Cái chân màn hình giá nghìn đô và cách chúng ta trở thành con cờ trong tay Tim Cook
CEO của công ty nghìn tỷ đô đầu tiên trong lịch sử công nghệ liệu có dự đoán được phản ứng của công chúng dành cho chiếc đế màn hình giá nghìn đô?
Nếu vẫn còn nghi ngờ về sức hút của Apple, bạn có thể nhìn vào WWDC 2019. Một công ty phần cứng khi tổ chức sự kiện phần mềm vẫn có thể khiến cả thế giới theo dõi từng sản phẩm, từng câu chữ.
Trong số những sản phẩm mới mà Apple ra mắt, có lẽ cái đế màn hình giá 1000 đô là bị chú ý theo cách tiêu cực nhất. Từ bình luận Facebook cho đến meme trên Reddit, ai ai cũng chê cười Apple. "Apple giờ như một trò đùa" là quan điểm của nhiều người. Ai sẽ đủ... hâm để đi mua một cái đế màn hình giá nghìn đô, vốn có thể dùng để mua một chiếc Mac Mini (800 USD) và một chiếc màn hình tương đối tử tế từ Dell hay LG?
Câu trả lời là không ai cả. Và đó là cách Tim Cook đã áp dụng một chiến lược marketing quá cáo già, để chúng ta tự biến thành bộ máy bán hàng thay cho Apple.
Tại sao ư? Hãy đặt ra một kịch bản đơn giản. Điều gì sẽ xảy ra nếu Apple bán Pro Monitor đi kèm chân đế ở mức giá 6000 USD, thay vì bán riêng màn không đi kèm chân đế giá 5000 USD như hiện nay? Chắc chắn sẽ có người chê 6000 USD là đắt, nhưng với giới sản xuất nội dung chuyên nghiệp thì 6000 USD không phải là không chấp nhận được. Sẽ có một vài bài báo thông báo giá của Pro Monitor, một vài lời mỉa mia từ "cộng đồng mạng"... Pro Monitor sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng...
Cơn bão này cực kỳ có lợi cho Apple. Đầu tiên, những người tham gia vào "bão" vốn đã chẳng phải là đối tượng người mua mà Apple nhắm tới: Mac rất phổ biến trong môi trường thiết kế, studio hay công nghệ (ví dụ, chính Google còn có hơn 13.000 máy Mac). "Dân mạng" có mỉa mai, có bới móc thế nào thì doanh số Mac Pro hay màn hình Pro Monitor cũng chẳng bị ảnh hưởng.
Nhưng họ lại tạo thành một mạng lưới khổng lồ để đưa thông tin về màn hình Pro Monitor đến mọi lúc, mọi nơi. Khi họ share một bức hình chụp Pro Stand giá nghìn đô, họ đã vô tình thúc đẩy những designer , những producer là bạn Facebook của họ đi tìm thông tin về Pro Monitor. Khi tìm thông tin về Pro Monitor, những designer/producer này – vốn là đối tượng khách hàng của Apple – sẽ nhận ra rằng đây là một chiếc màn hình thực sự tốt cho môi trường chuyên nghiệp.
Đặc biệt, với chính nhóm khách hàng này, không có chân đế chẳng phải vấn đề, bởi đế VESA bán đầy rẫy trên thị trường, giá cũng chỉ từ vài chục USD. Họ có lẽ cũng đã có vài chiếc rồi!
Thậm chí, ngay trong từng thread Reddit đã có rất nhiều người chia sẻ thông tin về Pro Monitor. Họ giải thích với những người khác rằng về những gì Pro Monitor có thể làm được là cực kỳ ấn tượng nếu xét tới mặt bằng chung của thị trường "Pro". Như thế, một bài viết "ném đá" lại là "mồi dẫn" cho những thông tin có lợi về màn hình của nhà Táo.
Đừng bất ngờ khi bạn nhận ra sự thật đầy mỉa mai này. Hãy nhớ rằng Apple đang được điều hành bởi một con cáo già đã sẵn sàng ra mắt iPhone vỏ nhựa. Năm đó, người ta hết lời chê bai lớp vỏ thô kệch kém cao cấp của iPhone 5c mà không nhận ra rằng những lời chê ấy đã "đẩy" nhiều người sang mua iPhone 5s, vốn là mẫu iPhone đắt giá nhất năm đó. Nếu Apple không khai tử iPhone 5 và thay thế bằng iPhone 5c, chắc chắn nhiều người đã mua bản gốc thay vì mua bản S – doanh số và lợi nhuận của Apple năm 2013 đã sụt giảm đi nhiều.
Thế nên, chớ vội vã chê bai Apple mà mắc bẫy của Tim Cook... Nghĩ thật kỹ xem, liệu CEO của công ty nghìn tỷ đô đầu tiên trên thế giới có dự đoán được phản ứng của người dùng dành cho chiếc chân đế giá nghìn đô? Câu trả lời HIỂN NHIÊN là có, và ông ta đủ khôn ngoan để dùng chính phản ứng đó đem lại lợi ích cho Apple.