Làn sóng thương mại điện tử đang nhấn chìm tiền mặt tại Trung Quốc ra sao?

09/10/2017 13:51 PM | Kinh tế vĩ mô

Thanh toán trực tuyến đang tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng có tại Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy một làn sóng thương mại điện tử lớn tại quốc gia này.

Hiện nay, việc thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc phổ biến đến mức các cửa hàng chấp nhận trả tiền online cho những hóa đơn chỉ 100 Nhân dân tệ (15 USD). Từ những nhà hàng, cửa hàng hoa cho đến những tiệm thời trang, câu hỏi cửa miệng của các khách hàng Trung Quốc không phải là cửa hàng có nhận thẻ tín dụng hay không mà là họ có chấp nhận Alipay hay Wechatpay hay không.

Thậm chí, nhiều người đặt ra câu hỏi những người ăn xin tại Trung Quốc có lẽ sẽ phải chuyển sang nhận tiền bằng thanh toán trực tuyến thay vì xin tiền mặt. Đây không phải là một chuyện cười khi những người ăn xin tại Tế Nam-Sơn Đông đã sử dụng quét mã QR để xin tiền cùng với tiền mặt.

Trong khi đó, giới truyền thông cũng đăng tin rầm rộ hồi tháng 4 vừa qua về một người đàn ông tại Bắc Kinh mừng cưới bằng thanh toán trực tuyến, qua đó cho thấy mức độ phổ biến của loại hình này.

Trong khi loại hình thanh toán trực tuyến và sử dụng mã QR vẫn còn bị giới hạn tại các nước Phương Tây do lo ngại tính an toàn thì tại Trung Quốc, chúng đang phát triển với một tốc độ chưa từng có.

Việc không có nhiều quy định trong mảng thanh toán điện tử cùng với hệ thống tài chính còn đang trong quá trình phát triển đã thúc đẩy mảng thanh toán online tại Trung Quốc. Điều này khác hẳn với các nước Phương Tây khi có quá nhiều quy định ràng buộc và hệ thống tài chính phát triển với thẻ tín dụng, séc… khiến người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

Làn sóng thương mại điện tử đang nhấn chìm tiền mặt tại Trung Quốc ra sao? - Ảnh 1.

Số liệu của Hillhouse Capital cho thấy thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc đã tăng 100% lên 5 nghìn tỷ USD vào năm 2016. Riêng trong quý I năm nay, hãng Alipay đã chiếm 54% thị phần thanh toán trực tuyến ở Trung Quốc trong khi WeChat Pay chiếm 40%.

Điều đặc biệt là với lượng du khách khổng lồ, thói quen sử dụng thanh toán điện tử của người Trung Quốc đang dần ảnh hưởng đến những thị trường khác. Số liệu của hãng thông tấn Xinhua cho thấy hơn 6 triệu lượt du khách Trung Quốc đã đi ra nước ngoài trong đầu tháng 10 này và điều đó khiến những khu du lịch nổi tiếng như Hong Kong hay Nhật Bản phải gia tăng thanh toán trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu.

Vào tháng 4/2017, hãng tin Nikkei cho biết số cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng dịch vụ Alipay tại Nhật Bản đã tăng gấp đôi lên 45.000 cửa hàng.

Vương quốc thương mại điện tử

Sự phát triển của thanh toán điện tử tại Trung Quốc phải nói đến sự bùng nổ sử dụng điện thoại thông minh tại đây. Tính riêng trong quý II, ứng dụng WeChat của Tencent đã đạt 963 triệu người sử dụng hàng tháng. Trong khi đó, số khách hàng sử dụng Alipay đạt tới 520 triệu người.

Ứng dụng Alipay kết nối khách hàng với quỹ đầu tư Yu’e bao, qua đó khuyến khích mọi người chi tiêu và đầu tư online nhiều hơn. Mức lãi suất thấp nhất gần 4% của quỹ này khiến mọi người đổ tiền vào đây thay vì ngân hàng và biến Yu’e bao thành một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với 1,43 nghìn tỷ Nhân dân tệ (217 tỷ USD) tính đến tháng 6/2017.

Báo cáo của hãng CLSA cho thấy thanh toán trực tuyến của Trung Quốc có thể tăng 4 lần lên 300 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2021, trong khi các quỹ đầu tư online và đầu tư trực tuyến có thể tăng 3 lần lên tương ứng 6,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ và 3,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Theo CLSA, sự phát triển của mảng di động và thương mại điện tử sẽ thúc đẩy ngành tài chính online ở Trung Quốc.

Làn sóng thương mại điện tử đang nhấn chìm tiền mặt tại Trung Quốc ra sao? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, thanh toán trực tuyến cũng đang dần chiếm lĩnh các ngành dịch vụ khác ở Trung Quốc. Ví dụ như dịch vụ gọi xe taxi Didi, hãng đã mua lại ứng dụng Uber chi nhánh Trung Quốc với giá 35 tỷ USD. Ứng dụng này sử dụng dịch vụ thanh toán Wechat Pay, vô cùng tiện lợi cho người nước ngoài khi họ không có tài khoản ngân hàng ở đây.

Thêm vào đó, việc sử dụng thanh toán trực tuyến giúp giảm bớt tệ nạn tiền giả, vốn khá phổ biến ở Trung Quốc.

Việc thống trị trong mảng thanh toán trực tuyến đang khiến những công ty như Ant Financial và Tencent truy cập được số lượng lớn những thông tin cá nhân của khách hàng, qua đó sử dụng cho những mục đích kinh doanh khác hoặc giao nộp cho chính phủ. Tuy vậy, người dân Trung Quốc có vẻ không mấy quan tâm đến điều này khi họ chỉ phải mang một chiếc điện thoại thay vì tiền mặt ra ngoài đường.

AB

Cùng chuyên mục
XEM