phẩm có giá trị hơn 1 tỷ USD từ một công ty dầu mỏ đặt trụ sở ở Mỹ và sử dụng bí mật này làm lợi cho công ty Trung Quốc mà ông ta đã được mời về làm việc”, Sputnik dẫn lời ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói trong thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ.

Ông Tan đã có mặt tại tòa hôm 21/12 và phiên xét xử đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 26/12.“Việc đánh cắp tài sản trí tuệ đã gây ảnh hưởng tới các công ty và công nhân Mỹ. Trong những vụ việc gần đây, những kẻ đánh cắp thông tin đều liên quan tới chính phủ Trung Quốc hoặc công ty Trung Quốc. Bộ Tư pháp đã có hành động để bảo vệ nền kinh tế Mỹ từ những việc làm bất hợp pháp bắt nguồn từ Trung Quốc và chúng tôi sẽ tiếp tục coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”, thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh.

Ông Tan hiện bị cáo buộc đánh cắp “hàng trăm file dữ liệu” mà FBI cho rằng, ông này sẽ dùng để làm lợi cho công ty Trung Quốc đã mời ông Tan về làm việc.

Trong thông cáo được Bộ Tư pháp Mỹ ban hành, “ông Tan đã sinh sống ở Mỹ trong vòng 12 năm qua”.

Ông Tan đã nhận bằng tốt nghiệp tại Viện Công nghệ California ở Pasadena, California.

Còn trên LinkedIn, một người đàn ông tên Hongjin Tan là một trong những người nằm trong danh sách thành viên của “Trung tâm nghiên cứu Phillips 66”. Tại Phillips 66, một công ty năng lượng đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ, ông Tan được biết tới là “nhân viên khoa học” kể từ tháng 5/2017.

Trong đơn khiếu nại mang tiêu đề “Công ty A liên lạc với FBI”, ông Tan đã nộp đơn xin từ chức tại “Công ty A” trước 2 tuần. “Công ty A” chính là Philips 66.

“Quyết định từ chức của ông Tan khiến Công ty A thu hồi quyền tiếp cận các hệ thống của công ty đối với ông Tan và tiến hành xem xét lại hoạt động truy cập máy tính của ông Tan vào hệ thống dữ liệu của công ty. Kết quả cho thấy, ông Tan đã tiếp cận hàng trăm file dữ liệu bao gồm cả các bản báo cáo nghiên cứu và sau đó chuyển dữ liệu qua USB”, đơn khiếu nại viết.

“Những file dữ liệu này bao gồm thông tin Công ty A xem là bí mật thương mại và nằm ngoài phạm vi ông Tan được tiếp cận khi làm việc tại Công ty A”, đơn khiếu nại chỉ rõ.

Theo đó, những file dữ liệu này chứa thông tin hướng dẫn cách sản xuất một sản phẩm không được tiết lộ tên nhưng có kế hoạch đưa vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm này sẽ được sử dụng trong điện thoại di động và hệ thống pin lithium.

Theo Minh Thu (lược dịch)

Cùng chuyên mục
XEM