Canada trở thành siêu cường quốc về giáo dục như thế nào?

10/08/2017 08:08 AM | Xã hội

Khi tranh luận về các hệ thống giáo dục hàng đầu trên thế giới diễn ra, những cái tên thường được đề cập đến là các cường quốc châu Á như Singapore và Hàn Quốc, hoặc những quốc gia Bắc Âu như Phần Lan hay Na Uy. Ít được công nhận hơn, nhưng Canada đã leo lên vị trí top đứng đầu trong bảng xếp hạng quốc tế về giáo dục.

Trong những bài kiểm tra Pisa (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) gần đây, Canada là một trong số ít các quốc gia xuất hiện trong top 10 về toán học, khoa học và đọc hiểu. Các bài kiểm tra này được tổ chức OECD quản lý là một nghiên cứu lớn về chất lượng giáo dục. Kết quả của chúng cho thấy thanh thiếu niên Canada nằm trong những học sinh/sinh viên được giáo dục tốt nhất trên thế giới.

Họ vượt xa các nước láng giềng như Mỹ và các nước châu Âu có quan hệ văn hóa chặt chẽ với Canada như Anh và Pháp. Ở cấp đại học, Canada có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có bằng đại học cao nhất thế giới – 55% so với mức trung bình ở các nước OECD (35%).

Học sinh/Sinh viên nhập cư

Canada trở thành siêu cường quốc về giáo dục như thế nào? - Ảnh 1.

Thành công của Canada trong các bài kiểm tra trường học cũng rất khác thường so với các xu hướng quốc tế khác.

Các quốc gia trong top đứng đầu về giáo dục thường là những xã hội gắn kết, nhỏ gọn và quốc gia có nền giáo dục tốt nhất hiện tại, Singapore, được xem là một mô hình của sự tiến bộ hệ thống, với từng khía cạnh của hệ thống giáo dục tích hợp vào một chiến lược quốc gia tổng thể.

Trái ngược hoàn toàn với Singapore, Canada thậm chí còn không có một hệ thống giáo dục quốc gia thật sự, nó dựa vào các tỉnh bang và lãnh thổ tự trị của quốc gia này. OECD trong quá trình cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới sự thành công của nền giáo dục Canada đã miêu tả vai trò của chính phủ liên bang là “hạn chế và đôi khi không tồn tại.”

Một đặc điểm nữa cũng không được thừa nhận rộng rãi là Canada có tỷ lệ học sinh hoặc sinh viên nhập cư cao. Hơn 1/3 thanh thiếu niên ở Canada tới từ các gia đình có cha mẹ tới từ một quốc gia khác. Nhưng con cái của những gia đình mới nhập cư này dường như hòa nhập rất nhanh chóng để đạt thành tích cao như các bạn cùng lớp của họ.

Khi những bảng xếp hạng Pisa gần đây được xem xét kỹ lưỡng hơn, ở cấp vùng thay vì cấp quốc gia, thì kết quả của Canada thậm chí còn đáng chú ý hơn.

Nếu các tỉnh của Canada tham gia vào các cuộc kiểm tra Pisa với vai trò là các quốc gia tách biệt, thì 3 trong số chúng, Alberta, British Columbia và Quebec, sẽ lọt top 5 đứng đầu về khoa học bên cạnh Singapore, Nhật Bản và xếp trên Phần Lan và Hồng Kông.

Vậy làm cách nào nền giáo dục Canada đã vượt qua các quốc gia khác?

Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục của OECD, nói đó là nhờ chủ đề hành động chung của Canada là bình đẳng. Bất chấp những chính sách khác nhau ở từng tỉnh, giữa các tỉnh của Canada có một điểm chung là cơ hội bình đẳng về giáo dục.

Schleicher cho biết có một sự công bằng và tiếp cận bình đẳng lớn ở Canada và điều này được phản ánh trong kết quả học tập xuất sắc của trẻ em nhập cư.

Canada trở thành siêu cường quốc về giáo dục như thế nào? - Ảnh 2.

Trong vòng 3 năm đặt chân tới Canada, các bài kiểm tra Pisa cho thấy con em của những người mới nhập cư có điểm số cao ngang với các bạn khác cùng trường. Điều này làm cho Canada trở thành một trong số ít các quốc gia mà trẻ em di cư đạt được mức điểm tương đương đối với những người không di cư.

Một điểm khác biệt nữa là giáo viên của Canada được trả lương theo tiêu chuẩn quốc tế và để được giảng dạy, thì các giáo viên được chọn lọc rất khắt khe.

Khả năng đồng đều

Canada trở thành siêu cường quốc về giáo dục như thế nào? - Ảnh 3.

Giáo sư David Booth, thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontarion của Đại học Toronto, nhấn mạnh vào cơ sở vững chắc về kiến thức phổ thông của người Canada. Đã có những nỗ lực hệ thông để cải thiện kiến thức phổ thông với đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, các cơ sở vật chất như thư viện trường học, kiểm tra và đánh giá để xác định các trường học hoặc các cá nhân đang gặp khó khăn.

Giáo sư John Jerrim, thuộc Học viện Giáo dục UCL ở London, cho biết vị trí cao của Canada trong bảng xếp hạng giáo dục phản ánh chênh lệch nhỏ về kinh tế - xã hội trong kết quả học tập. Kết quả của quốc gia này cho thấy mức trung bình rất cao, với sự khác biệt tương đối nhỏ giữa các học sinh/sinh viên có điều kiện và có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những kết quả Pisa gần đây nhất về khoa học, tỷ lệ chênh lệch về điểm số ở Canada tạo ra bởi khác biệt về kinh tế - xã hội là 9%, so với 20% ở Pháp và 17% ở Singapore. Kết quả ngang bằng nhau góp phần giải thích tại sao Canada đang có thành tích rất tốt trong các bài kiểm tra quốc tế. Dù giàu hay nghèo, thì học sinh/sinh viên Canada đều có thành tích học tập tốt.

Đó là một hệ thống rất nhất quán. Ngoài sự khác biệt nhỏ giữa học sinh giàu và nghèo, có rất ít sự khác nhau về kết quả giữa các trường học so với mức trung bình ở các nước phát triển.

Canada trở thành siêu cường quốc về giáo dục như thế nào? - Ảnh 4.

Tỷ lệ nhập cư cao thường được xem là tiềm năng kéo kết quả xuống, nhưng giáo sư Jerrim nói rằng trong trường hợp của Canada, đó lại là một phần trong câu chuyện thành công của quốc gia này.

Những người nhập cư đến Canada tới từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Họ thường có học vấn khá cao và có tham vọng để con cái họ có nghề nghiệp ổn định. Ông Jerrim nói những gia đình này có “khao khát” của người nhập cư để thành công, và những kỳ vọng của họ có khả năng cao thúc đẩy kết quả học tập của con cái họ.

Giáo sư Booth từ Đại học Toronto cũng đồng ý với quan điểm này: “Nhiều gia đình mới đến Canada muốn con cái của họ nổi trội ở trường, và chúng có động lực để học tập.”

Năm nay là năm bội thu của nền giáo dục Canada. Các trường đại học đang hưởng lợi từ hiệu ứng Trump, với số lượng kỷ lục hồ sơ đăng ký của sinh viên nước ngoài coi Canada là phương án ở Bắc Mỹ thay thế cho Hoa Kỳ.

Khi Canada kỷ niệm 150 năm thành lập, thì họ cũng có thể tự hào nhận danh hiệu của một siêu cường quốc giáo dục trên thế giới.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM