Cải tạo chung cư cũ và toan tính “lạ” của Hà Nội

30/11/2016 10:16 AM | Xã hội

Hà Nội tính chuyện đền bù nguyên diện tích đối với các hộ dân khi tiến hành cải tạo chung cư cũ...

“Tới đây, Hà Nội sẽ tiến hành cải tạo hết tất cả các khu chung cư cũ trên địa bàn, nhưng với một cách làm và cơ chế hoàn toàn mới”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp hôm 28/11.

Phản ánh với lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Công ty GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, hiện nay việc cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn thành phố vẫn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc bởi cơ chế lẫn tranh chấp nảy sinh trong thực tiễn.

Cụ thể là hầu hết các doanh nghiệp vẫn không đạt được thỏa thuận với người dân trong việc phân chia lại diện tích, căn hộ, số tầng… khi thực hiện cải tạo, xây mới. Từ đó dẫn tới tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt bị chậm lại, có khi kéo dài nhiều năm.

Trong khi đó, về chính sách, quy định vẫn có không ít vướng mắc, mâu thuẫn nhau. Đơn cử như việc quy định diện tích đền bù cho các hộ dân.

Theo quy định, khi xây dựng lại, các hộ gia đình sẽ được đền bù tối đa gấp 2,2 lần diện tích căn chung cư cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều căn hộ chung cư cũ có diện tích chỉ 18 - 20 m2, nếu đền bù gấp hai lần cũng chỉ 40 m2, trong khi quy định của Bộ Xây dựng là căn hộ chung cư mới phải có diện tích tối thiểu 45 m2.

“Số diện tích trội thêm này, không phải nhà nào cũng có tiền nộp, từ đó khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận, giải quyết với người dân”, ông Hiệp nói.

Phản hồi ý kiến của ông Hiệp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, đúng là thành phố vẫn đang “bế tắc” trong việc cải tạo chung cư cũ, khi mà 14 năm qua chỉ làm được đúng 14 dự án trên tổng số hàng trăm tòa chung cư cũ trên địa bàn.

Đặc biệt, do các quy định hiện nay của Chính phủ, nên các doanh nghiệp tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đều “lắc đầu ngao ngán” khi phải áp định mức bồi thường 2,2 lần diện tích cũ.

“Do hầu hết các khu chung cư cũ đều có diện tích khá đắc địa, nên người dân đều đòi hỏi đền bù tương xứng. Nhưng nói thật, chẳng có nước nào trên thế giới áp quy định, chính sách này”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Để giải quyết những vướng mắc trên, ông Chung cho biết, tới đây Hà Nội sẽ có những chính sách “hoàn toàn mới” để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ.

Trước mắt, sẽ cho mời các nhà đầu tư lên trao đổi, lắng nghe các khó khăn vướng mắc, miễn sao khi thực hiện bất kỳ một dự án nào cũng phải hài hòa được lợi ích của các bên.

Đến giữa năm 2017, thành phố sẽ đề xuất Chính phủ một số chính sách đặc thù để chọn nhà đầu tư cải tạo toàn bộ các toàn nhà chung cư cũ trên địa bàn.

“Khi đó, người dân có thể bán đứt cho nhà nước, cho doanh nghiệp căn nhà cũ của mình, hoặc xây mới nhưng chỉ trả lại theo tỷ lệ 1:1, chứ không phải tăng thêm diện tích như hiện nay, miễn sao đảm bảo nhà nước - doanh nghiệp - người dân đều có lợi”, ông Chung nói.

Liên quan đến quá trình cải tạo chung cư cũ, mới đây Hà Nội đã chấp thuận một số doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ… với nhiều cơ chế ưu đãi về thuế, vay vốn, phương thức kinh doanh…

Gần đây nhất, UBND thành phố Hà Nội thống nhất giao tập đoàn FLC lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Giang, Hoàng Mai.

Tuy nhiên, hiện toàn thành phố vẫn còn 42 khu chung cư ở các quận, huyện nằm trong tình trạng nguy hiểm, trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân gấp.

Theo Bảo Anh

Cùng chuyên mục
XEM