Các ngân hàng thương mại đứng ở đâu trong hệ sinh thái tài chính tiêu dùng điện tử?

30/11/2017 15:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong hệ sinh thái tài chính tiêu dùng, khách hàng có vị trí trung tâm và ngân hàng giữ vai trò chủ chốt.

"Khi số thuê bao di động vượt quá dân số, thanh toán di động là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Phát triển tốt dịch vụ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ", Chuyên gia kinh tế trường Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV Cấn Văn Lực chia sẻ tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 được tổ chức vừa qua.

Theo chuyên gia Lực, thanh toán di động đang mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về thương mại điện tử, mang lại nhiều cơ hội cho các tác nhân trong nền kinh tế và là nhân tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện tại các quốc gia. Hiện nay, các giải pháp thanh toán ứng dụng công nghệ không chạm, mã QR, ví điện tử … đang thực sự phổ biến tại cả các nước phát triển và đang phát triển. Chúng có đóng góp tích cực đến đến tốc độ tăng trưởng 2 con số của thị trường thanh toán phi tiền mặt toàn cầu.

Các tác nhân tham gia cung cấp giải pháp thanh toán cũng ngày càng đa dạng, từ nhà cung cấp truyền thống là các định chế tài chính đến các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung, hay các hãng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, …, tập đoàn viễn thông hoặc mạng lưới các công ty Fintech.

Trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, các chính phủ cũng như các tổ chức đang quan tâm đến khái niệm hệ sinh thái. Hệ sinh thái là môi trường nuôi dưỡng và phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới ngày nay. Thanh toán qua mobile cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Trên góc độ kinh tế, hệ sinh thái là một cộng đồng kinh tế. Trong đó, các tổ chức và cá nhân cấu thành nền kinh tế có tương tác với nhau. Cộng đồng kinh tế sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho khách hàng và khách hàng cũng chính là thành phần trong hệ sinh thái đó. Các tổ chức thành viên hệ sinh thái cũng bao gồm các nhà cung cấp, nhà sản xuất, các đối thủ cạnh trạnh và các bên liên quan khác. Theo thời gian họ cùng phát triển khả năng, vai trò và có xu hướng tuân theo các chỉ dẫn được thiết lập bởi những công ty chủ chốt.

 Vai trò lãnh đạo do các công ty chủ chốt nắm giữ có thể thay đổi theo thời gian, nhưng chức năng lãnh đạo hệ sinh thái luôn được đánh giá cao bởi cộng đồng. Vì nó cho phép các thành viên có tầm nhìn chung, đảm bảo tương xứng với các khoản đầu tư họ bỏ ra và giúp họ tìm được sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.

Trên góc độ ngân hàng thương mại, hệ sinh thái được xem xét là hệ sinh thái tài chính tiêu dùng, với các tác nhân tham gia chính là ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, các công ty Fintech, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, người bán hàng/nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Trong hệ sinh thái này, khách hàng có vị trí trung tâm và ngân hàng giữ vai trò chủ chốt trong hệ sinh thái.

Ngân hàng và khách hàng thường có mối quan hệ lâu dài và có tính bền vững cao, ngân hàng cũng là nhà cung cấp các giải pháp, nền tảng thanh toán chủ yếu cho các công ty Fintech, nhà cung cấp, khách hàng… Ngân hàng có kinh nghiệm trong quản trị rủi ro, quản lý tài chính và có dữ liệu tình hình tài chính, thông tin khách hàng, thông tin nhà cung cấp… khá đầy đủ và chắc chắn. Vì vậy, họ sẽ cung cấp cho hệ sinh thái tính thanh khoản, các công cụ phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ hệ sinh thái vận hành linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo khả năng tăng trưởng.

Chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ ví dụ về một ngân hàng thương mại tại Singapore từng đánh giá về hành vi khách hàng của họ, rằng có đến 70% hoạt động của khách hàng được thể hiện bằng các giao dịch tài chính. Các dịch vụ của một ngân hàng truyền thống chỉ đáp ứng một phần các giao dịch tài chính đó. Vì vậy, ngân hàng với vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính chủ yếu phải làm đầu mối để hợp tác với các bên thứ 3, nhằm cung cấp đầy đủ nhất các dịch vụ tài chính tiêu dùng phục vụ khách hàng, như đặt chỗ, mua sắm, du lịch, y tế, giáo dục, giải trí….

Ngân hàng có thể không cần thu lợi ích từ dịch vụ của bên thứ 3. Mục tiêu quan trọng nhất là duy trì và phát triển được nền tảng khách hàng. Việc này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia hệ sinh thái - ngân hàng giữ chân được khách hàng, các đơn vị bán hàng có thể cung cấp giải pháp thanh toán hiện đại, tiết kiệm, còn khách hàng hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

 Ngân hàng Singapore nói trên đã sử dụng ứng dụng mobile banking làm nền tảng cho việc xây dựng hệ sinh thái. Ngoài các chức năng giao dịch tương tác với ngân hàng, hệ thống mobile banking này còn cung cấp rất nhiều tiện ích tài chính và phi tài chính phục vụ nhu cầu mua sắm chi tiêu ngoài ngân hàng. Việc xây dựng hệ sinh thái đã thúc đẩy hệ thống thanh toán qua mobile phát triển vững chắc.

PV

Cùng chuyên mục
XEM