Cảm ơn ông Tây dọn rác, nghĩ về ý thức người Việt

19/05/2016 09:25 AM | Sống

"Cơn bão" dư luận về hình ảnh một ông Tây và nhóm bạn trẻ VN tình nguyện dọn rác tại một dòng kênh ở Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Hình ảnh người nước ngoài dọn rác tại mương nước đăng tải trên trang Keep Hanoi Clean ngày 15-5

Bên cạnh những lời cảm ơn dành cho nhóm người nước ngoài, rất nhiều câu hỏi và băn khoăn được đặt ra quanh câu chuyện này như rất cần tăng hình phạt với những người xả rác hay kiểm soát việc xả rác ra sao và ý thức người dân trong việc nhìn thấy rác.

Vấn đề quan trọng không phải là người nào dọn rác mà vấn đề là làm sao để nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, bởi tất cả những dòng kênh chẳng thể nào sạch nổi khi cứ hôm nay dọn, ngày mai lại có người tiện tay vứt rác xuống.

Nhiều ý kiến cho rằng không chỉ Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác cũng còn rất nhiều dòng kênh đầy rác.

Môi trường xuống cấp do chế tài chưa cao

Đánh giá về vấn đề này, ThS Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM) cho rằng môi trường ngày càng xuống cấp trầm trọng phần lớn là do ý thức của người dân chưa cao và chế tài với những hành vi gây hại cho môi trường chưa đủ sức răn đe.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, phó viện trưởng Viện VH-NT quốc gia, đánh giá việc giữ gìn môi trường luôn luôn là nhiệm vụ và trách nhiệm của mọi người, không kể đó là người nước ngoài hay người Việt Nam.

Nếu đó là người nước ngoài thì lại càng đáng quý hơn bởi lẽ đây sẽ trở thành tấm gương cho người Việt Nam tự nhìn nhận và đánh giá lại mình.

“Trên thực tế, mấy ngày nay dư luận xã hội, đặc biệt là cộng đồng mạng, đã có nhiều đánh giá tích cực và ủng hộ hành động này, và tự vấn cộng đồng về việc tại sao những người nước ngoài đến giữ gìn môi trường cho mình còn mình thì lại không làm như vậy? Sự tự vấn này là tín hiệu tốt cho các hành động bảo vệ môi trường tương lai của người Việt Nam, đặc biệt là đối với những bạn trẻ” - ông Bùi Hoài Sơn nói.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chính quyền địa phương có thể có hình thức khen thưởng, động viên những người nước ngoài có cử chỉ đẹp là dọn rác, để họ trở thành những tác nhân, điển hình tốt cho chính cộng đồng mình để kết quả tuyên truyền và thực tế sẽ tích cực hơn.

Không ai dọn nổi nếu cứ vứt rác bừa bãi

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia về du lịch, hoan nghênh hành động của nhóm người nước ngoài và cho rằng cần có biểu dương vì sự nhiệt tình, phong cách làm việc không cần hô hào, làm đến nơi đến chốn của họ.

Đồng tình, một bạn đọc viết: "Làm sạch và bảo vệ môi trường là việc làm xuất phát từ cái tâm và nhu cầu được sống trong môi trường sạch đẹp, văn minh đô thị. Vậy nên bất kỳ ai thấy và có khả năng, cái tâm muốn dọn rác vì môi trường chung của mọi người thì họ cứ làm thôi".

Rất nhiều bạn đọc hi vọng những hành động này sẽ đánh động đến ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh dòng kênh sau khi đã được dọn sạch.

“Chủ yếu là ý thức của người dân. Chính quyền có tổ chức dọn dẹp mà người dân cứ xả rác xuống lại thì cũng dơ bẩn như thường. Có nhiều nơi chính quyền tổ chức dọn dẹp nhưng vài ngày sau lại nghẹt vì... rác thì mọi người nên nhắc nhở nhau, lên án những cá nhân cố tình vi phạm” - một bạn đọc đề nghị.

Thanh niên nước ngoài và các bạn trẻ VN dọn rác tại mương nước đăng tải trên trang Keep Hanoi Clean

Bỏ quên việc thực thi quy định xử phạt?

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết riêng hành vi xả rác bị chế tài ra sao đã được quy định rõ trong hai nghị định của pháp luật VN hiện hành.

Tuy không thể phủ nhận rằng mức phạt cao thì tính răn đe cao nhưng luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng vấn đề quan trọng hơn vẫn là thực thi các quy định như thế nào.

“Nếu mọi hành vi vi phạm đều được các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt thì tính răn đe sẽ cao hơn rất nhiều. Nhưng nếu một người vi phạm rất nhiều lần nhưng chẳng ai phạt họ hoặc chỉ bị phạt một vài lần thì tính răn đe giống như là không có”, luật sư Huỳnh Phước Hiệp nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng mọi hình thức chế tài như phạt tiền chỉ là những biện pháp cuối cùng phải thực hiện. Ý thức bao giờ cũng là yếu tố quan trọng nhất.

“Những bài học về bảo vệ môi trường vừa qua như cá chết, người nước ngoài nhặt rác… có thể sẽ là những tín hiệu có ích cho hành động bảo vệ môi trường của chúng ta trong tương lai nếu chúng ta thật sự cầu tiến” - ông Sơn nói.

Singapore phạt người xả rác ra sao?

Từ tháng 4-2014, Singapore - một quốc gia nổi tiếng vì sự sạch sẽ - đã quyết định tăng mức phạt đối với hành vi xả rác lên gấp đôi so với trước đây.

Cụ thể, nếu vứt những loại rác nhỏ như giấy gói kẹo hay tàn thuốc sẽ bị phạt 300 đôla Sing cho lần đầu vi phạm.

Với những loại rác lớn hơn như túi nilông hay cốc nước, hình phạt có thể lên đến 2.000 đôla Sing nếu vi phạm lần đầu.

Lần thứ hai mức phạt có thể lên đến 4.000 đôla Sing và lần thứ ba trở đi mức phạt tăng lên đến 10.000 đôla Sing.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt đi nhặt rác ở những khu vực công cộng trong 12 tiếng đồng hồ.

Mọi người sẽ nhận ra những người bị phạt nhặt rác vì từng xả rác bởi bộ đồ đặc biệt mà họ phải mặc khi làm việc đó. Hình phạt này được thực hiện với mong muốn sự xấu hổ sẽ ngăn họ lặp lại hành vi của mình.

Theo Võ Hương - An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM