Các lãnh đạo cấp cao Vingroup, Sungroup, IPPG, BRG, Vietjet nói gì tại cuộc họp với Thủ tướng?

15/03/2023 15:06 PM | Kinh doanh

Đại diện các tập đoàn đầu ngành đã đưa ra nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy ngành du lịch trong thời gian tới, như mở rộng thị trường quốc tế, tăng thời gian nhập cảnh, cho phép nhập cảnh nhiều lần, đầu tư cửa hàng miễn thuế...

Các lãnh đạo cấp cao Vingroup, Sungroup, IPPG, BRG, Vietjet nói gì tại cuộc họp với Thủ tướng? - Ảnh 1.

Sáng ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.

Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022). Theo thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).

Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến để phát triển ngành du lịch hơn nữa.

Sun Group

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nhấn mạnh vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam. Ông cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

So sánh với Thái Lan, ông Trường cho biết năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau.

Các lãnh đạo cấp cao Vingroup, Sungroup, IPPG, BRG, Vietjet nói gì tại cuộc họp với Thủ tướng? - Ảnh 2.

Để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, lãnh đạo Sun Group đưa ra 2 đề xuất.

Thứ nhất, Sun Group mong muốn các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay. Cụ thể: tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần".

Giải pháp thứ 2, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Vingroup

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang cho biết, sau 1 năm chính thức mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đang hồi sinh khi đông đảo du khách đã quay trở lại.

Theo ông Quang, điều kiện tiên quyết là không ngừng phát triển những sản phẩm mới kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khám phá, thể thao hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Các lãnh đạo cấp cao Vingroup, Sungroup, IPPG, BRG, Vietjet nói gì tại cuộc họp với Thủ tướng? - Ảnh 3.

Tại Vinpearl của Tập đoàn Vingroup, ông Quang cho biết: "Chúng tôi cũng đưa ra những sản phẩm mới đón đầu xu hướng thế giới như nghỉ dường phục hồi, nghĩ dưỡng biển kết nối gia đình, nghỉ dưỡng tại resort 5 sao; hội họp kết hợp du lịch giải trí (MICE)".

Bên cạnh đó, Vinpearl phát triển các thị trường khách quốc tế tiềm năng. Ngoài thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á; Nga, Trung Quốc, Vinpearl đã bắt đầu khai thác nguồn khách mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand và đã đạt được những thành tựu khả quan.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

Với hơn 38 năm kinh nghiệm Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn đưa ra 3 đề xuất.

Thứ nhất, phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế. Đây là loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh và mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch. "Chúng tôi đang làm việc với Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 trung tâm chăm sóc sức khỏe tế bào gốc công nghệ mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng".

Thứ hai, đầu tư xây dựng Trung tâm Outlet. Hầu hết các nước đều có mô hình này, giảm giá từ 50%-90% để tăng chi tiêu mua sắm.

Theo ông, Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2019 về quy chế hoạt động kinh doanh ngành miễn thuế chưa tính các hoạt động thương mại mua sắm dịch vụ, giải trí phục vụ ngành du lịch. Với tốc độ số hóa dữ liệu dân cư và áp dụng các công nghệ phần mềm hiện đại nối mạng trực tiếp với hải quan thì có thể kiểm soát để đảm bảo việc tuân thủ bán hàng miễn thuế.

Khi có hạn mức mua sắm miễn thuế cho du khách nội địa cũng sẽ không ảnh hưởng đến thị trường trong nước ngược lại sẽ phát triển cộng hưởng với các dịch vụ khác. Đây là sự bổ sung cần thiết để ngành du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác. Do đó, Chính phủ sớm quan tâm sớm ban hành các chính sách liên quan để các mô hình này có thể được triển khai và đi vào vận hành.

Mô hình các cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng, mới chỉ tập trung ở các sân bay. Các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng tại các cửa hảng miễn thuế không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và các thương hiệu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới. Hệ thống các cửa hàng miễn thuế sẽ giúp giải bài toán cho các công ty lữ hành có thể cạnh tranh lại giá tour vì họ được bù trừ tiền bằng tiền doanh thu hoa hồng khi công ty kinh doanh miễn thuế chi cho du khách mua sắm tại đây.

Các lãnh đạo cấp cao Vingroup, Sungroup, IPPG, BRG, Vietjet nói gì tại cuộc họp với Thủ tướng? - Ảnh 4.

Thứ ba, đề xuất mô hình dịch vụ vui chơi giải trí: Cần lựa chọn nhà đầu tư có năng lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, casino và các công viên thương hiệu được nhận diện trên toàn thế giới sẽ thu hút nguồn khách quốc tế rất lớn và tăng trưởng tương tự như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc. Nhật Bản.

Việc đầu tư hệ thống hoàn thuế VAT- một trong những giải pháp nâng cao trải nghiệm của du khách quốc tế là đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT. "Nếu có chính sách phù hợp chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác để hỗ trợ lắp đặt các hệ thống này cho các cơ quan chức năng trên toàn quốc. Bên cạnh đó cần đầu tư hạ tầng sân bay để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du lịch hiện nay".

Vietjet Air

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao chủ động đàm phán các hiệp định hàng không quốc tế. Nhiều hiệp định đã được ký từ lâu và đến nay có hạn chế nhất định cho việc các hãng hàng không mở các đường bay đi và đến quốc tế.

Ông Phương cũng cho rằng cần chủ động đàm phán với các hãng hàng không của các quốc gia để mở quỹ slot dành cho Việt Nam. Nhiều hãng khác nhau cùng đổ đến thì lúc đó quỹ slot của Việt Nam bị hạn chế, do đó rất cần sự vào cuộc của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao thông qua các cơ quan đại diện của chúng ta ở nước ngoài.

Các lãnh đạo cấp cao Vingroup, Sungroup, IPPG, BRG, Vietjet nói gì tại cuộc họp với Thủ tướng? - Ảnh 5.

"Trong nước, khi thị trường quốc tế mở lại, tôi rất đồng ý ý kiến là phải tạo sự thông thoáng trong công tác nhập cảnh đối với du khách".

"VietJet sẵn sàng đưa hình ảnh của du lịch Việt Nam, đưa hình ảnh của địa phương có thế mạnh về du lịch để bay đến các sân bay quốc tế để quảng bá hình ảnh du lịch của chúng ta", ông nói.

"Hiện nay chúng tôi đã mua bản quyền bài hát rất hay "Hello Việt Nam", sẵn sàng chia sẻ đối với du lịch để đưa thông điệp tốt nhất của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.

BRG Group

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, Tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.

"Vì vậy, đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày. Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất".

Các lãnh đạo cấp cao Vingroup, Sungroup, IPPG, BRG, Vietjet nói gì tại cuộc họp với Thủ tướng? - Ảnh 6.

Về thuế, chưa nói đến thuế thu nhập nhưng nếu tính đến doanh thu thì nộp thuế 10% VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay đang ở mức cao vì các nước xung quanh chỉ từ 5%-7%,vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao.

Về khách sạn, năm 2022, Tập đoàn BRG có 652.000 lượt khách, năm 2023 kế hoạch đặt ra là đạt 1 triệu lượt khách hạng sang.

Về golf, năm 2022, Tập đoàn BRG có 300.000 vòng chơi, năm 2023 đặt kế hoạch đạt 380.000 vòng chơi, hằng năm đều tổ chức các giải golf quốc tế cho khu vực. Đây cũng là hướng phát triển cho du lịch Việt Nam để thu hút khách quốc tế.

Lãnh đạo BRG đề xuất tăng cường tập trung quảng bá cho du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, Chính phủ cần tăng ngân sách cho công tác này.

Thứ hai, nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền.

Thứ ba, đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM