Các nhà tuyển dụng cần gì ở các sinh viên mới ra trường?
Theo các nhà tuyển dụng, bạn có thể không có kinh nghiệm thực tiễn về nghề nghiệp, nhưng nhất định phải biết chịu khó – chịu khổ, có ý thức tốt và tinh thần cầu thị.
Trong vài năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp của các sinh viên mới ra trường ở Việt Nam tương đối cao, luôn ở mức trên 60%. Chính cái vòng luẩn quẩn như thế này đã tạo nên thực trạng trên: sinh viên thường thiếu kinh nghiệm thực tiễn về nghề, trong khi các nhà tuyển dụng chỉ muốn tuyển người có kinh nghiệm, vì ít doanh nghiệp chịu dùng người không có kinh nghiệm nên các tân binh của thị trường lao động mãi mãi không có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, thực trạng trên đang dần được cải thiện với sự năng động của các bạn sinh viên cũng như nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường, buộc tư duy của người chủ doanh nghiệp phải thay đổi, nhất là các startup và doanh nghiệp nhỏ - vừa.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trinh – CEO Công ty PT Transport Logistics cho biết, mình sẵn sàng tuyển các bạn sinh viên mới ra trường, nhưng với điều kiện là các bạn phải chịu khó – chịu khổ, đừng làm ít mà đòi hưởng nhiều.
"Công ty chúng tôi sẵn sàng mở rộng cửa với các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học – cao đẳng về xuất nhập khẩu. Tất nhiên, chúng tôi sẽ đào tạo lại vì kinh nghiệm nhiều năm tuyển dụng cho thấy, những kiến thức mà các bạn hấp thụ trong nhà trường không đủ để làm việc", chị Thùy Trinh chào mời.
Tuyển vào là một chuyện, còn các tân binh có trụ lại được công ty hay không là một chuyện khác. Dù PT Transport Logistics cần người thật sự, nhưng doanh nghiệp này không thể chứa chấp những bạn sinh viên mới ra trường vừa làm một xíu đã kể công hoặc chưa làm tốt công việc của nhân viên đã đòi làm sếp, vì "chuyện gì cũng phải có quá trình".
Còn với anh Trần Trung Hiếu – Phó chủ tịch Smartlog, để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng, các sinh viên mới ra trường có thể làm theo hai cách: thể hiện kiến thức chuyên môn thật ấn tượng hoặc đề nghị một ý tưởng sáng tạo giúp doanh nghiệp phát triển.
Trước khi bước chân vào thị trường lao động, các sinh viên cần trang bị những kinh nghiệm và kiến thức cần thiết. Ngay từ năm 3 và năm 4, các bạn sinh viên nên tìm cơ hội học việc – thực tập trong các công ty hoạt động ở lĩnh vực mà mình yêu thích, ví dụ như Smartlog. Ngoài kiến thức mà nhà trường truyền đạt, sinh viên cũng nên tự trau dồi thêm kiến thức ở trên mạng internet, từ tiền bối trong ngành hay thực tiễn cuộc sống.
Với những thuận lợi mà thời đại mang lại, chỉ cần chịu khó – chịu khổ, không có lý do gì mà các bạn sinh viên không tích luỹ được kinh nghiệm và kiến thức đủ cho công việc sau này, anh Hiếu cho biết.
Còn với những bạn chưa có sự chuẩn bị, thì cần phải biết rõ điểm mạnh – điểm yếu của bản thân, biết sale – bán những giá trị mà mình có trong buổi phỏng vấn. Một ý tưởng sáng tạo giúp doanh nghiệp phát triển hoặc giải quyết những khó khăn mà họ đang mắc phải có giá trị bằng mấy năm kinh nghiệm thực tiễn! Thế nên, các tân binh hãy mạnh dạng chia sẻ ý tưởng sáng tạo của mình (nếu có) cho các nhà tuyển dụng.
Khác với 2 đồng nghiệp kể trên, phẩm chất mà anh Vũ Đức Thịnh – CEO Lazada Express đánh giá cao nhất ở các ứng viên chính là ý thức tốt.
Thời buổi bây giờ, tuyển nhân sự có kinh nghiệm rất khó, mà trong lĩnh vực logistic càng khó. Thế nên, hằng năm Lazada Express tuyển rất nhiều sinh viên mới ra trường vào công ty rồi đào tạo lại.
"Phần kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc có trống trơn cũng không sao, chỉ cần ứng viên có ý thức tốt và tính cách phù hợp với môi trường làm việc với công ty, chúng tôi sẽ nhận", anh Đức Thịnh khẳng định.
Và với anh, tính cách tốt chính là "biết người biết ta" và cầu thị, làm từ việc nhỏ đến việc lớn, muốn trở thành sếp phải đi từ vị trí nhân viên, chứ không phải nghĩ "mình học đại học ra là phải làm sếp". Một người có ý thức tốt tức phải tinh tế, để ý từng chi tiết nhỏ khi làm việc, ví dụ: phải biết cúi xuống nhặt tờ giấy rớt xuống sàn trong văn phòng hay đi bộ ở lối dành cho người đi bộ trong nhà máy chứ không được thích đâu đi đó.
Mặt khác, vị CEO này khuyến khích các bạn sinh viên, nếu không thể thực tập ở công ty chuyên ngành thì có thể làm thêm ở quán cà phê hoặc nhà hàng. Bởi, quá trình phục vụ người khác sẽ mang lại cho các sinh viên nhiều kỹ năng quý báu sau này, ví dụ như kỹ năng thuyết phục khách hàng, sắp xếp công việc, ứng phó với khủng hoảng….
Chị Lê Anh Thiên Thư – Giám đốc Logistic của tập đoàn Tín Nghĩa hoàn toàn đồng ý với những chia sẻ kể trên, nhất là về chuyện "điểm yếu – điểm mạnh". Tự tin là một phẩm chất cần thiết nữa khi đi xin việc, nhưng để có thể tự tin, các lao động mới cần phải biết điểm mạnh – điểm yếu của bản thân. Đồng thời, chỉ khi tự tin vào bản thân, chúng ta mới không trở nên tự ti khi từ bỏ cái gì đó mà mình mong muốn nhưng không thành công.
Chị Thiên Thư kể, hồi mới ra trường sau khi tốt nghiệp ngành Nhà hàng – khách sạn của trường Văn Lang, mơ ước của chị là làm tiếp viên hàng không. Khi chưa đi phỏng vấn, chị rất tự tin về khả năng thành công của mình, vì chị thông thạo tới 2 ngoại ngữ, chiều cao đạt chuẩn, giao tiếp tốt. Tuy nhiên, dù rất chăm chỉ đi phỏng vấn song chị thất bại vẫn hoàn thất bại, nguyên do các hãng hàng không đưa ra là bởi chị "không đủ trắng". Trước thực tế cuộc sống, chị đành phải chuyển nghề rồi đầu quân cho DHL.
Rõ ràng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm đúng ngành nghề mình được đào tạo và khi cần từ bỏ thì nên từ bỏ, cơ hội luôn đến với chúng ta, chỉ cần biết mình là ai, đủ khả năng và kiên nhẫn.