Các mẹo chi tiêu thời bão giá: Người chia tiền sinh hoạt phí vào các phong bì riêng, người ung dung vì có ‘ngân hàng gia đình’ hỗ trợ

10/07/2022 11:07 AM | Sống

Tiền lương không thay đổi nhưng vật giá thì liên tục tăng khiến nhiều gia đình phải lo lắng, cân đối lại việc chi tiêu.

Cơn "bão giá" ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều gia đình hiện tại. Vật giá leo thang kéo theo số tiền chi tiêu trong gia đình tăng “chóng mặt” khiến phần lớn mọi người loay hoay tìm cách chi tiêu làm sao cho phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đứng ngoài vẫn đứng ngoài “cơn bão”.

Các gia đình chi tiêu thế nào thời "bão giá"

Trước khi bão giá diễn ra, chị Hà Phượng (28 tuổi, Hà Nội) là nhân viên văn phòng chi tiêu khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng cho 2 vợ chồng. Trong đó gồm 5 triệu tiền nhà, tiền ăn khoảng 3 triệu, tiền ăn trưa, xăng xe, tiền cafe khoảng 6 triệu, còn lại là tiền chi tiêu cho các khoản mua sắm, đi ăn ngoài hàng. Nhưng khi vật giá leo thang, số tiền chi tiêu hàng tháng của gia đình chị Phượng lên đến gần 30 triệu đồng.

Chị Hà Phượng chia sẻ: “Hiện nay khi giá xăng tăng, kéo theo là thực phẩm đắt, tiền ship cũng lên cao nên các khoản chi tiêu cũng bị đội giá lên khá nhiều. Chẳng hạn, trước đây mình gọi một suất cơm trưa khoảng 35- 40 nghìn đồng thì nay sẽ tăng lên khoảng 50-55 nghìn đồng. Thêm phí ship khoảng 20 nghìn nữa, tuỳ vào vị trí quán xa hay gần cơ quan”.

“Mình cũng có thói quen uống cà phê vào buổi chiều, mỗi cốc cũng khoảng 50 nghìn đồng. Tất nhiên không phải đều đặn ngày nào cũng uống nhưng nhìn chung đã phải chi ra một khoản kha khá. Nếu chia mỗi vợ chồng tiền chi tiêu khi đi làm bao gồm ăn trưa, cafe, tiền xăng khoảng 3 triệu/ người thì hiện nay đã không đủ”, chị Phượng nói thêm.

Các mẹo chi tiêu thời bão giá: Người chia tiền sinh hoạt phí vào các phong bì riêng, người ung dung vì có ‘ngân hàng gia đình’ hỗ trợ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Giống như chị Hà Phượng, việc chi tiêu của chị Thu Nhiên (24 tuổi, Hà Nội) là nhân viên văn phòng cũng bị ảnh hưởng bởi bão giá. Chị Nhiên thấy khá căng thẳng vì mọi thứ tăng giá đến chóng mặt. Riêng tiền xăng xe thôi cũng có thể nhìn thấy rõ là mọi chi phi sẽ tốn kém hơn bình thường rất nhiều mà trong khi mức lương cơ bản vẫn như vậy.

Trước bão giá, chị Nhiên chi tiêu khoảng 12 triệu mỗi tháng cho gia đình có một con nhỏ. Trong đó, khoảng 4 triệu cho chi phí sinh hoạt, 4 triệu cho ăn uống, 4 triệu là mua sắm và các khoản vặt. Khi bão giá xảy ra, mỗi khoản chi tiêu trong gia đình chị Nhiên tăng lên từ 1-2 triệu 1 tháng.

“Về cơ bản thì mình vẫn thấy không có gì quá áp lực nhưng vì mọi chi phí sinh hoạt các thứ đều đắt đỏ lên nên việc chi tiêu sẽ e dè, không dám mạnh tay như trước”, chị Nhiên nói.

Khác hẳn với chị Phượng và chị Nhiên, chị Ngọc Phương (27 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm kinh doanh riêng, có một con nhỏ, thấy chi tiêu của gia đình mình không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão giá. Chị Ngọc Phương chia sẻ: “Mình đi shopping ít khi để ý giá vì 1 phần không cảm thấy chi tiêu hằng ngày tăng lên đáng kể bởi bão giá. Mình hay đi ăn ngoài với ăn ké nhà bố mẹ. Xăng xe thì bố mình chu cấp nên mình thấy không ảnh hưởng gì bởi bão giá cả. Nói chung là gia đình mình không cảm thấy có vấn đề gì lắm”.

