Các nhà sản xuất máy bay 'dở khóc dở cười' với hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á

26/07/2020 21:02 PM | Kinh doanh

Các hãng hàng không giá rẻ ở Đông Nam Á, động lực tăng trưởng chính của các nhà sản xuất và công ty cho thuê máy bay suốt một thập kỷ trước khi xảy ra đại dịch, đang gặp khó khăn về tài chính khi nhu cầu sụt giảm.Câu hỏi đặt ra là liệu những hãng hàng không này có thể thay thế và tăng gấp đôi đội bay của họ hay không.

Trong khi các kiểm toán viên của AirAsia Group (Malaysia) và Vietjet (Việt Nam) quan tâm đến dòng tiền, hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã tạm ngưng kế hoạch phát triển dự định. Ngay cả trước đại dịch, các chủ ngân hàng và công ty cho thuê máy bay đã lo lắng về việc liệu những máy bay được đặt hàng trong suốt một thập kỷ "cơn sốt mua sắm" vừa qua có được giao tới các hãng hàng không Đông Nam Á hay không.

Theo dữ liệu từ Aviation Week, các hãng hàng không nêu trên, với chi nhánh ở nhiều quốc gia, đang đặt mua 938 máy bay và hầu hết trong số 476 máy bay hiện có là đi thuê.

Các hãng hàng không giá rẻ với các hoạt động nội địa rộng lớn chắc chắn có cơ hội phục hồi tốt hơn sau đại dịch, dù ít được hỗ trợ tài chính hơn hãng hàng không quốc doanh.

Giới phân tích nhận định, cấu trúc chi phí thấp hơn giúp các công ty này giảm tốc độ tiêu hao tiền mặt và linh hoạt hơn để có thể hưởng lợi đầu tiên từ bất kỳ sự phục hồi nào.

Nhưng với tình trạng đóng cửa biên giới và tăng trưởng kinh tế chậm chạp như hiện nay, việc hồi phục du lịch quốc tế giá rẻ đủ để bù lại chi phí của tất cả máy bay họ đặt hàng ngày càng đáng nghi ngờ. Đây là tín hiệu lo ngại cho các công ty sản xuất và cho thuê máy bay.

“Đối tượng tôi lo ngại nhất là những hãng hàng không giá rẻ đã đặt mua quá nhiều máy bay”, Robert Martin, giám đốc điều hành công ty cho thuê máy bay BOC Aviation, trụ sở tại Singapore, chia sẻ. “Tôi nghĩ họ còn rất nhiều việc phải làm trong quý III”. Đó là các cuộc đàm phán về những hợp đồng cho thuê hiện tại.

Các nhà sản xuất máy bay dở khóc dở cười với hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

Phi cơ AirAsia tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters.

Thời gian

Hiện nay, tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng mở rộng đang gia tăng nhanh chóng và linh động hơn khiến Đông Nam Á trở thành khu vực sinh lợi cho các nhà sản xuất và cung cấp máy bay.

Tại triển lãm máy bay Singapore hồi tháng 2, trước khi đại dịch Covid-19 lan ra ngoài Trung Quốc, Boeing dự đoán các hãng hàng không Đông Nam Á sẽ cần tới 4.500 máy bay trong 20 năm tới, trong đó Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng tăng trưởng hàng không.

Cùng với đó là những dự đoán về việc tạo thêm 182.000 việc làm cho phi công, phi hành đoàn và kỹ thuật viên.

Nhưng giờ đây, nhiều nhân viên đang bị sa thải hoặc cho nghỉ phép, hàng chục máy bay không được giao, ngoại trừ các hãng hàng không vẫn sử dụng nguồn tài chính đã được phân bổ trước khủng hoảng. Các nhà sản xuất và các công ty cho thuê đang chịu thiệt hại.

Công ty tư vấn IBA ước tính sẽ có tình trạng dư cung tới 2.500 máy bay trên toàn cầu trong 20 tháng tới.

Nhà phân tích hàng không Brendan Sobie tại Singapore cho biết các bên cho thuê có thể để cho các hãng hàng không trả chậm đối với các máy bay phải tạm dừng hoạt động, nhưng một cuộc khủng hoảng tiền mặt có thể xuất hiện khi thời gian này kết thúc.

“Ngay cả khi nội địa phục hồi nhưng thị trường quốc tế vẫn đóng băng thì các công ty này vẫn không thể vận hành một đội tàu quá lớn như vậy được”.

AirAsia cho biết họ tìm kiếm thêm khoản vay và huy động vốn với kỳ vọng đạt khoảng 70-75% công suất bình thường vào cuối năm nay. Nhưng hãng này khẳng định với Airbus họ không định nhận thêm máy bay mới vào năm 2020, khiến Airbus phải bán ít nhất 6 máy bay chưa được giao đi.

Phát ngôn viên của Airbus cho biết công ty đang làm việc chặt chẽ với tất cả khách hàng tại thời điểm thử thách nhất này. Trong khi đó, AirAsia từ chối bình luận.

Tại Indonesia, Lion Air dọa sẽ hủy đơn đặt hàng đối với máy bay Boeing 737 MAX sau vụ tai nạn năm 2018.

Phía ngân hàng cho biết tập đoàn này cũng đã giảm mạnh chi tiêu do khủng hoảng. Lion Air từ chối bình luận về kế hoạch đặt hàng.

Boeing cho biết mặc dù sẽ mất tới vài năm lượng hành khách mới có thể phục hồi nhưng họ tin tưởng vào lực cầu dài hạn tại Đông Nam Á.

Hoa Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM