Cách giúp tôi bắt đầu từ 10 USD đến hơn 1 triệu USD và 1 căn nhà: Không tiêu tiền như ăn socola, chống lại cám dỗ của thẻ tín dụng
Câu "thần chú" của bà tôi là "Đừng bao giờ vay nợ, nếu không, bạn sẽ chìm trong nợ nần. Thay vào đó, hãy sáng tạo với tiền bạc của mình".
Thời thơ ấu của tôi không tồn tại thẻ tín dụng và hầu hết mọi người đều sống với ít tài sản. Đặt chân đến Mỹ với 10 USD, món quà do một người chú tặng, tôi cảm thấy có trách nhiệm lớn là không được phung phí "gia tài" đó.
Câu "thần chú" của bà tôi là "Đừng bao giờ vay nợ, nếu không, bạn sẽ chìm trong nợ nần. Thay vào đó, hãy sáng tạo với tiền bạc của mình". Lời khuyên đó đã in sâu trong tâm trí tôi từ nhỏ. Thời điểm hiện tại, tôi sở hữu hơn 1 triệu USD.
Dưới đây là những thói quen giúp tôi tích lũy được số tài sản đó:
Thân thiết với tiền bạc
Ngày trước, ở quê hương của tôi, mọi người được trả lương bằng tiền mặt khi tôi còn nhỏ. Chúng tôi liên tục nhìn thấy tiền, chạm vào và đếm nó. Tiền không phải một khái niệm mà rất thực tế.
Vì không thể mua thứ gì nếu không có tiền mặt nên chúng tôi phải tiết kiệm. Việc lập và duy trì ngân sách gần như là điều bắt buộc.
Ngày nay, tôi vẫn giữ thói quen liệt kê hàng tháng số tiền tôi kiếm được, số tiền muốn tiết kiệm, nhu cầu thiết yếu và khoản còn lại. Nếu thiếu hoặc thừa, tôi sẽ điều chỉnh bằng cách tạo thêm thu nhập hoặc cắt giảm chi phí.
Từ nhiều năm qua, tôi luôn rèn luyện thói quen tiết kiệm cho những thứ mình muốn, chẳng hạn như ngôi nhà hiện tại. Để thanh toán khoản đặt cọc, tôi đề ra quy tắc không bao giờ chi quá 20 USD cho bất cứ thứ gì. Kết quả là số dư trong tài khoản ngân hàng của tôi ngày càng tăng. Điều này giúp tôi càng có thêm động lực để hướng tới những mục tiêu tài chính lớn khác.
Lập ngân sách là một kỹ năng sống cần thiết và nó cần được thực hành một cách đều đặn. Việc này thể hiện mối quan hệ "thân thiết" với tiền bạc và là nền tảng cho sự sung túc về tài chính sau này.
Lập ngân sách chi tiêu là việc rất quan trọng trong tài chính cá nhân.
Đừng tiêu tiền như ăn socola
Một lần, cháu trai tôi vì ăn quá nhiều socola nên đã bị đau bụng. Thằng bé nói: "Vì nó quá ngon nên cháu đã ăn không ngừng".
Tiêu tiền cũng vậy, khi tiêu quá nhiều, bạn sẽ bị "đau ví". Lần tới, thay vì mua một thứ mà bạn đã có vài cái tương tự, hãy nghĩ đến việc mua một khóa học. Đó có thể là khóa học ngoại ngữ hay một kỹ năng nào đó có thể phục vụ cho công việc của bạn.
Mua sắm những thứ không cần thiết khiến bạn là một phần của chủ nghĩa tiêu dùng mù quáng trong khi học kiến thức mới lại là một khoản đầu tư. Chính vì vậy, hãy sử dụng tiền của bạn một cách khôn ngoan.
Chống lại sự cám dỗ của thẻ tín dụng
Ngay sau khi đến Mỹ, tôi thấy một người bạn Mỹ của mình đang ngồi trong bếp và cắt thẻ tín dụng thành nhiều mảnh với quyết tâm cao độ. Cô ấy nói: "Monika, thẻ tín dụng nguy hiểm như quỷ dữ vậy".
Khi đó, tôi tự hỏi: "Một người cần bao nhiêu thẻ tín dụng và tại sao chúng lại bị cho là nguy hiểm như vậy?".
Sau đó, tôi có tới 3 chiếc thẻ tín dụng. Tuy chúng khiến việc mua sắm của tôi dễ dàng hơn (đặc biệt là khi tôi không có sẵn tiền) nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu vật lộn với các khoản nợ. Cuối cùng, khi đã trả hết nợ, tôi quyết định giữ lại 1 thẻ và chỉ sử dụng khi không còn cách nào khác.
Những chiến lược trên đã giúp tôi rất nhiều trong hành trình của mình. Từ 10 USD, giờ đây tôi đã trở thành triệu phú và sở hữu một căn nhà. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm và lời khuyên của người xung quanh và chọn cho mình chiến lược phù hợp để đạt được mục tiêu tài chính mình đặt ra.
Nguồn: BI