Các mẹo chi tiêu thời bão giá: Người chia tiền sinh hoạt phí vào các phong bì riêng, người ung dung vì có ‘ngân hàng gia đình’ hỗ trợ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trước đây, chị Phương chi tiêu khoảng 30 triệu/tháng cho gia đình gồm 2 vợ chồng và bé 6 tháng tuổi, chủ yếu là tiền ăn uống, mua đồ cho con, mua sắm, trả tiền điện. Còn bây giờ, số tiền nhà chị Phương tiêu hàng tháng vẫn không có nhiều thay đổi so với trước bão giá.

Muôn kiểu chi tiêu hợp lý thời bão giá

Tính toán chi li hơn, tiết kiệm được khoản nào thì nhất định phải tiết kiệm

Để thích ứng với việc vật giá tăng phi mã như hiện nay, gia đình chị Hà Phượng chi tiêu theo phương án tiết kiệm được khoản nào thì nhất định phải tiết kiệm. Trước đây vì là vợ chồng trẻ nên vợ chồng chị Phượng không quá tính toán chi li, nhưng về lâu dài thì cần phải có cách chi tiêu khoa học hơn.

Chị Thu Nhiên trong tình hình này cũng cân đối lại chi tiêu, không dám chi mạnh tay như trước.

“Ví dụ bình thường nhà mình sẽ mua thêm quần áo mới nhưng đợt này là cũng phải suy nghĩ đắn đo xem nên mua thêm hay không. Hoặc đơn cử là giờ cuối tuần cho bạn nhỏ đi chơi cũng không dám ăn uống mua sắm nhiều, phải tiết kiệm hơn trước vì sau khi mọi thứ tăng giá thì khoản tiền mình để riêng cho việc hưởng thụ, giải trí nó không còn được nhiều nữa”, chị Nhiên chia sẻ.

Tự nấu đem cơm trưa đi làm, hạn chế ra ngoài ăn

Đây cũng là cách chị Phượng tiết kiệm chi tiêu. Chị Phượng cho biết, buổi tối nấu cơm thì chị sẽ nấu dư thức ăn ra một chút và sáng hôm sau đem cơm đi làm. Bữa trưa mang ra lò vi sóng của cơ quan quay nóng, như vậy cũng tiết kiệm được hơn. Thay vì gọi cafe bên ngoài thì nay mua sẵn một gói cafe phin và tự pha.

Các mẹo chi tiêu thời bão giá: Người chia tiền sinh hoạt phí vào các phong bì riêng, người ung dung vì có ‘ngân hàng gia đình’ hỗ trợ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

"Nếu trước đây hai vợ chồng rất hay đi ăn hàng, đi cafe buổi tối, đi xem phim thì nay các khoản này gần như bị cắt hết. Mỗi tháng chỉ đi ăn ngoài 2 lần. Và tiền xăng tăng mà 2 vợ chồng cơ quan gần nhau nên mình không đi hai xe máy, chồng chở mình đi làm, chiều lại qua đón. Tình cảm đôi bên cũng tăng lên rất nhiều", chị Phượng chia sẻ.

Chia tiền vào phong bì

Đặc biệt, chị Phượng còn áp dụng phương pháp chia từng khoản vào các phong bì riêng, nếu tiền ở phong bì nào hết thì cũng không được phép rút ở bên khác bù vào. Nếu còn thừa thì sẽ cho hết vào phong bì tiết kiệm: 1 chiếc cho tiền nhà, 1 chiếc cho tiền ăn hàng ngày, 1 chiếc cho tiền xăng xe, phát sinh đám cưới, ma chay, ăn bên ngoài…,1 chiếc là tiền tiết kiệm hàng tháng. Như vậy, cũng với 20 triệu trước đây, nhà chị Phượng đã tiết kiệm được nhiều hơn.

Các mẹo chi tiêu thời bão giá: Người chia tiền sinh hoạt phí vào các phong bì riêng, người ung dung vì có ‘ngân hàng gia đình’ hỗ trợ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.


Minh Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM