Căn bệnh “để sau hãy làm” dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý: Hóa ra trong não bạn đang ẩn chứa một vài vị khách không mời mà tới

02/08/2018 15:30 PM | Sống

Nếu bạn có thể thử thì biết đâu sẽ phát hiện ra nguyên nhân khiến bạn luôn chậm trễ, hay là bạn bị vướng ở đâu khi thực hiện những phương pháp này, để từ đó tìm cách chỉnh sửa.

Bạn đã bao giờ gặp những tình huống như thế này chưa:

- Bạn đọc rất nhiều sách, bạn biết là đối với những nhiệm vụ to lớn thì phải chia nhỏ chúng ra để thực hiện. Thế là sau khi nhận một dự án, bạn liền lên kế hoạch, chia đều thời gian cần hoàn thành cho các nhiệm vụ nhỏ hơn, ấy vậy mà tới tận ngày deadline cuối cùng bạn mới chuẩn bị đủ mọi thứ?

- Bạn đã từng biết qua phương pháp chữ N trong việc đánh giá mức độ quan trọng của sự việc với thời gian tương thích, thế nhưng trên thực tế thì bạn lại cứ thích đi hoàn thành những việc vừa không quan trọng lại vừa không cấp bách trước?

- Công việc làm tới giữa chừng lại đi lao bổ vào làm một công việc khác chẳng liên quan gì sất, bạn thường cảm thấy hối hận sau khi mình làm vậy nhưng lại không chịu thay đổi?

Bạn có biết trong đầu những người với khẩu hiệu "để sau hãy làm" thường có ba nhân vật, bạn hãy tham khảo những điều sau đây:

1. Bạn thường là "kẻ câu giờ", "kẻ dây chun" bởi vì trong đầu bạn chất chứa một nhân vật "quyết định theo lý tính" ( rational decision maker), một con khỉ chỉ thích theo đuổi niềm vui và sự hưởng thụ (monkey purse to happy and fun) và một con quái vật sợ hãi (panic monster).

2. Khi deadline còn xa lắc lơ thì con khỉ kia xuất hiện, nó mời gọi bạn đi bar, nó chiếm lĩnh lấy suy nghĩ của "kẻ quyết định theo lý tính" kia. Thế là tự nhiên bạn sẽ đi làm những việc chẳng liên quan hay cấp bách gì, và sau đó bạn thấy hối hận.

3. Khi deadline sắp tới nơi thì con quái vật sợ hãi đột ngột tỉnh dậy sau giấc ngủ say. Đây là thứ duy nhất khiến con khỉ cảm thấy sợ hãi, và nó bỏ chạy, thế là "kẻ quyết định theo lý tính" có thể quay về lại vị trí vốn có của mình, dành thời gian hai ngày để làm công việc mà lẽ ra phải bỏ thời gian và công sức của cả tháng trời để hoàn thành.

Căn bệnh “để sau hãy làm” dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý: Hóa ra trong não bạn đang ẩn chứa một vài vị khách không mời mà tới - Ảnh 1.

Thế nên, nếu để dùng một câu văn miêu tả lại toàn bộ nội dung phía trên thì câu đó sẽ như thế này:

Chúng ta biết rất rõ hậu quả cuộc việc chậm trễ nhưng sự sung sướng, thoải mái lại luôn đến trước so với hậu quả, vậy nên chúng ta chọn lựa chậm trễ. Khi mà khoảng thời gian của sự thoái mái và hậu quả xích lại gần nhau (cũng chính là lúc deadline tới gần) thì chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy sợ hãi và lúc này mới chính thức làm việc một cách nghiêm túc.

Bệnh chậm trễ có hai loại: chậm trễ ngắn hạn và chậm trễ mãn tính

1. Chậm trễ ngắn hạn: là sự chậm trễ có deadline, đó chính là những trường hợp giống như chúng ta đã nói ở phía trên. Ví dụ như: Bạn giúp bạn học viết một bài văn, bạn phải nộp một kế hoạch cho sếp, bạn phải hoàn thành một dự án vào ngày nào, năm nào đó. Sự chậm trễ này sẽ có một mốc thời gian cố định nào đó, khi ấy con quái vật sợ hãi sẽ xuất hiện và thúc giục bạn, cuối cùng khi deadline qua đi thì mọi chuyện lại trở về sự bình yên vốn có của nó.

2. Chậm trễ mãn tính: là sự chậm trễ không hề có deadline. Thực ra trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều việc quan trọng phải hoàn thành mà không hề có deadline. Điều này hơi khó tưởng tượng. Bạn có thể xem phương pháp chữ N ở bên dưới, xem có việc gì quan trọng nhưng không cấp bách mà bạn đang bỏ qua, câu giờ hay không?

Ví dụ:

- Một mối quan hệ đúng ra sớm đã phải cắt đứt nhưng lại không nỡ?

- Mùa hè năm nào cũng muốn giảm cân?

- Cần phải cải thiện mối quan hệ trong gia đình nhưng lại luôn tìm cách trốn tránh?

Bạn có phát hiện ra không? Nếu nhìn từ quan điểm này thì ai cũng là một kẻ mắc bệnh chậm trễ ở một mức độ nhất định nào đó.

Căn bệnh “để sau hãy làm” dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý: Hóa ra trong não bạn đang ẩn chứa một vài vị khách không mời mà tới - Ảnh 2.

Việc chúng ta lựa chọn sự thoải mái tạm thời thực ra chính là chúng ta đang trốn tránh trách nhiệm nặng nề ngay tại thời điểm đó.

Vậy thì chúng ta nên làm thế nào?

Ba cách chống lại căn bệnh chậm trễ

Có lẽ bạn đã đọc không ít các thể loại sách liên quan đến điều này, nhưng có thể không cảm thấy có hiệu quả, bởi vì việc chậm trễ chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn sống sót. Có thể nghĩ như thế này, khi bạn vẫn đang sống tốt, lại chẳng hề xảy ra sự cố gì thì bạn sẽ tiếp tục duy trì hành vi đó.

Nhưng nếu bạn thật sự chịu đựng đủ căn bệnh chậm trễ rồi, hơn nữa việc bạn câu giờ còn đem lại rất nhiều những hậu quả bi thảm, như là: mất đi một mối quan hệ tốt đẹp, mất việc, hoặc sa sút sức khỏe thì bạn nên tham khảo một vài biện pháp dưới đây:

1. Hãy để những mục tiêu nhỏ của bạn luôn được khen thưởng

Bạn còn nhớ con khỉ ở phía trên không? Thứ nó muốn là sự vui vẻ ngay lập tức, vậy thì chúng ta sẽ cho nó sự vui vẻ ngay lập tức đó, ví dụ như viết xong bài này thì sẽ đi ăn một cây kem hoặc làm xong 1/3 báo cáo thì bạn sẽ lướt facebook.

Nhưng sử dụng cách này thì bạn phải có năng lực tự kiềm chế, bởi vì nếu không cẩn thận là bạn sẽ ăn cả một hộp kem hay lướt facebook cả mấy tiếng đồng hồ mất.

Căn bệnh “để sau hãy làm” dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý: Hóa ra trong não bạn đang ẩn chứa một vài vị khách không mời mà tới - Ảnh 3.

2. Nhờ người khác giám sát và kiểm tra mục tiêu giúp bạn

Nhiều người chỉ sợ mắc lỗi với người khác chứ không sợ mắc lỗi với bản thân, vậy thì nhờ người khác giám sát và kiểm tra mục tiêu giúp bạn chính là một cách làm hiệu quả.

Ví dụ ban tổ chức thường không ngừng xác nhận nội dung, chỉnh sửa với nhà diễn thuyết, mục tiêu là không để đến tận đêm hôm trước buổi thuyết trình nhà diễn thuyết mới vội vàng chuẩn bị. Phương pháp này không giống với phương pháp chia nhỏ mục tiêu ở phía trên, bởi phương pháp thứ nhất bạn chỉ chịu trách nhiệm với bản thân mình còn phương pháp thứ hai tương đương với việc bạn chịu trách nhiệm đối với người khác. 

Việc nhờ người khác giám sát và kiểm tra chính là cách bạn đưa bệnh chậm trễ mãn tính chuyển thành bệnh chậm trễ ngắn hạn, chuyển nhiệm vụ vô hạn thành có deadline. Với mỗi một nhiệm vụ bạn sẽ phải nộp ra một thứ gì đó, nói cách khác, cách này giúp bạn gọi con quái vật sợ hãi ra liên tục và như vậy bạn sẽ làm việc có hiệu quả hơn rất nhiều.

3. Tìm bạn đồng hành cùng bạn

Cách này thích hợp áp dụng cho căn bệnh chậm trễ mãn tính, kéo dài. Muốn giảm cân, mà một mình lười quá thì nên đăng ký đến phòng tập hoặc tìm người tập thể dục cùng.

Đương nhiên bạn sẽ có rất nhiều "nhưng mà" khi tham khảo những phương pháp trên đây.

Căn bệnh “để sau hãy làm” dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý: Hóa ra trong não bạn đang ẩn chứa một vài vị khách không mời mà tới - Ảnh 4.

Thực ra chẳng có phương pháp nào phù hợp 100% với tất cả mọi người cả. Nhưng vẫn một câu nói cũ mà tôi muốn nói: "Sao bạn không thử xem thế nào?"

Nếu bạn có thể thử thì biết đâu sẽ phát hiện ra nguyên nhân khiến bạn luôn chậm trễ, hay là bạn bị vướng ở đâu khi thực hiện những phương pháp này, để từ đó tìm cách chỉnh sửa.

Có điều, tôi không hề khẳng định rằng việc dừng lại ở trạng thái hiện tại không tốt. Bởi ở một khía cạnh nào đó nó mang đến cho bạn sự thỏa mãn và ổn định. Vậy nên bạn có thể tiếp tục chờ đợi, chờ đợi đến khi nào con quái vật sợ hãi nhảy ra và ép bạn đi thay đổi chính mình.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
XEM