Cambridge Analytica phá sản sau vụ bê bối dữ liệu Facebook
Cambridge Analytica tiến hành các thủ tục phá sản sau khi bị mất gần hết khách hàng...
Cambridge Analytica - công ty tư vấn chính trị là tâm điểm trong vụ bê bối bảo mật của mạng xã hội Facebook - và công ty mẹ là SCL Elections Ltd ngày 2/5 tuyên bố đóng cửa ngay lập tức do hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh.
Theo tin từ Reuters, Cambridge Analytica tiến hành các thủ tục phá sản sau khi bị mất gần hết khách hàng và đối mặt với chi phí pháp lý gia tăng do vụ bê bối Facebook. Trong vụ bê bối này, Cambridge Analytica bị cho là thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook từ đầu năm 2014 và sử dụng dữ liệu này cho những mục đích không minh bạch.
Là một nhà tư vấn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump, Cambridge Analytica - công ty có trụ sở ở London - được cho là đã sử dụng dữ liệu người dùng Facebook để xác định khuynh hướng của cử tri Mỹ.
"Thông tin mà báo chí đăng tải đã khiến công ty mất gần như toàn bộ khách hàng và nhà cung cấp", tuyên bố của Cambridge Analytica có đoạn viết. "Vì vậy, công ty nhận thấy không còn phù hợp để tiếp tục hoạt động kinh doanh nữa. Công ty không còn lựa chọn thực tế nào khác đặt mình vào sự giải quyết của cơ quan chức năng".
Không chỉ khiến Cambridge Analytica phải đóng cửa, vụ bê bối dữ liệu Facebook còn khiến cổ phiếu mạng xã hội lớn nhất hành tinh lao dốc mạnh và nhà sáng lập Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Gọi những cáo buộc nhằm vào mình là "vô căn cứ", Cambrdige Analytica cho biết sẽ dừng hoạt động từ ngày 2/5. Nhân viên của công ty được yêu cầu nộp lại máy tính.
Sau tuyên bố đóng cửa của Cambridge Analytica, cơ quan giám sát dữ liệu của Anh cho biết vẫn sẽ tiếp tục các cuộc điều tra dân sự và hình sự đối với công ty này.
Cambridge Analytica thành lập vào năm 2013, với trọng tâm hướng đến là các cuộc bầu cử ở Mỹ. Công ty này đã nhận 15 triệu USD tiền vốn từ tỷ phú Robert Mercer, một nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa.
Theo tờ New York Times, Cambridge Analytica được đặt tên bởi ông Steve Bannon, người về sau trở thành cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump. Ông Bannon từng là một Phó chủ tịch cấp cao của Cambridge Analytica.
Nguồn thạo tin nói rằng công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người đang dẫn đầu cuộc điều tra nhầm làm sáng tỏ nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - đã yêu cầu Cambridge Analytica cung cấp tài liệu nội bộ về việc các dữ liệu và phân tích của công ty này đã được sử dụng như thế nào trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Một câu hỏi đang được đặt ra trong cuộc điều tra của ông Mueller là liệu Nga có sử dụng dữ liệu từ Cambridge Analytica để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử nhằm giúp ông Trump đắc cử hay không.