Các nhà nghiên cứu cảnh báo vệ tinh Starlink của Elon Musk sẽ cản trở ngành thiên văn học

27/08/2020 17:25 PM | Công nghệ

Hàng trăm nhà nghiên cứu thiên văn bày tỏ quan ngại về những ảnh hưởng không thể tránh khỏi nếu dự án Starlink với hàng chục ngàn vệ tinh trở thành hiện thực.

Hàng trăm nhà thiên văn học đồng loạt lên tiếng cảnh báo rằng các nhóm vệ tinh phối hợp có tổ chức như mạng lưới Starlink của Elon Musk có thể gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới nghiên cứu thiên văn cũng như các ngành khoa học khác.   

Một báo cáo thực hiện bởi workshop Satellite Constellations 1 (Satcon1) đã chỉ ra rằng những “chòm” vệ tinh phát sáng sẽ thay đổi hoàn toàn khả năng nghiên cứu thiên văn học dựa trên quang học cũng như hồng ngoại trên mặt đất. Không chỉ vậy, những nhóm vệ tinh kiểu này sẽ thay đổi quang cảnh bầu trời đêm ở khắp mọi nơi trên thế giới. 

Workshop này quy tụ hơn 250 nhà thiên văn học, người vận hành vệ tinh cũng như một số nhà vận động kêu gọi giữ bầu trời đêm tối, với mục đích tìm hiểu ảnh hưởng về thiên văn học của các nhóm vệ tinh lớn. Trong báo cáo nghiên cứu có tuyên bố: “Chúng tôi phát hiện ra rằng những thiết kế nhóm vệ tinh trong trường hợp xấu nhất đã cho thấy ảnh hưởng vô cùng tồi tệ tới một số chương trình nghiên cứu khoa học.”

Các nhà nghiên cứu cảnh báo vệ tinh Starlink của Elon Musk sẽ cản trở ngành thiên văn học - Ảnh 1.

Hình ảnh chuỗi vệ tinh Starlink trên bầu trời đêm được ghi lại.

Kế hoạch của SpaceX, công ty hàng không vũ trụ tư nhân đứng đằng sau bởi tỷ phú Elon Musk, là phóng hơn 30.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo để truyền phát internet tốc độ cao xuống dưới mặt đất. Trong nghiên cứu có cảnh báo: “Chỉ riêng hệ thống Starlink cũng có thể làm tăng gấp đôi lượng vật thể không gian có chuyển động quan sát được trên bầu trời đêm.”. Những cách thức để giảm thiểu sự ảnh hưởng này bao gồm “làm chúng tối đi”, “để chúng bay ở quỹ đạo thấp” “định hướng để chúng bớt phản chiếu ánh sáng mặt trời”, nhưng đương nhiên, ưu tiên số một mà báo cáo này gợi ý là “đừng phóng chúng lên”.

Thời gian gần đây, SpaceX phải gánh chịu nhiều lời chê trách liên tục vì gây gián đoạn trong việc quan sát bầu trời đêm bởi mạng lưới vệ tinh Starlink đang tăng dần lên từng ngày, với con số hiện tại là 500. Những lần phóng vào năm 2019 đã làm xuất hiện hàng trăm báo cáo quan sát thấy UFO bởi cách sắp xếp khác thường của chúng, hình dạng mà một số nhà thiên văn học đã so sánh với “một chuỗi ngọc trai lấp lánh”. Mới đây nhất, SpaceX đã bị chỉ trích trực tiếp do gây cản trở việc quan sát sao chổi Neowise hồi tháng trước, mà chu kì đi qua Trái Đất của sao chổi này là tận 6800 năm một lần. Những lời chỉ trích này hoàn toàn có căn cứ, khi mà nhiều tấm ảnh chụp kiểu timelapse về sao chổi Neowise cũng như một số vật thể ngoài vũ trụ khác bỗng … xuất hiện những vệt sáng. Không gì khác, những vệt sáng này là do những chuỗi vệ tinh Starlink trên quỹ đạo thấp tạo ra. 

Các nhà nghiên cứu cảnh báo vệ tinh Starlink của Elon Musk sẽ cản trở ngành thiên văn học - Ảnh 2.

Một số cách thức được gợi ý để làm giảm bớt ảnh hưởng của lượng lớn các vệ tinh trên quỹ đạo.

Dự án Starlink có mục đích rất tốt đẹp khi mở ra khả năng cung cấp internet tốc độ cao cho những vùng hẻo lánh trên khắp bề mặt Trái Đất, bắt đầu với một số khu vực phụ cận ở Canada rồi dần tiến đến Xích Đạo khi nhiều vệ tinh được phóng hơn. Về phần của mình, SpaceX cũng đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để làm giảm khả năng nhìn thấy được của mạng lưới vệ tinh này, bao gồm sơn đen chúng và điều chỉnh hướng của những tấm pin năng lượng mặt trời nhằm giảm bớt mức độ phản chiếu. 

Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kì (AAS - American Astronomical Society), tổ chức đứng đằng sau sự kiện Satcon1, đã làm việc trực tiếp với SpaceX để thử nghiệm và phát triển nhiều phương pháp nhằm xác định rõ vấn đề. SpaceX cũng cho biết, họ cũng đã làm việc với Đài quan sát Thiên văn Vô tuyến Quốc gia Mỹ (NROA) cũng như Đài quan sát Green Bank để tối thiểu hóa sự ảnh hưởng do những vệ tinh của mình gây nên. 

Giáo sư Tony Tyson đến từ Đại học California đã tiết lộ, một trong những chiến thuật giảm thiểu ảnh hưởng được thảo luận với SpaceX là làm cho những vệ tinh Starlink tối hơn 10 lần nhằm loại bỏ dấu vết chúng tạo nên. Ông cũng chia sẻ: “Tuy nhiên, kể cả khi cách này hoạt động như dự kiến, những dấu vết tạo ra bởi các vệ tinh rõ ràng vẫn sẽ xuất hiện trong các bộ dữ liệu, làm phức tạp hóa các quá trình thống kê dữ liệu và giới hạn khả năng khám phá. Nếu có hàng chục ngàn vệ tinh quỹ đạo thấp, chúng tôi có thể khẳng định rằng dù có thực hiện cách nào đi chăng nữa cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng từ dấu vết của chúng tới những chương trình nghiên cứu mà các cơ sở thiên văn quang học sẽ thực hiện.”


Đỗ Tú

Cùng chuyên mục
XEM