Cam kết không trao quyền kế vị cho con, "thái tử" Samsung làm nên chấn động lịch sử kinh tế Hàn Quốc

08/05/2020 08:57 AM | Kinh doanh

Tuyên bố của ông Lee không chỉ phá vỡ truyền thống "cha truyền, con nối" của tập đoàn Samsung, mà còn có thể làm thay đổi cả nền kinh tế Hàn Quốc.

Cuộc họp báo hôm qua là một sự kiện lịch sử đối với "thái tử" của Samsung, Lee Jae-yong. Như một truyền thống của gia đình mình, ông Lee thường ít khi xuất hiện trước truyền thông và công khai đưa ra lời xin lỗi càng hiếm hoi hơn nữa. Thế nhưng trong buổi họp báo hôm qua, ông Lee đã phá vỡ cả hai truyền thống này.

Không chỉ xuất hiện trước đông đảo báo chí truyền thông, ông còn công khai xin lỗi vì vai trò của mình trong vụ bê bối hối lộ liên quan đến kế hoạch kế vị tập đoàn. Hơn thế nữa, ông còn phá bỏ một truyền thống vững chắc khác trong công ty gia đình trị này – ông quyết định sẽ không trao lại công ty cho con mình.

Cam kết không trao quyền kế vị cho con, thái tử Samsung làm nên chấn động lịch sử kinh tế Hàn Quốc - Ảnh 1.

Lời xin lỗi công khai của ông Lee đưa ra đã cách đây 5 năm. Khi đó ông đã phải công khai xin lỗi vì cách xử lý vụng về đối với sự xuất hiện Hội chứng Hô hấp Trung Đông tại Trung tâm Y tế Samsung, một bệnh viện ở Seoul. Còn lần này, ông Lee cũng xin lỗi vì hoạt động phá hoại công đoàn của công ty và ông cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian tới.

"Rất nhiều lần, chúng tôi đã không đáp ứng được các kỳ vọng của xã hội. Thậm chí chúng tôi còn làm mọi người thất vọng và gây lo ngại bởi vì chúng tôi không tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và các tiêu chuẩn đạo đức." Ông Lee cho biết trong cuộc họp báo.

Vụ bê bối liên quan đến ông Lee bắt đầu từ năm 2017 khi ông bị bắt giữ vì các cáo buộc liên quan đến hành vi hối lộ, biển thủ và khai man. Ông Lee và một vài giám đốc điều hành khác của Samsung đã phải nhận tội hối lộ cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và bạn của bà, Choi Soon-sil nhằm giành quyền kế vị từ cha của mình, ông Lee Kun-hee.

Hậu quả là ông Lee Jae-yong bị tuyên án 5 năm tù. Tuy nhiên, chỉ sau một năm tù, ông Lee đã được thả vào năm 2018 khi kháng cáo thành công để hạ mức án tù và bị đình chỉ hoạt động trong 3 năm. Tuy nhiên, phán quyết này đã bị lật lại vào tháng Tám năm ngoái, nghĩa là ông Lee có thể phải đối mặt với hình phạt khắc nghiệt và trở lại nhà tù.

Cả Reuters và tờ The Korea Herald đều cho rằng lời xin lỗi của ông Lee được đưa ra theo tư vấn của Hội đồng Tuân thủ Nội bộ Samsung – bộ phận vốn được lập ra để đảm bảo sự minh bạch trong các thỏa thuận của tập đoàn.

Cam kết không trao quyền kế vị cho con, thái tử Samsung làm nên chấn động lịch sử kinh tế Hàn Quốc - Ảnh 2.

Trong buổi họp báo hôm qua, ông Lee đã 3 lần cúi đầu xin lỗi mọi người.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất là tuyên bố của ông về người kế vị. Samsung vốn được biết tới như một chaebol – một đế chế kinh doanh được điều hành theo phong cách gia đình trị vốn rất quen thuộc tại Hàn Quốc – tương tự như Hyundai hoặc LG. Cho dù họ là tác nhân làm nên "Phép màu Hàn Quốc" của thế kỷ trước, nhưng giờ đây việc tập trung một lượng lớn tài sản của đất nước vào tay một số ít các gia tộc đã làm nhiều người cho rằng, mô hình chaebol đã trở nên lỗi thời trong thế kỷ 21 này.

Chính vì vậy, trong buổi họp báo lịch sử vừa qua, ông Lee cho rằng những vấn đề gây tranh cãi xung quanh ông có nguồn gốc từ việc kế vị trong tập đoàn. Do vậy ông quyết định:

"Tôi sẽ không trao lại quyền điều hành công ty cho các con của mình." Ông Lee cho biết. "Tôi đã nghĩ về việc này trong một thời gian dài, nhưng vẫn luôn e ngại về việc tuyên bố công khai."

Phá vỡ truyền thống này sẽ tạo nên một chấn động lịch sử, không chỉ đối với Samsung Electronics – công ty có giá trị nhất của tập đoàn Samsung – mà còn đối với cả 59 công ty con thuộc tập đoàn. Thậm chí nó còn có thể tác động đến cả nền kinh tế Hàn Quốc.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM