Các tổ chức tài chính quốc tế kỳ vọng gì ở chính sách tiền tệ Việt Nam 2019?
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, năm 2019 đang đến gần với nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới...
Cuối tuần qua tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, đối tác song phương, đa phương và các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài tại Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài có quan hệ công tác với NHNN.
Tại buổi gặp cuối năm 2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã gửi lời chúc mừng Giáng sinh và chúc mừng năm mới 2019 đến đại diện các tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế, các TCTD nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam cũng chia sẻ, năm 2018 đã gần khép lại, đánh dấu một năm hoạt động kinh tế phục hồi rõ nét ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, năm 2018 được đánh dấu bằng những thành quả nổi bật trong tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì động lực tăng trưởng cũng như những thành công đầy khích lệ trong việc triển khai chương trình cải cách các lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Thống đốc cũng cho biết, ổn định tài chính, duy trì huyết mạch của nền kinh tế là điều kiện then chốt cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững. Trong năm 2018, chính sách tiền tệ được điều hành cẩn trọng, linh hoạt, phối hợp tốt với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Lạm phát tăng bình quân 3,59 % trong 11 tháng đầu năm, cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc đảm bảo mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đề ra từ đầu năm. Lãi suất được duy trì ở mức thấp, tỷ giá và thị trường vàng được duy trì ổn định, giúp tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân. Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ dưới 16%, ưu tiên tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến chế tạo. Lượng dự trữ ngoại hối được tích lũy cao ở mức kỷ lục trong năm 2018 cho thấy lòng tin vào chính sách của Chính phủ và NHNN đã và đang được củng cố, hỗ trợ cho các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.
Bên cạnh việc duy trì ổn định vĩ mô, công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu cũng đã được triển khai tích cực. NHNN đã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, khuôn khổ và cơ chế giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nhằm triển khai thành công Kế hoạch tài cơ cấu và xử lý nợ xấu 2016-2020. Một loạt các văn bản, khuôn khổ pháp lý nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động ngân hàng đã được ban hành, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basle II và bước đầu đã được hệ thống ngân hàng đón nhận tích cực. Nợ xấu đã giảm mạnh và được kiểm soát ở mức 2,16%, kỷ cương kỷ luật trong hoạt động ngân hàng được tăng cường giúp nâng cao lòng tin của người gửi tiền, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.
Tư lệnh ngành ngân hàng cũng ghi nhận, đóng góp vào những thành quả trên không thể không nhắc đến vai trò của các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao trong việc ủng hộ, hỗ trợ và chung tay với NHNN nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung trong các chương trình, dự án và hoạt động chính sách, kinh tế. NHNN đánh giá cao vai trò của các TCTD nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong việc tuân thủ tốt các quy định quản lý ngành ngân hàng, hoạt động an toàn hiệu quả, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong ngành ngân hàng, củng cố hoạt động lành mạnh và hiệu quả trong hệ thống ngân hàng tài chính Việt Nam. Sự chung tay của các đối tác quốc tế đã đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài, truyền thông các chủ trương, chính sách của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tại buổi gặp mặt, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Giám đốc WB cũng chúc mừng những thành công của NHNN trong việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42 của Chính phủ về xử lý nợ xấu... Ông Ousmane Dione nhận thấy ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có xu hướng phục hồi song vẫn còn nhiều thách thức và rủi ro tiềm ẩn.
Đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và các TCTD nước ngoài đã đánh giá cao về những thành tựu đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong điều hành chính sách tiền tệ và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua. Đồng thời, họ kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt hơn nữa trong thời gian tới để sẵn sàng đối phó với những biến động khó lường trên toàn cầu hiện nay, cũng như góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của Việt Nam một cách nhanh và bền vững hơn.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nirukt Sapru – Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào, Trưởng Nhóm Công tác ngân hàng (BWG) cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam nói chung, NHNN nói riêng trong nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính ngân hàng lành mạnh và bền vững, coi đây là một trong những nền tảng để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại trong tương lai. Đặc biệt, ông Nirukt Sapru cũng cam kết BWG sẽ là cầu nối hiệu quả của Việt Nam với các nhà đầu tư toàn cầu.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, năm 2019 đang đến gần với nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới. Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách các lĩnh vực trọng yếu cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong Kế hoạch 2016-2020, hướng tới tăng trưởng bền vững. NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra giám sát an toàn nhằm duy trì ổn định hệ thống ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.