Cái kết đắng của người đầu tiên nuôi "giấc mộng" sản xuất xe ô tô Việt: Từng bán chạy như tôm tươi, có giai đoạn vượt cả Trường Hải, cuối cùng vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng
Những ngày này, người ta nói nhiều đến VinFast và xe điện VinFast, nhưng ở Việt Nam, ông Bùi Ngọc Huyên - ông chủ Vinaxuki mới là người đầu tiên ôm tham vọng sản xuất xe ô tô Made in Vietnam.
Năm 50 tuổi, ông Bùi Ngọc Huyên khi đó đang giữ hàm Vụ trưởng tại Bộ Giao thông vận tải viết đơn xin nghỉ hưu sớm để ra ngoài lập doanh nghiệp tư nhân, quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ ô tô "Made in Vietnam".
Năm 2004, Công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) của ông Bùi Ngọc Huyên được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Vinaxuki xây dựng Nhà máy ô tô tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Trong giai đoạn 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi; sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.
Giai đoạn từ 2006-2009 là “thời hoàng kim” của Vinaxuki. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, khi ấy chỉ cần nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao nhưng cho lợi nhuận khủng. Năm thấp nhất Vinaxuki cũng lãi 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng.
Khi đó, Vinaxuki là đối thủ cạnh tranh đáng kể so với Trường Hải và cũng là một trong số ít những công ty Việt Nam có mặt trong VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam).
Sóng gió bắt đầu từ khi Vinaxuki tự tin đầu tư cho dự án lớn: Sản xuất ô tô con, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Hơn 900 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot,... Doanh nghiệp đầu tư thêm nhà máy tại Thái Nguyên và Thanh Hóa.
Tuy nhiên, tham vọng này chỉ đi được nửa chặng đường do các gánh nặng nợ và chiến lược sai lầm khiến Vinaxuki mất khả năng hoạt động kinh doanh. Cốt lõi, phải nói đến việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất xe ô tô con vô cùng ngốn tiền nhưng khó mang lại kết quả ngay lập tức.
Cuối năm 2012, giữa một “rừng” những dòng xe mang thương hiệu nổi tiếng thế giới tại triển lãm Ô tô Việt Nam, mẫu xe “đang làm dở” VG150 chính thức ra mắt công chúng.
Chiếc xe mang tên VG150, được đích thân người đứng đầu Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên khẳng định có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 58% với khung vỏ do người Việt làm ra. Sau sự kiện gây chấn động đó, chiến lược phát triển xe du lịch của Vinaxuki hoàn toàn lộ rõ và khái niệm ô tô “Made in Vietnam” cũng bắt đầu được truyền thông nhắc đến nhiều hơn. Ông Bùi Ngọc Huyên khẳng định với báo giới, Vinaxuki làm được xe hơi và VG150 sẽ là một chiếc xe của Việt Nam.
Vậy nhưng bên cạnh những phát biểu tự tin về việc sẽ sản xuất được ô tô Việt Nam thì ông chủ Vinaxuki cũng nhắc nhiều đến khó khăn về vốn. Tình hình trầm trọng hơn khi bước sang giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2011-2012, thị trường ô tô suy giảm, hàng nghìn xe lắp ráp xong không bán được, xe bán được cũng phải giảm giá, dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn. Dòng tiền đứt gãy trong khi gánh nặng nợ ngân hàng đè nặng.
Năm 2012, Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và bị nợ quá hạn các ngân hàng. Từ đây, nguồn tín dụng bị cắt đứt, Vinaxuki không thể vay được vốn ở đâu, dù chỉ là vốn lưu động.
Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, thậm chí bán phần lớn phế liệu, phụ tùng, máy móc để duy trì lương công nhân…
Năm 2017, Vinaxuki từng gửi đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Qua thư, công ty mong được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỉ đồng vốn lưu động để sản xuất nhằm tiếp tục đeo đuổi giấc mơ còn dang dở và đảm bảo việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận.
Tiền cạn khi chiếc xe sản xuất vẫn còn dang dở khiến Vinaxuki phải đem gần hết tài sản từ nhà máy, quyền sử dụng đất cho đến các dây chuyền lắp ráp,... đi cầm cố ngân hàng để tiếp tục theo đuổi mục tiêu đã đề ra. Và khi chiếc xe Việt VG150 chuẩn bị lăn bánh ra thị trường cũng là lúc Vinaxuki tuyên bố bán nhà máy sản xuất để trả nợ.
Trong hai năm 2017 và 2018, một ngân hàng đã bán tài sản đảm bảo là một số máy móc thiết bị trừ nợ nhưng vẫn còn lại số nợ lên đến 1.315 tỷ đồng. Một số đối tác tìm đến nhà máy gặp ông Huyên để đàm phán mua lại máy móc với giá… sắt vụn.
Ngày 20/02/2020 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki.
Theo đó, tài sản đấu giá là khoản nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).
BIDV công bố mức giá khởi điểm cho toàn bộ khối tài sản nói trên tương đương nợ gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. (Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là: 1.265.111.125.606 đồng).
Cách đây 2 năm, báo Pháp luật và đời sống đưa tin, ông chủ hãng sản xuất xe hơi đầu tiên tại Việt Nam Vinaxuki nay đã 80 tuổi, sống trong ngôi nhà ngay tại đại công xưởng của nhà máy đặt tại huyện Mê Linh. Thu nhập chính của ông là lương hưu 8 triệu đồng/tháng, cùng với nguồn thu “không thường xuyên” từ đàn gà nuôi trong nhà xưởng.
Nhiều người tiếc nuối cho thời hoàng kim của xe tải Vinaxuki, một thương hiệu thậm chí từng đi trước Trường Hải. Có người lại tiếc cho ông Bùi Ngọc Huyên khi dấn thân vào giấc mộng sản xuất ô tô Made in Vietnam nhưng lại không gặp thời.